Chiều 20/12, ông Nguyễn Tiến Tùng - Trưởng phòng Nội vụ thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông - cho biết vẫn đang chờ chỉ đạo của UBND tỉnh về việc chi trả lương cho 85 giáo viên.
"Sau khi có chỉ đạo, chúng tôi sẽ chi trả ngay vì ngân sách đã được cấp về từ đầu năm", ông Tùng nói.
Mòn mỏi chờ lương
Sau khi ra trường, nghe tin thị xã Gia Nghĩa đang tuyển giáo viên, thầy Trần Huy Hiệp khăn gói từ Hà Tĩnh vào xin việc. Tháng 9/2016, thầy Hiệp được ký hợp đồng với mức lương 2,8 triệu đồng/tháng tại trường Tiểu học Thăng Long (thị xã Gia Nghĩa). Từ tháng 5/2017 đến nay, thầy Hiệp chưa được trả lương nên ngoài giờ dạy, phải đi làm thuê lắp điện, làm rẫy.
"Tết nguyên đán đã cận kề, tôi mong cơ quan chức năng sớm xem xét, giải quyết tiền lương để có tiền về quê và trang trải cuộc sống", thầy Hiệp tâm sự.
Cô Ngân Thị Huệ (cùng trường) chia sẻ dù đồng lương ít ỏi nhưng cũng phần nào trang trải được cuộc sống nên từ ngày không có lương, cuộc sống của cô khó khăn hơn. Nhiều lần cô Huệ muốn đi tìm công việc khác nhưng là giáo viên chủ nhiệm, bỏ giữa chừng thì tội các em nên cô rất trăn trở.
Nhiều tháng không có lương khiến cuộc sống của cô Ngân Thị Huệ (tỉnh Đắk Nông) gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Cao Nguyên/Người Lao Động. |
"Trong trường có rất nhiều giáo viên từ các tỉnh miền Trung quanh năm thiên tai lũ lụt vào đây với mong muốn giúp đỡ phần nào cho gia đình. Vậy mà do nhiều tháng không có lương, các thầy cô lại phải cầu cứu gia đình. Tôi mong các vị lãnh đạo quan tâm, sớm chi trả lương để chúng tôi bớt gánh nặng", cô Huệ nói.
Cô Nguyễn Thị Mai, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thăng Long, cho biết trường có 9 giáo viên hợp đồng vẫn chưa được nhận lương. Lãnh đạo nhà trường phải cho các thầy cô mượn tiền để xoay xở hằng ngày.
Toàn tỉnh Hải Dương cũng có 1.191 giáo viên hợp đồng đã 3 tháng nay không nhận được lương và 61 giáo viên xin nghỉ việc.
Bà Nguyễn Thị Duyên, Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP Hải Dương (tỉnh Hải Dương), khẳng định riêng TP Hải Dương có tới 400 giáo viên mầm non bị nợ lương. Trong đó, nhiều cô có gia đình, con nhỏ nên cuộc sống khó khăn. Sau 3 tháng, 24 cô bỏ việc, nhiều cô khác gửi đơn xin nghỉ nếu không được giải quyết chế độ.
Sẽ trả lương trước Tết
Theo ông Tùng, do thiếu hụt giáo viên nên để bảo đảm việc dạy và học, thị xã phải hợp đồng với số giáo viên trên. Việc chi trả tiền lương của các giáo viên hợp đồng trước đây được lấy từ nguồn ngân sách địa phương nhưng vừa rồi bị ngưng lại vì vướng mắc quy định (Công văn số 989/UBND-NC ngày 3/3/2017 của UBND tỉnh Đắk Nông quy định: Không hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ tại các cơ quan đơn vị - PV).
Trước tình hình này, ngày 12/12, Sở Nội vụ tỉnh Đắk Nông có báo cáo gửi UBND tỉnh Đắk Nông đề nghị UBND tỉnh xem xét để UBND thị xã Gia Nghĩa chi trả lương bằng nguồn ngân sách thị xã.
Ngày 20/12, ông Ngô Xuân Lộc, Chánh văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết quan điểm của UBND tỉnh là chỉ đạo cơ quan chức năng phải trả lương cho các giáo viên hợp đồng ở UBND thị xã Gia Nghĩa. Đồng thời, giao cho các ngành rà soát, loại bỏ các biên chế bất hợp lý, cân đối, bổ sung biên chế cần thiết đáp ứng nhu cầu giảng dạy. UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng phải hoàn thành việc trả lương cho các giáo viên trước Tết nguyên đán.
Bà Nguyễn Thị Tiến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương, cho hay sở dĩ hợp đồng thừa so với định mức chỉ tiêu do năm học 2017-2018, tỉnh Hải Dương tăng 423 lớp học, các cơ sở giáo dục buộc phải ký hợp đồng làm việc nếu không sẽ không hoàn thành nhiệm vụ.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Hải Dương, tỉnh sẽ thanh toán đầy đủ tiền lương, phụ cấp và các chế độ khác cho 1.191 giáo viên hợp đồng. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Tiến, Phó giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương, cho hay thời gian tới, việc có ký tiếp hợp đồng làm việc với số giáo viên này hay không cũng đang là bài toán khá hóc búa. Bởi việc này phải bảo đảm các quy định của Bộ Tài chính và của trung ương liên quan đến vấn đề không được ký hợp đồng ngoài chỉ tiêu, biên chế được giao.
Theo ông Phạm Văn Tỏ, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh này, trong 3 năm qua, Hải Dương đã tổ chức thi tuyển gần 10.000 giáo viên. Con số này đã đáp ứng nhu cầu giáo viên giảng dạy trong các cơ sở trường học.
Quan điểm của tỉnh là giáo viên đã bỏ công sức đi làm thì phải được trả lương dứt điểm. Tuy nhiên, đến năm 2018, Sở Nội vụ, Sở GD&ĐT phối hợp các đơn vị rà soát lại hợp đồng và tổ chức sắp xếp, phân công lại giáo viên.
Từ đó, điều chuyển giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu, tổ chức dạy liên môn, liên cấp. Trường nào thiếu nữa, giáo viên sẽ điều động dạy tăng tiết và địa phương sẽ cấp thêm ngân sách để chi trả thêm tiền.