Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàng nghìn sinh viên bị đuổi học: Ngộ nhận và lao theo ngành 'hot'

Theo TS Huỳnh Anh Bình, công tác hướng nghiệp ở trường phổ thông còn yếu kém, nhiều em chọn sai ngành học, dẫn đến tình trạng hàng nghìn sinh viên "đứt gánh giữa đường".

Hàng năm, các trường đại học trên cả nước đưa ra quyết định cảnh báo học vụ, buộc thôi học với những sinh viên có kết quả học tập không đạt yêu cầu.

Ở Sài Gòn, con số này lên đến hàng nghìn em khiến nhiều người phải đặt câu hỏi về chương trình đào tạo, chất lượng sinh viên. Dư luận băn khoăn tại sao nhiều em vốn học rất tốt ở phổ thông lại "tụt dốc không phanh" khi bước vào đại học.

Trao đổi với Zing.vn, TS Huỳnh Anh Bình - Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TP.HCM, người gắn bó công tác hướng nghiệp 10 năm - cho hay không ít bạn trẻ chấp nhận bỏ phí mấy năm trời khi muộn màng phát hiện ngành học không phù hợp sở thích, bản thân không đủ năng lực để theo hoặc tương lai của ngành quá u ám.

Hàng nghìn sinh viên bị đuổi ở Sài Gòn: Áp lực nợ môn, ngồi 'nhầm' lớp

Không đáp ứng được yêu cầu học tập hoặc cảm thấy không phù hợp ngành nghề đã chọn khiến nhiều sinh viên chấp nhận “đứt gánh giữa đường” một cách tiếc nuối.

Tư vấn hướng nghiệp kiểu chắp vá

- Nhiều năm tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh, theo ông, những nguyên nhân nào khiến hàng nghìn sinh viên bị đuổi học ở Sài Gòn, cũng như trên phạm vi cả nước?

- Nguyên nhân sâu xa nằm ở việc sinh viên chọn sai ngành nghề. Trong quá trình học, các em phát hiện mình không hợp với nó, dẫn đến chán nản và mất động lực học tập.

Thứ hai, nhiều em không tìm hiểu kỹ về ngành nghề, cũng như chương trình học ở cao đẳng, đại học, không hiểu sẽ phải học những gì nên bị sốc.

Nhiều em học ngành Dược nhưng không lường trước sẽ tiếp xúc nhiều với hóa chất hay sinh viên ngành Du lịch chưa biết chương trình yêu cầu di chuyển nhiều, tốn kém chi phí để học và thực hành.

Ngoài ra, không ít người quá ảo tưởng vào bằng cấp, cho rằng cứ cầm tấm bằng đại học, cao đẳng là có việc ngay. Nhưng những con số thất nghiệp khiến họ dần nhận ra thực tế rồi cảm thấy chán nản, hoang mang.  

Tình trạng hàng nghìn sinh viên bị đuổi học còn do nhiều bạn chưa có thái độ, phương pháp học tập đúng đắn. Các em vẫn duy trì thói quen ở phổ thông, trong khi nhiều trường đại học, cao đẳng linh hoạt trong cách đào tạo.

Người trẻ cũng dễ bị tác động bởi thông tin bên ngoài, lời đồn đại. Nhiều em đọc thông tin thất nghiệp nhưng không phân tích, đánh giá mà tự dọa mình, mất động lực vươn lên. Không ít trường hợp đi gần tới đích nhưng vẫn bỏ cuộc.

- Một trong những nguyên nhân sâu xa được cho là việc định hướng nghề nghiệp ở bậc phổ thông còn bỏ ngỏ, nhiều nơi không có, một số nơi "cưỡi ngựa xem hoa". Ông đánh giá thế nào về hiện trạng này?

- Hiện tại, chương trình hướng nghiệp được Bộ GD&ĐT đánh giá cao và đưa vào trường THPT. Nhưng trong quá trình triển khai, việc này còn chắp vá. Nhiều thầy cô chưa được đào tạo hay hỗ trợ về công cụ, khó thực hiện tròn vai trách nhiệm hướng nghiệp.

Hơn nữa, chương trình đào tạo ở phổ thông quá nặng. Nhiều học sinh tâm sự với tôi rằng các em học từ thứ hai đến thứ bảy, thậm chí chủ nhật cũng không được nghỉ thì lấy đâu thời gian để trải nghiệm ngành nghề.

Hướng nghiệp ở phổ thông cần được thay đổi để học sinh có cơ hội trải nghiệm thực tế vì chỉ như vậy các em mới hiểu nghề, tránh chọn nhầm. Các cơ quan truyền thông, báo chí cũng cố gắng làm công tác hướng nghiệp nhưng còn thiếu nhiều công cụ, phương pháp, thời gian.

Bài toán hướng nghiệp ở nước ta cần được giải quyết sớm. Bởi với tương lai mỗi học sinh, học giỏi thôi chưa đủ. Quan trọng hơn, các em phải chọn đúng nghề.

Các trường đại học, cao đẳng nên bớt tập trung vào tuyển sinh để chú trọng hơn công tác hướng nghiệp. Các trường có nguồn lực, có chuyên gia. Sự đồng hành của họ là tốt nhất cho công tác hướng nghiệp.

Ngoài ra, những người đang đi học hoặc đã ra trường cũng nên tham gia hướng nghiệp, dùng trải nghiệm của bản thân để khuyên bảo thế hệ sau. Tôi hy vọng mọi người góp sức để học sinh không chọn sai nghề, tránh lãng phí thời gian, tiền bạc, cơ hội.

Chọn sai ngành học do chưa hiểu mình và nghề

- Nhiều năm tư vấn nghề nghiệp, ông thấy phần lớn bạn trẻ chọn trường, ngành học dựa trên những yếu tố gì? Những lựa chọn đó sai lầm như thế nào và có thể phải trả giá ra sao?

- Khi chọn nghề, các em dễ sai lầm do hay bị tác động vì yếu tố bên ngoài. Ví dụ, nhà kế bên có người học Marketing ra trường thất nghiệp, thế là em tin rằng học ngành này thất nghiệp mà đâu biết cách đó vài ba km, có người ra trường kiếm việc tốt.

hang nghin sinh vien bi duoi o Sai Gon anh 1
Nhiều học sinh chưa được tư vấn kỹ về hướng nghiệp khi bước vào môi trường đại học. Ảnh minh họa: Anh Tuấn.

Thứ hai, các em có công cụ nhưng thiếu phương pháp tìm kiếm và chưa xử lý thông tin tốt. Chẳng hạn, khi tìm kiếm về ngành nghề, chỉ cần thêm cụm từ “chuẩn đầu ra”, các em sẽ tìm được thông tin học ở đâu, học cái gì, ra trường làm gì. Nhiều bạn không biết điều đó.

Một số em còn lệ thuộc vào ý kiến cha mẹ. Khi định hướng nghề nghiệp, hai bên không khớp, các em nghe theo lời bố mẹ vì thiếu khả năng đối thoại, dễ bị tác động hoặc nghĩ nghe lời là có hiếu.

Ngoài ra, không ít bạn trẻ nhìn nhận một mặt, tin vào mặt màu hồng của nghề mà bỏ qua mặt trái. Nhiều người chọn nghề chỉ vì thấy sự hào nhoáng của nó qua phim ảnh như người học Quản trị nhà hàng khách sạn được mặc áo vest, cuộc sống của hướng dẫn viên du lịch gắn liền ăn nhà hàng, ngủ khách sạn, đi xe hơi.

Trong quá trình chọn ngành nghề, một số em chỉ quan tâm độ “hot”, thấy ngành “hot” là đăng ký mà không suy xét liệu mình có phù hợp, dẫn đến gặp khó khăn trong học tập và tìm việc.

Nhìn chung, phần lớn học sinh hiểu được phải cân nhắc năng lực, đam mê và nhu cầu của thị trường lao động trước khi quyết định. Song không ít người chưa xác định được đam mê, nhầm lẫn với sở thích nhất thời. Một số khác lại ngộ nhận, ảo tưởng năng lực, nghĩ rằng cứ hát hay, xinh đẹp là có thể làm ca sĩ. Không hiểu mình, hiểu nghề, các em trẻ dễ chọn sai hướng đi cho tương lai.

- Học sinh nên chọn ngành nghề như thế nào để không bị chán học, thi lại trường khác hoặc bị buộc thôi học ở đại học?

- Hiện tại, một số bộ tiêu chí hướng nghiệp, trắc nghiệm chọn ngành nghề được áp dụng như MBTI hay Holland. Việc chọn nghề có thể dựa trên nhiều tiêu chí nhưng 3 yếu tố chính vẫn là năng lực, đam mê của bản thân và nhu cầu của thị trường lao động. Trong đó, hai cái đầu đóng vài trò quan trọng.

Trong quá trình hướng nghiệp, tôi luôn cố gắng để các em hiểu mình, hiểu nghề, nắm chắc tương lai. Chọn đúng nghề sẽ giúp các em học nhẹ nhàng, hiệu quả, tránh trường hợp bị buộc thôi học đáng tiếc và dễ thành công hơn.

- Công tác tư vấn nên được tiến hành như thế nào để thực sự định hướng nghề nghiệp cho học sinh? Liệu có nên mở rộng khỏi khuôn viên trường học?

- Hiện nay, nhà trường làm công tác lý thuyết tốt, cho học sinh hướng đúng. Nhưng các em cần trải nghiệm nghề nghiệp. Điều này trường khó đáp ứng được. Người trẻ phải trải nghiệm bên ngoài từ nhà máy, xí nghiệp, đại học, cao đẳng.

Xã hội hóa trong hướng nghiệp, tức nhiều đơn vị cùng làm hướng nghiệp, là xu thế. Ngoài ra, chúng ta cần quan tâm độ tuổi trong hướng nghiệp.

Chúng ta cần làm thế nào để học sinh có ý thức chọn nghề sớm, đồng thời quan tâm hơn tới những công cụ giúp các em khám phá bản thân, tìm ra nghề nghiệp phù hợp.

Nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra rằng mỗi người có thể giỏi 5 lĩnh vực. Một số nước đã hướng dẫn học sinh vạch ra 5 nghề nghiệp phù hợp mình nhất. Trong 3 năm trung học, các em trải qua nhiều cuộc thi để loại ra 3 ngành yếu, còn lại hai ngành phù hợp nhất.

Bên cạnh đó, tôi hy vọng phụ huynh không đổ dồn trách nhiệm cho nhà trường, xã hội mà nên là người đồng hành với con trong quá trình chọn ngành nghề.

Câu chuyện buồn khác của hướng nghiệp là một số phụ huynh không muốn đầu tư để con tìm hiểu, chọn nghề nhưng lại sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu đồng để chạy việc cho con.

Đằng sau việc đuổi học sinh viên vì điểm kém Gần đây, nhiều trường đại học nước ta công bố danh sách sinh viên bị cảnh báo học vụ hoặc buộc thôi học do đạt điểm kém.

Hàng nghìn sinh viên bị đuổi học: Chương trình chán, lên lớp để ngủ

Nhiều sinh viên phản ánh chương trình học năm thứ nhất, thứ hai ở đại học phần lớn là môn đại cương và cơ bản. Phương pháp giảng dạy thiên về lý thuyết, khô khan, không hấp dẫn.



Nguyễn Sương thực hiện

Video: VTV

Bạn có thể quan tâm