Lễ viếng PGS Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội - được cử hành từ 10h30 đến 12h30 ngày 12/10 tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. |
Hàng nghìn người đã đến tiễn đưa ông, trong đó phần lớn là học sinh, cựu học sinh trường Lương Thế Vinh do thầy Văn Như Cương sáng lập. |
Thu Hương - cựu học sinh trường Lương Thế Vinh - tâm sự thầy ra đi là niềm xót thương vô hạn cho nhiều thế hệ học trò. "Đối với em, PGS Văn Như Cương là người thầy vĩ đại, là tấm gương sáng để mãi noi theo", Hương nói. |
Cũng trong lễ viếng trưa 12/10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung có mặt chia buồn cùng gia đình PGS. Ông Chung viết trong sổ tang: "PGS Văn Như Cương đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục của thủ đô và đất nước. PGS mãi là tấm gương mẫu mực cho nhiều thế hệ học trò của thủ đô và đất nước noi theo". |
Ngoài ra còn có nhiều lãnh đạo các cơ quan nhà nước khác đến tiễn đưa người thầy đáng kính. Trong ảnh là ông Nguyễn Thế Kỷ - Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam. |
Nhiều thế hệ học trò trường Lương Thế Vinh mặc đồng phục màu đen tỏ lòng tiếc thương thầy. |
GS.NGND Ngô Thúc Lanh - thầy của PGS Văn Như Cương - chống gậy đến viếng học trò. |
Trước giờ phút làm lễ truy điệu, bà Đào Kim Oanh - vợ PGS Văn Như Cương - cùng con gái nhìn ông lần cuối. |
"Với đức hạnh của thầy, PGS Văn Như Cương là tấm gương sáng cho ngành giáo dục. Thầy ra đi là mất mát lớn của bao thế hệ học trò", NSƯT Trung Anh tâm sự khi đến tiễn đưa thầy giáo cũ. |
Rất nhiều cựu học sinh đã bật khóc khi đứng giữa dòng người xếp hàng vào viếng PGS Văn Như Cương. |
Lễ truy điệu vào hồi 12h30. Khi lời điếu được đọc lên, nhiều người đã òa khóc vì xúc động. |
Di nguyện của PGS Văn Như Cương là được về thăm trường, chào học trò Lương Thế Vinh lần cuối, cũng như dành toàn bộ tiền phúng viếng để xây dựng trường học ở vùng cao. Cho đến khi mất, ông vẫn đau đáu nhớ đến học trò. |
"Em cảm ơn thầy vì một mái nhà, một tuổi thanh xuân và một gia đình mà thầy đã mang đến cho Lương Thế Vinh", nam sinh viết những dòng chia tay trên vai của bạn. |
Với nhiều thế hệ học trò Lương Thế Vinh, PGS Văn Như Cương là người thầy, người cha hiền như "ông bụt". Khi thầy bị bệnh, học sinh của trường đã gấp 20.000 hạc giấy gửi thông điệp yêu thương. |
Đoàn xe chở linh cữu PGS Văn Như Cương đi qua hai cơ sở của trường, ở đó có học sinh thân yêu chờ đón và tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng. |
Không khí xung quanh rất yên ắng, nghe rõ tiếng nấc và khóc nức nở của học trò. |
"Đã là con người thì ai cũng phải có cảm xúc. Em là một học sinh đã trải qua 4 năm ở Lương Thế Vinh và năm nay là năm thứ năm. Thực sự em không được tiếp xúc nhiều với thầy, chỉ có thỉnh thoảng nhìn thầy thôi. Nhưng em nghĩ và biết thầy - một nhà giáo vĩ đại...", một học sinh viết lưu bút. |
Từ hôm nay, các em sẽ không còn được thấy "ông bụt" trong "mái nhà chung" Lương Thế Vinh nữa. Bài học đầu tiên mà thầy giáo Văn Như Cương luôn dạy bao thế hệ học trò là "phải trở thành người tử tế". |
PGS Văn Như Cương sinh năm 1937 tại làng Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Ông được biết đến là người thành lập, hiệu trưởng của THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, trường dân lập đầu tiên tại Việt Nam thời kỳ sau đổi mới.
Sau khi tốt nghiệp khoa Toán, ĐH Sư phạm Hà Nội, ông trở thành giảng viên của trường. Ông học chương trình nghiên cứu sinh ngành Toán học tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô cũ và bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ năm 1971.
Về nước, ông công tác tại Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Vinh, sau đó thành lập trường phổ thông dân lập đầu tiên của nước ta thời kỳ sau đổi mới.
Sau 25 năm làm hiệu trưởng, ông đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường từ năm 2014. PGS Văn Như Cương là người chủ biên và trực tiếp biên soạn hơn 60 đầu sách giáo khoa, sách tham khảo phổ thông và giáo trình đại học về chuyên ngành hình học. Ông là tác giả bộ sách giáo khoa hình học phổ thông (chương trình nâng cao).
PGS Văn Như Cương có nhiều đóng góp cho giáo dục nước nhà. Nhiều câu nói của ông truyền cảm hứng cho các thế hệ như: "Biển học mênh mông, sách vở chỉ là vùng biển gần bờ"; "Ai cũng vào đại học là lạc hậu", "Trước hết phải là người tử tế"...
Đặc biệt, những ý kiến thẳng thắn, trực diện của ông về văn hóa, xã hội, giáo dục trên báo chí, Facebook cá nhân có sức ảnh hưởng lớn.