Hàng ngàn học sinh khốn đốn vì những chiếc cọc
Bãi cọc lạ lùng ấy là công trình Trường Tiểu học Tam Đông đang tạm dừng thi công. Nó đã khiến thầy trò dạy đâu, nghỉ đó, học sinh vui chơi sợ đâu đầu gốc cây, hoặc phải nhịn… đi vệ sinh suốt từ sáng tới chiều.
Quá tải toàn tập
Hơn một năm qua, ai đi ngang ngã năm Chùa Hang cũng thấy một bãi cọc hàng trăm chiếc, mỗi cọc cao khoảng 1,5m. Với tổng dự toán lên đến 21 tỷ đồng, công trình trường Tiểu học Tam Đông (xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn) được khởi công xây dựng vào tháng 3/2011 nhưng chỉ sau một tháng thi công, đóng xong 215 chiếc cọc móng, thì công trình tạm dừng đến nay. Sự đình đốn ấy khiến hơn 1.400 học sinh và thầy cô giáo của trường dở khóc dở cười.
Tại trường Tiểu học Tam Đông vào giờ ra chơi buổi chiều, sân trường quá nhỏ không đủ chỗ cho gần 900 học sinh nên các em tràn ra khoảng đất trống phía sau nhà bếp để vui chơi. Gần đó, nhiều học sinh chen chúc, chờ đợi để được vào nhà vệ sinh.
Thầy Huỳnh Huy Trường – Hiệu trưởng trường cho biết, trường có gần 1.400 học sinh, trong đó có 900 học sinh theo học bán trú tại cơ sở chính, ở lại trường từ sáng tới chiều, nhưng trường chỉ có tám phòng vệ sinh, chia cho hai bên nam và nữ. Vì thế, các cháu phải chờ đợi là đương nhiên. Nền nhà vệ sinh nhớp nháp, mùi khai bốc lên nồng nặc. Chẳng trách nhiều phụ huynh đã than với chúng tôi nhiều cháu phải nhịn… đi vệ sinh suốt từ sáng tới chiều.
Để khắc phục tình trạng trên, thầy Trường cho biết, nhà trường đã thuê hai nhân viên chuyên dội nước, cọ rửa nhà vệ sinh. Họ phải bắc ghế bố trực chiến tại chỗ, học sinh đi xong là xử lý liền, nhưng cũng chỉ cải thiện được phần nào. Hỏi tại sao không làm thêm nhà vệ sinh cho các cháu, thầy Trường than: “Chúng tôi có tiền, muốn sửa chữa hay thêm cũng không làm được, vì chỗ nào cũng vướng công trình xây dựng”.
Sự đình đốn của dự án còn kéo theo nhiều cái khổ cho nhà trường. Để có thêm chỗ học cho học sinh, từ 5 năm qua nhà trường đã cải tạo lại nhà để xe làm phòng làm việc cho ban giám hiệu và khối văn phòng. Tất cả các phòng chức năng cũng được trưng dụng gần như toàn bộ để làm phòng học. Tuy nhiên, đến nay sĩ số trung bình tại ngôi trường này vẫn ở mức rất cao: 48học sinh/lớp, có lớp lên tới 55 học sinh. Không còn một chỗ trống có thể ngả lưng vào giờ nghỉ trưa nên trường áp dụng nguyên tắc “làm việc chỗ nào ngả lưng chỗ đó”.
Làm sao đổi mới giáo dục?
“Mấy năm nay ngành GD-ĐT đã và đang chỉ đạo rốt ráo các trường phải đổi mới giáo dục, cụ thể là phải đổi mới phương pháp giảng dạy và tạo ra môi trường học tập thân thiện để học sinh cảm nhận được “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Muốn đổi mới dạy học thì phải vi tính hóa, phải đưa màn hình máy chiếu vào, rồi phải có các phòng chức năng… nhưng hiện trường không có một phòng chức năng nào! Giờ học nhạc, giáo viên luôn phải nhắc học sinh hát nhỏ để không ảnh hưởng đến lớp bên cạnh” – thầy Trường than.
Vì không có sân nên giờ học thể dục, thầy cô giáo phải đưa học sinh ra ngoài vườn cây gần đó và luôn phải lưu ý học sinh “đừng quá ham vận động mà húc đầu vào cây”. Học sinh muốn tập bóng đá, cầu lông, để tham dự hội khỏe Phù Đổng cũng không có sân tập. Trường có một bàn bóng bàn nhưng không có chỗ đặt nên phải cho người khác mượn để khỏi hư hỏng.
Thầy Huỳnh Huy Trường mở tủ hồ sơ khoe: “Có gần 500 phụ huynh đăng ký cho con học tiếng Anh, nhưng phòng học thiếu, phòng chức năng không có, chúng tôi đâu dám triển khai”. Do bị trưng dụng làm phòng học nên mọi tài liệu thiết bị dạy học phảo dời đến cơ sở II, muốn sử dụng thiết bị cho giờ dạy giáo viên phải đăng ký trước một tuần.
Không biết đến khi nào!
Bà Lê Xuân Nga – Trưởng ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình huyện Hóc Môn cho biết: đây là công trình được thực hiện bởi nguồn vốn di thành phố phân cấp cho huyện. Cuối năm 2010, sau khi hoàn tất thủ tục và ký hợp đồng xây dựng với nhà thầu xong thì vốn không còn để tạm ứng cho nhà thầu nên theo dự tính, đến đầu năm 2011 sẽ thực hiện việc này.
Ngày 18/2/2011, UBND huyện Hóc Môn ra quyết định ghi vốn, tạm ứng cho đơn vị thi công thì bị vướng Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 (không cho khởi công mới các công trình công trong năm 2011). Lúc đó, nhà thầu đã ứng vốn thi công xong phần cọc móng…
Trong năm 2011, huyện đã nhiều lần gửi văn bản đến UBND TP, Sở Kế hoạch – Đầu tư, Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước TP.HCM xin được tiếp tục triển khai công trình, nhưng không được chấp thuận. Vì vậy, công trình đã “dậm chân” suốt năm 2011. Đến 2012, việc ghi vốn được “mở”, nhưng vốn phân cấp cho toàn huyện chi khoảng 12 tỷ đồng, trong khi dự toán công trình là 21 tỷ đồng. “Nếu cố “ngắt nhéo” cho công trình trường Tiểu học Tam Đông thì cũng không tránh khỏi cảnh tái khởi động rồi lại ngưng” – bà Xuân Nga phân tích.
Bà Lê Xuân Nga bất lực nói: “Không thể biết được khi nào công trình mới được khởi động lại dù chúng tôi cũng biết nhu cầu rất cấp bách”.
Theo Phụ Nữ TP.HCM