Mở cửa từ sáng tới tối, cửa hàng lụa Hạnh Silk (Hàng Gai, Hoàn Kiếm) của chị Lương Thanh Hạnh cũng chỉ có 2-3 khách ghé qua. Tuy nhiên, có khi họ cũng chẳng mua gì. Đây là tình trạng chung từ ngày chị Hạnh mở lại cửa hàng khoảng 2 tuần trước. Đôi khi, chị nhớ những ngày trước dịch. Thời điểm ấy, khách ra vào tấp nập, có ngày phải tới vài trăm người. |
"Bên tôi còn trụ được do có xưởng xuất khẩu nước ngoài, bán online nữa. Những nhà chỉ bán trực tiếp tại cửa hàng khó sống lắm. Đây là cái khó chung của cả con phố này rồi. Tôi mở cửa giờ cốt cũng để giới thiệu sản phẩm lụa đến khách", chị chia sẻ. |
Do tình hình dịch, giá các mặt hàng cũng phải giảm để vừa túi tiền của khách hàng. Hiện tại, giá sản phẩm chỉ bằng 50-70% so với thời điểm trước dịch. |
Các sản phẩm như vòng, khăn lụa trước kia được nhiều du khách tìm mua. Tuy nhiên, giờ chúng chỉ được bày ra cho đẹp cửa hàng. |
Cũng trên con phố Hàng Gai nhộn nhịp khi xưa, chị Phùng Khánh Hợi - chủ hàng ngọc trai và đồ lưu niệm - cũng chung cảnh "mở cửa cho vui". Chủ cửa hàng này cho biết bình thường đóng cửa vào 20h nhưng giờ đóng từ 17h do không có khách. "May tôi còn mở hàng tại nhà riêng chứ nhà thuê chắc chết. Ở phố này, thuê nhà chắc cũng phải vài chục triệu đồng mỗi tháng", chị nói. |
Từ ngày mở lại cửa hàng, chị Hợi chỉ tìm cách ngồi giết thời gian. Lúc thì chị lau chùi tủ gỗ. Lúc khác, chị lại lấy ngọc trai hoặc các sản phẩm ra để đảo lại, thay đổi mẫu mã. Chị cho biết thời tiết khiến tủ gỗ bị ẩm mốc. Các móc khóa sản phẩm cũng bị xỉn màu. Tuy nhiên, ngọc trai thật nên chất lượng sản phẩm không bị ảnh hưởng. |
"Khách Tây xưa thích mua ngọc trai lắm. Hoặc người nước ngoài làm việc ở Việt Nam xong về nước cũng hay mua làm quà. Tôi giờ chỉ mong du lịch trở lại để bán được hàng. Tôi cũng nghe tư vấn việc buôn bán online nhưng có tuổi rồi, khó tiếp cận công nghệ", chị Hợi cho biết. |
Cửa hàng đã cho 2 nhân viên nghỉ từ tháng 4/2020. Vì vậy, mỗi ngày, chị Hợi mở cửa cũng chỉ thui thủi một mình giữa những gian tủ kính. |
Những cánh cửa đóng chặt trên con phố thưa thớt người qua đã là khung cảnh quen thuộc với dân phố cổ Hà Nội. Một số người thuê cửa hàng suốt 30 năm nhưng cuối cùng cũng không trụ nổi, phải trả lại mặt bằng. Đại dịch đang "giết chết" những cửa hàng quá phụ thuộc vào khách du lịch. |
Bà Hằng (81 tuổi) mở một sạp đồ nhỏ bán nước và một số đồ khác trước cửa hàng đồ lưu niệm của con gái. Bà cho biết căn nhà phía sau mình là cơ sở kinh doanh đồ lưu niệm của con rể và con gái. Tuy nhiên, tình hình ế ẩm nên cũng không mở cửa. Chỉ có bà ngồi bán nước qua ngày. "Tôi ngồi cả ngày bán chắc được 50.000 đồng cả vốn lẫn lãi. Lắm lúc, tôi không biết sống sao", bà Hằng chia sẻ. |
Gian hàng lưu niệm gần cầu Thê Húc cũng không mở lại. Thỉnh thoảng chỉ có một, hai người dừng lại chụp ảnh check-in. |
Cảnh đìu hiu trên con phố Bảo Khánh (quận Hoàn Kiếm). Tình trạng mở cửa để phủi bụi có thể thấy ở mọi nơi. |
"Sắp đóng hết thôi, ngồi không có khách, tiền thuế vẫn phải đóng. Dĩ nhiên, tiền thuế cũng không quá cao nhưng quan trọng là chúng tôi có bán được đồng nào đâu. Nhiều nhà trụ hết nổi, trả mặt bằng. Chủ nhà treo biển cả năm cũng có ai thèm thuê đâu", một chủ hàng lưu niệm trên phố Đinh Liệt (quận Hoàn Kiếm) nói. |