Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàng trăm giáo viên hợp đồng tới phòng tiếp dân của Hà Nội kêu cứu

Đứng trước nguy cơ mất việc, sáng 4/6, hàng trăm giáo viên từ các huyện Sóc Sơn, Mỹ Đức, Ba Vì đã kéo về UBND thành phố Hà Nội kêu cứu.

Thời gian vừa qua, hàng loạt các giáo viên hợp đồng từ nhiều huyện thị tại thành phố Hà Nội nhiều lần kêu cứu vì có nguy cơ mất việc sau kỳ thi tuyển viên chức giáo dục của thành phố sắp diễn ra. Bên lề kỳ họp thứ 8, HĐND thành phố Hà Nội, ngày 9/4, trả lời báo chí về vấn đề Hà Nội có nhiều giáo viên hợp đồng lâu năm, kinh nghiệm, chuyên môn tốt, nhưng vẫn có nguy cơ mất việc trong đợt thi tuyển sắp tới, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết có thể xem xét xét tuyển đối với những trường hợp này.

Đến nay, hàng trăm giáo viên hợp đồng của Hà Nội vẫn đang chờ phương án giải quyết cụ thể của thành phố nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời chính thức nào. Thậm chí, một số huyện đơn phương chấm dứt hợp đồng với những giáo viên lâu năm.

giao vien hop dong anh 1
Giáo viên hợp đồng từ các huyện về trụ sở tiếp dân UBND thành phố Hà Nội đưa đơn kêu cứu. Ảnh: VOV.

Sáng 4/6, hàng trăm giáo viên hợp đồng các huyện Sóc Sơn, thị xã Sơn Tây, Ba Vì, Mỹ Đức,... đã có mặt tại trụ sở tiếp công dân của UBND thành phố Hà Nội đưa đơn cầu cứu, mong có hướng giải quyết về các vấn đề gồm giáo viên hợp đồng bị đơn phương chấm dứt hợp đồng từ 31/5/2019; các điều kiện xét tuyển viên chức theo nghị định 29/2012/NĐ-CP và nhiều vấn đề liên quan đến chế độ lương, BHXH của giáo viên.

Mong lãnh đạo thành phố sớm có câu trả lời

Thầy Nguyễn Viết Tiến, giáo viên hợp đồng trường THCS Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây, Hà Nội), buồn bã cho biết thầy và nhiều giáo viên khác vừa nhận được quyết định chấm dứt hợp đồng từ ngày 31/5. Sau gần 20 năm công tác trong ngành giáo dục, thầy giáo dạy Toán đột ngột nhận được quyết định chấm dứt hợp đồng với lý do hết thời hạn và không ký hợp đồng tiếp theo.

giao vien hop dong anh 2
Thầy Nguyễn Viết Tiến, giáo viên hợp đồng trường THCS Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây, Hà Nội), bị chấm dứt hợp đồng sau gần 20 năm công tác. Ảnh: VOV.

“Giáo viên chúng tôi đã nhiều tuổi, nếu như chấm dứt hợp đồng, chúng tôi sẽ đi đâu về đâu. Mất việc sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy, chúng tôi còn gia đình, vợ con, còn con cái đang ăn học, nhưng bỗng dưng không báo trước, hết hạn là chấm dứt hợp đồng và không ký tiếp. Chúng tôi hy vọng thành phố sớm đưa ra các quyết sách nhân văn, thấu tình đạt lý, xem xét đến những người có nhiều năm công tác trong ngành và thực hiện theo đúng tinh thần của Nghị định 29/2012 NĐ-CP.

Hơn nữa, nếu xét theo Luật Lao động hiện hành, nếu như ký 2 hợp đồng 1 năm liên tục, đến hợp đồng thứ 3, phải ký dài hạn. Đến nay hầu hết giáo viên hợp đồng tại thị xã Sơn Tây đều là hợp đồng năm một theo từng năm học”, thầy Tiến bức xúc.

Giống như nhiều giáo viên hợp đồng khác, cô Đặng Thị Ngọc - trường Tiểu học Hương Sơn B, huyện Mỹ Đức - cho biết năm 1996, cô được phân công về giảng dạy tại trường Tiểu học Hợp Tiến A với mức lương 150.000 đồng/tháng. Sau 3 năm công tác, cô Ngọc được điều chuyển sang giảng dạy tại trường Tiểu học Hương Sơn B. Đến nay, hơn 20 năm công tác, cô Ngọc chỉ nhận được mức lương vỏn vẹn 1.210.000 đồng/tháng.

giao vien hop dong anh 3
Giáo viên hợp đồng huyện Sóc Sơn tại trụ sở tiếp dân của UBND thành phố Hà Nội. Ảnh: VOV.

Đặc biệt, hàng chục năm nay, cô Ngọc và nhiều giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức không được đóng BHXH. Cuộc sống vất cả khi có con bị bại não nằm liệt giường 20 năm, cô Ngọc càng khó khăn hơn nữa khi mức lương chưa bao giờ đủ sống. Giáo viên này đặt ra câu hỏi, huyện Mỹ Đức ký hợp đồng 3 tháng cho hàng trăm giáo viên trong suốt hàng chục năm qua, không đóng BHXH liệu có đang cố tình vi phạm Luật Lao động?

“Vì lời hứa của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, chúng tôi đã hy vọng, chờ đợi lãnh đạo thành phố sẽ có phương án cụ thể đối với giáo viên hợp đồng. Nhưng đến nay đã nhiều tháng trôi qua, chúng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin nào. Chúng tôi tới trụ sở tiếp công dân của UBND thành phố Hà Nội mong lãnh đạo sớm có phương án giải quyết cụ thể. Hàng chục năm nay, giáo viên huyện Mỹ Đức không được đảm bảo quyền lợi theo đúng luật, nhưng địa phương cũng không hề có câu trả lời”, cô Ngọc nói.

Chung tình cảnh như các giáo viên huyện Mỹ Đức, đến nay các giáo viên huyện Ba Vì cũng chỉ nhận được mức lương hơn một triệu đồng/tháng.

Cô Hoàng Thị Hải Anh, giáo viên trường THCS Vi Quang (Ba Vì, Hà Nội), chia sẻ: “Chúng tôi xấu hổ, không dám chia sẻ mức lương của mình với bạn bè, đồng nghiệp nơi khác. Chúng tôi cảm thấy thất vọng và nghĩ rằng các cấp lãnh đạo của thành phố đang bỏ quên giáo viên hợp đồng trong nhiều năm qua. Đến nay, có những giáo viên hợp đồng đã công tác trong ngành giáo dục gần 20 năm và cũng có những giáo viên sắp về hưu nhưng vẫn là giáo viên hợp đồng. Tại sao các cấp lãnh đạo có thể bỏ quên cả một thế hệ như vậy?".

Cô Hải Anh cũng cho rằng chính những khó khăn của giáo viên hợp đồng hiện nay là rào cản lớn với những người trẻ muốn theo đuổi đam mê nghề giáo.

Ba nghịch lý đào tạo sư phạm

​Dự kiến đến năm 2025, cả nước chỉ còn 6-8 trường sư phạm trọng điểm, giải thể các trường trung cấp sư phạm. Cao đẳng sư phạm trở thành vệ tinh của trường trọng điểm.

https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/hang-tram-giao-vien-hop-dong-toi-phong-tiep-dan-cua-ha-noi-keu-cuu-917177.vov

Theo Nguyễn Trang / VOV

Bạn có thể quan tâm