Các em là nạn nhân của hôn nhân cưỡng ép, một phong tục đang lan rộng trên khắp nước này, theo nghiên cứu của tổ chức Henry Jackson Society (HJS).
Nhiều người cố gắng thoát khỏi cuộc hôn nhân do cha mẹ sắp đặt nhưng thất bại vì thiếu sự quan tâm từ phía các dịch vụ xã hội, cảnh sát và nhà trường. Họ thường bỏ lỡ các dấu hiệu của hôn nhân cưỡng ép. Ngoài ra, cách xử lý sai lầm của họ khiến học sinh gặp nhiều nguy cơ hơn.
Một năm sau khi Anh công bố luật mới, cơ quan chức năng chỉ khởi tố duy nhất một trường hợp, mặc dù hơn 1.200 vụ việc được phát hiện mỗi năm.
Nhiều nữ sinh ở Anh buộc phải chấp nhận kết hôn vì không thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ xã hội và nhà trường. |
Những học sinh may mắn phản kháng thành công cảm thấy "các chuyên gia ở trường học và dịch vụ xã hội bỏ rơi họ".
Một số người thoát khỏi hôn nhân cưỡng ép, trình báo sự việc lên cảnh sát và các nhà hoạt động xã hội. Nhưng họ khuyên các em trở về nhà sống cùng gia đình, người buộc các em kết hôn.
Bốn năm trước, Jasmine, sống ở phía đông thành phố London, buộc phải đính hôn với anh họ ở Nam Á khi em mới 13 tuổi.
Tháng 2/2015, gia đình Jasmine quyết định tổ chức hôn lễ của em sớm hơn nửa năm so với dự tính ban đầu. Nữ sinh 17 tuổi tìm kiếm sự giúp đỡ từ các dịch vụ xã hội nhưng họ lại liên lạc với gia đình và cố gắng đưa em về nhà.
Từ tháng 6 đến 9/2014, Đơn vị Hôn nhân Cưỡng ép (FMU), lực lượng đặc nhiệm hợp tác giữa Bộ Nội vụ và Bộ Ngoại giao, xử lý gần 500 trong số 1.200 vụ họ nghi ngờ bị ép kết hôn.
Lucy Monaghan, chỉ huy của FMU, cho biết trên tờ Independent: "Trong hai tuần qua, số lượng cuộc gọi đến đơn vị tăng đột biến. Các học sinh báo nhân viên của chúng tôi biết đang đi nghỉ hay tham dự một hôn lễ. Trường học bắt đầu hành động".
Tôn giáo không ủng hộ việc cưỡng ép trong hôn nhân. Đây là một vấn đề văn hóa. Nạn nhân thường là các phụ nữ, bé gái Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Do Thái chính thống. Nam giới cũng trở thành nạn nhân. Họ là những người đồng tính hoặc lưỡng tính và gia đình muốn ép họ kết hôn nhằm thay đổi hoặc che giấu giới tính.
Phần lớn các vụ ép kết hôn đều xuất hiện trong các gia đình đang sinh sống ở Anh liên quan quốc gia Nam Á. 47% trong số những nạn nhân là người gốc Pakistan, 11% từ Bangladesh và 8% từ Ấn Độ.
Các nạn nhân cho biết, giáo viên thường không biết hoặc lựa chọn không can thiệp khi học sinh của họ bị buộc kết hôn vì đây là "vấn đề văn hóa".
Jasvinder Sanghera, Giám đốc điều hành của Karma Nirvana, một tổ chức từ thiện dành cho các nạn nhân của hôn nhân cưỡng bức và bạo lực tinh thần, từng chứng kiến tình trạng nhà trường cố tình làm ngơ trước tình trạng học sinh bị buộc kết hôn.
Bà nhớ lại: "Chúng tôi từng nhận thư từ 3 nữ sinh trong một trường học ở Tower Hamlets, London. Các em đề nghị chúng tôi đến trường diễn thuyết về vấn đề này vì nó đang ảnh hưởng đến bạn bè của các em. Sau đó, chúng tôi gửi thư cho hiệu trưởng trường, nói về ý định đến trường nhưng không nhận được hồi đáp".
Jon Agyeman, một giảng viên tại Đại học Derby, cho biết, trường đã nhận thức mức độ nghiêm trọng của tình trạng cưỡng ép thanh thiếu niên kết hôn sau bài diễn thuyết của nhân viên thuộc tổ chức Karma Nirvana. Trường tăng cường đào tạo đội ngũ nhân viên để họ có thể phát hiện vấn đề từ sớm nhằm bảo vệ các sinh viên khỏi những cuộc hôn nhân không mong muốn.