
Quán phở gà, bún thang trên đường Nguyễn Thị Minh Khai vừa thay bảng hiệu mới, cập nhật tên hành chính "phường Bàn Cờ" thay cho "phường 2, quận 3" trước đây. Chủ quán hào hứng chia sẻ đây là dịp phù hợp để làm mới mặt tiền, đồng thời thể hiện niềm tự hào với tên phường mới.
Nhiều thực khách cũng thích thú trước điểm khác biệt này. “Một số khách quen đến ăn còn bất ngờ hỏi lại: ‘Giờ quán thuộc phường Bàn Cờ rồi à?’”, đại diện quán kể. Nhiều người thừa nhận nếu không nhìn bảng hiệu, họ vẫn chưa rõ quán hiện thuộc phường nào.
Tuy nhiên, dù bảng hiệu đã đổi, trên Google Maps, fanpage và các ứng dụng giao đồ ăn, địa chỉ vẫn hiển thị tên phường cũ. Chủ quán tỏ ra lo lắng khách sẽ bị bối rối khi tìm đường hoặc đặt chỗ trực tuyến.
Từ ngày 1/7, khi các phường tại TP.HCM chính thức sáp nhập và đổi tên, một số hàng quán đã nhanh chóng cập nhật bảng hiệu theo địa chỉ mới. Trong khi đó, nhiều cơ sở khác vẫn giữ nguyên tên cũ, chờ các nền tảng bản đồ cập nhật để tránh gây nhầm lẫn cho khách hàng.
![]() ![]() ![]() ![]() |
Nhiều nơi ở các phường trung tâm TP.HCM đổi bảng tên mới. |
Nhiều quán ăn, dịch vụ cập nhật địa chỉ phường mới
Tương tự, tại đường Tạ Quang Bửu (phường Bình Đông) một quán cà phê bình dân đã treo bảng hiệu mới.
Bảng được thay cách đây vài ngày, do một thương hiệu nước giải khát tài trợ nhân dịp địa phương chính thức đổi tên phường. Tuy nhiên, trên bảng hiệu vẫn còn ghi kèm “quận 8”, khiến địa chỉ mới trở nên không thống nhất.
Chủ quán, anh Minh Tài, kể đã gửi thông tin địa chỉ mới chính xác cho đơn vị thiết kế, nhưng khi nhận bảng lại phát hiện lỗi. “Tôi định để nguyên vì khách vẫn nhận ra quán, nhưng chắc sẽ sớm chỉnh lại cho đồng bộ”, anh chia sẻ.
Anh Quốc Bảo (28 tuổi), khách ngồi uống cà phê, cho biết bản thân chưa thuộc hết các tên phường mới sau sáp nhập. “Lúc đầu thấy bảng hiệu ghi phường Bình Đông thì hơi bất ngờ. Mình vẫn nhớ địa chỉ là quận 8, giờ đổi rồi thì chắc phải dần làm quen”, anh nói.
![]() |
Bảng hiệu của quán cà phê được một thương hiệu nước giải khát tài trợ nhưng có phần sai sót trong in ấn. |
Với những người làm trong lĩnh vực bất động sản như anh Hoàng Quân, ai cũng bận rộn vì phải rà lại hồ sơ khách hàng, cập nhật thông tin địa chỉ theo tên phường mới.
“Giờ là phường chứ không còn quận như trước. Việc này ảnh hưởng đến hợp đồng, sổ sách và thông tin pháp lý nên mình phải làm kỹ, có khi vừa kiểm tra vừa tra lại bản đồ mới để chắc chắn”, anh nói.
Tuy vậy, anh Quân cho biết một số thủ tục hành chính gần đây đã được xử lý nhanh hơn, đặc biệt trong các thao tác điện tử như tra cứu địa chỉ hoặc khai báo thông tin trên cổng dịch vụ công.
“Mọi thay đổi đều hướng đến sự phát triển. Tôi thấy vui khi thành phố đổi mới, quan trọng là làm sao phục vụ người dân tốt hơn”, anh chia sẻ.
![]() |
Anh Hoàng Quân đến bảng tên UBND phường Sài Gòn chụp ảnh check-in trong ngày đầu thành phố hoạt động theo đơn vị hành chính mới. |
Chờ bản đồ số cập nhật
Dù chính quyền TP.HCM đã hoàn tất việc sáp nhập, điều chỉnh đơn vị hành chính từ ngày 1/7, phần lớn các cơ sở kinh doanh vẫn chưa thay đổi bảng hiệu ghi tên phường mới.
Khảo sát của Tri Thức - Znews tại các khu vực như phường Sài Gòn, Bến Thành, Nhiêu Lộc, Xuân Hòa… cho thấy phần lớn cửa hàng vẫn giữ bảng hiệu cũ.
Nhiều cơ sở làm bảng hiệu tại đây xác nhận chưa nhận được đơn hàng liên quan đến việc cập nhật tên phường. Một số đơn vị cho biết có hỏi thăm nhưng chưa có hợp đồng cụ thể vì khách vẫn “đợi bản đồ đổi rồi mới làm”.
Theo ông Nguyễn Văn Điệp, đại diện công ty quảng cáo Sài Gòn tại phường Tân Thuận, nhu cầu làm bảng hiệu theo địa chỉ hành chính mới gần như chưa xuất hiện.
“Từ đầu tháng đến giờ, chưa có khách hàng nào đặt làm bảng hiệu ghi tên phường mới. Họ bảo đợi Google Maps cập nhật rồi mới đổi, vì sợ đổi trước thì khách không tìm ra quán”, ông nói.
Anh Finn Võ, quản lý một quán cà phê tại phường Xuân Hòa, cũng chia sẻ quan điểm tương tự. “Tôi chưa đổi bảng tên vì còn nhiều việc, với lại app bản đồ chưa cập nhật, khách nhìn vào sẽ bị rối. Chúng tôi đang bàn bạc để xác định thời điểm phù hợp”, anh nói.
![]() |
Ông Finn Võ cho biết quán sẽ sớm lên kế hoạch để đổi bảng tên thành phường Xuân Hòa. |
Dữ liệu trên Google Maps không được cập nhật tức thì sau mỗi thay đổi về địa danh hoặc tuyến đường. Ứng dụng này vận hành dựa trên tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm cơ quan quản lý địa phương, dữ liệu vệ tinh, cộng đồng đóng góp và phản hồi từ người dùng.
Đại diện truyền thông của Google tại Việt Nam từng cho biết quá trình cập nhật phụ thuộc vào việc các dữ liệu mới có được cung cấp chính thức và đồng bộ hay không.
Ví dụ, khi tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chính thức vận hành vào ngày 22/12, Google Maps đã mất vài ngày để tích hợp lộ trình metro vào hệ thống chỉ đường. Điều này cho thấy ứng dụng cần một giai đoạn để điều chỉnh thuật toán sau khi bổ sung dữ liệu mới.
Khi phát hiện thông tin sai lệch hoặc chưa cập nhật trên bản đồ, người dùng có thể gửi báo cáo thủ công thông qua ứng dụng. Theo chuyên viên hỗ trợ của Google Maps tại Việt Nam, thời gian xử lý các lỗi như sai địa danh, tuyến đường, chỉ đường… thường kéo dài từ 5-7 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận phản hồi.
Tuy nhiên, với những thay đổi quy mô lớn như sáp nhập đơn vị hành chính, quá trình cập nhật có thể cần nhiều tuần để hoàn thiện trên diện rộng.
Theo nhà tâm lý học xã hội Jonathan Haidt, trẻ em và thanh thiếu niên ngày nay phải đối mặt với một loại áp lực mà các thế hệ trước không hề biết đến: áp lực từ những lượt thích, bình luận và sự so sánh không hồi kết trên mạng xã hội. Điều này tạo ra một vòng xoáy độc hại, nơi lòng tự trọng bị gắn chặt với những con số ảo thay vì giá trị thực tế.