Sáng 12/3, dù UBND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) đã ban hành văn bản về việc tạm dừng việc chấm dứt hợp đồng với hơn 200 giáo viên, song hàng chục người vẫn tụ tập về UBND huyện để gặp gỡ lãnh đạo huyện.
Giáo viên phản ánh 'chạy' tiền để được đi dạy
Trao đổi với Zing.vn, bà Đặng Thị Ngọ (53 tuổi, ngụ thị trấn Phước An) cho biết gia đình có 3 người con được nhận vào dạy ở các trường tại huyện.
Theo bà Ngọ, các con bà phải bỏ ra một khoản tiền để có việc. “Thời điểm đó không có tiền, gia đình phải vay mượn, cầm cố sổ đỏ. Hiện nay, sổ đỏ vẫn còn cầm trong ngân hàng chưa thể lấy ra mà một con tôi đã nhận thông báo chấm dứt hợp đồng, hai đứa còn lại thuộc diện thi tuyển nhưng không biết đậu không”, bà Ngọ nói.
Tương tự, thầy Nguyễn Văn T. (giáo viên trường Tiểu học Vụ Bổn) cho biết năm 2015, để nhận được vào trường dạy, hai vợ chồng phải bỏ ra hơn 120 triệu đồng.
Một giáo viên bật khóc khi nói về việc bị chấm dứt hợp đồng. Ảnh: Minh Quý. |
“Tôi tốt nghiệp ĐH với tấm bằng khá. Lúc này, có người chỉ bỏ tiền chạy, sau ba năm sẽ được xét duyệt vào biên chế. Ban đầu, họ nhận số tiền trên để lo chạy vào biên chế. Thời kỳ đầu, việc trả lương và đi dạy bình thường nên hai vợ chồng yên tâm. Tuy nhiên, sau đó, cả hai được thông báo ký lại hợp đồng với mức lương thấp hơn”, thầy T. nói.
Theo giáo viên này, đến năm 2015, cả hai vợ chồng nhận được quyết định ký lại hợp đồng với mức lương trên một triệu đồng/tháng (hiện nay là 1.063.000 đồng/tháng).
“Do mức lương thấp, hai vợ chồng làm đơn xin nghỉ không lương hơn một năm nay rồi làm đủ thứ nghề. Giờ tôi mong cơ quan chức năng giải quyết hợp tình để hai vợ chồng có công việc ổn định”, thầy T nói thêm.
Chưa phát hiện tiêu cực
Sáng cùng ngày, trao đổi với phóng viên, bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, cho biết thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, sáng nay, địa phương đã có thông báo về việc tạm dừng việc chấm dứt hợp đồng với 208 giáo viên.
Theo bà Trinh, việc UBND huyện ban hành công văn chấm dứt hợp đồng đối với hơn 200 giáo viên là thực hiện theo đề án đã được Sở Nội vụ thẩm định.
Do đó, trong số 578 giáo viên đang dạy hợp đồng tại huyện, 208 giáo viên không có trong vị trí xét tuyển nên buộc phải chấm dứt hợp đồng. 370 giáo viên còn lại sẽ được thi tuyển để lấy 83 chỉ tiêu.
Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk nói chưa phát hiện tiêu cực. Ảnh: Minh Quý. |
Như vậy, ngoài 208 giáo viên không có vị trí xét tuyển, sau đợt thi tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2017, sẽ có thêm 287 giáo viên phải chấm dứt hợp đồng do thiếu chỉ tiêu.
“Tuy nhiên, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện sẽ tiến hành rà soát toàn bộ các hợp đồng, tính toán xét tuyển từ nay đến năm 2021 để thay thế vào vị trí những giáo viên nghỉ hưu. Ngoài ra, huyện vẫn tính toán nhiều phương án khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các giáo viên”, bà Trinh nói.
Liên quan thông tin cho rằng có tiêu cực trong việc huyện đã hợp đồng dôi dư hàng trăm giáo viên, bà Trinh khẳng định hiện huyện chưa phát hiện dấu hiệu tiêu cực.
"Đến nay, huyện chưa nhận được bất cứ phản ánh hay đơn thư tố cáo tiêu cực trong vụ việc này. Nếu phát hiện có tiêu cực, chúng tôi sẽ đề nghị các cơ quan chức năng điều tra xử lý những cá nhân tập thể vi phạm", bà Trinh thông tin.
Trước đó, ngày 9/3, UBND huyện Krông Pắk tổ chức họp thông báo chấm dứt hợp đồng hơn 200 giáo viên khiến những người này bức xúc.
Theo UBND huyện Krông Pắk, khoảng 600 giáo viên hợp đồng được chia làm hai thành phần là giáo viên không có vị trí để xét tuyển (có 200 người); giáo viên có vị trí xét tuyển khoảng 400 người nhưng chỉ tiêu biên chế chỉ cho 83 người.
Theo đó, trong tổng số hơn 600 giáo viên dôi dư sẽ tuyển 83 người còn lại sẽ bị chấm dứt hợp đồng.
Sau khi xảy ra sự việc, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức họp khẩn và yêu cầu UBND huyện Krông Pắk dừng việc chấm dứt hợp đồng đồng thời tìm hướng giải quyết.