Ngày 17/3, Bà Tô Mai Hoa - Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh - cho hay bắt đầu từ ngày 18/3, đơn vị này sẽ lấy mẫu máu của học sinh 19 trường mầm non và tiểu học thuộc huyện Thuận Thành nghi nhiễm sán từ thực phẩm.
Các mẫu máu sẽ được gửi ra 2 viện ở Hà Nội (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới) để xét nghiệm sán lợn. Chi phí xét nghiệm 600.000 đồng đến một triệu đồng sẽ do tỉnh chi trả. Với các cháu nhiễm sán, tỉnh sẽ cấp thuốc điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.
Chen lấn, hỗn loạn khi đăng ký xét nghiệm ở Bắc Ninh
Vì vậy, sáng 18/3, hàng trăm gia đình tiếp tục đưa con đi khám nhiễm sán lợn tại trường Mầm non Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Cảnh tượng hỗn loạn, chen lấn khi lấy máu thiếu chuyên nghiệp diễn ra từ sáng sớm.
Người dân bức xúc vì sáng 18/3 loa phát thanh xã Thanh Khương thông báo sẽ chi trả tiền khám cho phụ huynh trước ngày 17/3 tại Hà Nội. Từ 18/3 trở đi, họ phải tự chi trả nên cho rằng đây là hành động ép phụ huynh khám tại địa phương.
Các phụ huynh đưa con đến trường để xét nghiệm sán lợn. Ảnh: Duy Anh |
Phó hiệu trưởng nhà trường chia sẻ không nắm được số lượng khám ở trường là bao nhiêu. Vị này chỉ biết việc thăm khám sẽ có bộ phận y tế của xã, huyện, tỉnh hỗ trợ.
Bà Dương Thị Thanh (73 tuổi) có 5 cháu đều là học sinh của trường mầm non đến khám với tâm trạng lo lắng. Bà cho hay nửa tháng nay cháu đều bị ho, sốt, nghỉ học, không biết nguyên nhân. Điều bà Thanh mong muốn các cơ quan chức năng nhanh chóng làm rõ nguyên nhân khiến hàng trăm trẻ mắc bệnh.
Hành lang lớp học chật kín phụ huynh và học sinh chờ đợi. Ảnh: Quyên Quyên |
Một phụ huynh cho biết mặc dù đưa con khám tại trường nhưng anh cũng lo lắng kết quả khám tại đây liệu có đảm bảo. Nhiều người khác cũng bày tỏ thái độ không còn tin tưởng với kết quả kiểm tra ở địa phương bởi "đã dám mang thực phẩm bẩn vào trường thì kết quả sai lệch là điều hoàn toàn có thể xảy ra".
Ông Nguyễn Duy Tuân (phụ huynh học sinh) bức xúc về việc con phải đi khám hôm nay là trách nhiệm của nhà trường và công ty cung cấp thực phẩm.
Bà Nguyễn Thị Tiến (57 tuổi) cho rằng: "Cháu tôi thà thất học mà không bị bệnh còn hơn đi học mà rước bệnh vào người. Tôi rất bất bình về việc xã đổi lỗi cho trường, trường đổi lỗi cho công ty, không bên nào chịu trách nhiệm".
Số ca nhiễm sán lợn ngày càng tăng
Cuối ngày 16/3, theo cập nhật của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong tổng số 1.500 trẻ đến xét nghiệm sán lợn tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, có 81 trường hợp dương tính. Ngày 15/3, con số này là 62 trường hợp.
Ngày 17/3, nhiều phụ huynh tại Bắc Ninh tiếp tục đưa con lên thăm khám. Bác sĩ Nguyễn Quang Thiều, Phó viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cho hay trong 2 ngày 15 và 16/3, viện đã khám, làm xét nghiệm cho 692 trẻ đến từ huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Hôm nay, số trẻ đến khám đã giảm, với 231 cháu.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, khoảng 200 cháu bé đến từ huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, cũng được khám trong chủ nhật.
Đến tối muộn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cung cấp thông tin, trong số 461 mẫu xét nghiệm của bệnh nhân ngày 16/3 tại viện đã khẳng định chắc chắn 58 mẫu dương tính. Một số mẫu nghi ngờ sẽ chạy lại lần ba để có thể khẳng định thêm. Kết quả hai ngày xét nghiệm tại ghi nhận 102 ca dương tính với sán dây, ấu trùng sán lợn. Tỷ lệ dương tính với sán lợn trong tổng số xét nghiệm trung bình từ 10%-15%, tuỳ thuộc các xã khác nhau.
Như vậy, khoảng 2.000 trẻ từ 1-10 tuổi tại huyện Thuận Thành, Bắc Ninh về Hà Nội và khám, làm xét nghiệm sán lợn tại hai bệnh viện kể trên. Kết quả, 209 cháu bé đến từ huyện Thuận Thành, Bắc Ninh dương tính với sán lợn.
Làm gì khi nhận kết quả dương tính với sán lợn?
Theo BS Nguyễn Quang Thiều, Phó viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, hiện tại, cơ sở y tế này và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vẫn đang thực hiện điều tra sàng lọc bệnh nhân.
Trường hợp dương tính sẽ được làm thêm xét nghiệm để xác định nhiễm sán trưởng thành hay ấu trùng sán.
Đối với người nhiễm sán trưởng, việc điều trị rất đơn giản, bệnh nhân sẽ được bác sĩ kê thuốc uống một lần để tiêu diệt sán.
Tuy nhiên, nếu nhiễm ấu trùng sán, việc điều trị sẽ khó khăn hơn, đặc biệt là sán ký sinh ở não, cơ. Khi đó, người bệnh sẽ phải điều trị làm nhiều đợt, mỗi đợt thường kéo dài 21 ngày.
“Trẻ có xét nghiệm ELISA dương tính với sán lợn sẽ phải tiến hành thêm các xét nghiệm khác để hỗ trợ và xác định bị nhiễm ấu trùng hay sán trưởng thành. Muốn biết ấu trùng sán có ký sinh ở não hay không, người bệnh phải chụp CT hoặc cộng hưởng từ”, bác sĩ Thiều cho biết.
Về khả năng nguồn lây từ thực phẩm thịt lợn có sán, ông Thiều cho biết: "Nếu ăn thịt lợn có sán và chưa được nấu chín, nguy cơ mắc bệnh rất cao. Tùy mỗi người có sức đề kháng khác nhau dẫn tới việc mắc bệnh hay không. Có những trường hợp chỉ ăn một lần có trứng sán lợn là có thể nhiễm bệnh".
Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng nhận định ký sinh trùng này nằm trong đất, nước, thậm chí trong thực phẩm nên có nhiều nguồn lây. Thông thường, tỷ lệ nhiễm sán lợn trong cộng đồng dân cư rất thấp, việc tại một khu vực có tỷ lệ cao bất thường cũng cần được quan tâm.
Hồi cuối tháng 2, clip ghi lại hình ảnh món thịt lợn nổi đầy hạch trắng, có dấu hiệu của bệnh sán gạo trong bữa ăn tại trường Mầm non Thanh Khương khiến nhiều người lo lắng.
Một phụ huynh thấy con bị sốt cao nên đưa đi khám, kết quả cháu bé dương tính với sán lợn. 2/3 học sinh của trường này được gia đình đưa đi xét nghiệm và có kết quả dương tính với sán lợn.