Năm 1285, sau khi nhà Trần đánh bại quân Nguyên - Mông lần thứ hai, Trần Quang Khải đem quân vào thành Thăng Long.
Cảm khái trước sự dũng mãnh của quân sĩ và nhân dân, ông làm bài thơ "Tụng giá hoàn kinh sư" với những câu hùng hồn: “Chương Dương cướp giáo giặc / Hàm Tử bắt quân thù / Thái bình nên gắng sức / Non nước ấy ngàn thu”.
Vậy, quân và dân nhà Trần đã "cướp giáo giặc" và "bắt quân thù" như thế nào để xây dựng non nước nghìn đời được lưu danh sử sách?
Thế trận Hàm Tử bắt quân thù
Sau khi giặc Nguyên - Mông tràn vào Đại Việt, tháng 4/1285, Trần Nhật Duật gặp binh thuyền Toa Đô ở bến Hàm Tử (Khoái Châu - Hưng Yên), bèn chia quân ra đánh. Quân giặc đi đường xa, giao chiến lâu ngày đã mỏi mệt, nhuệ khí không còn được như những ngày đầu.
Ngoài trực chiến trên chiến trường, quân Trần bắn tên sang trại giặc gửi thông điệp rằng chỉ đánh người Thát Đát (Mông Cổ) chứ không đánh người Hoa. Chiến thuật này khiến nhiều tướng sĩ người Hoa trong quân Mông - Nguyên không tận lực chiến đấu hoặc trở giáo hàng nhà Trần.
Trần Nhật Duật sai Trần Quốc Toản về Thanh Hoá báo tin thắng trận. Trần Quốc Tuấn bàn với Trần Nhân Tông quyết định mang toàn quân ra Bắc đánh Thoát Hoan để lấy lại Thăng Long. Trong khi đó, Trần Quang Khải ở Nghệ An mới được cử làm chánh tướng.
Hình ảnh minh họa đội quân Mông Cổ tung hoành khắp thế giới. |
Trần Nhật Duật nhận được lệnh phải ngăn không cho Toa Đô hợp binh với Thoát Hoan.
Trần Quang Khải thấy quân Nguyên - Mông rút ra Bắc liền báo với thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông. Vua Trần cùng các tướng nhận định rằng quân Nguyên Mông nếu còn mạnh, ắt truy kích vua Trần từ hai mặt Nam Bắc; nay cánh phía Bắc không tới, cánh phía Nam rút đi, tức là đã mỏi mệt. Đây là thời cơ phản công.
Vua Trần và Trần Quốc Tuấn chủ trương không để giặc hội quân. Tháng 4/1284, Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật làm chánh tướng, Chiêu Thành Vương và Trần Quốc Toản làm phó tướng đi cùng Nguyễn Khoái mang 50.000 quân ra Bắc đuổi đánh Toa Đô.
Tưởng có thể thắng nhanh, quân Nguyên - Mông không mang theo nhiều lương thực nên bị thiếu ăn, lòng quân ngày càng hoang mang, dao động. Hai mũi quân do Thoát Hoan và Toa Đô chỉ huy lại không kết hợp được với nhau.
Để phòng thủ mặt phía Nam của thành Thăng Long, quân Nguyên - Mông dựng 2 căn cứ liền kề nhau ở Hàm Tử Quan và ở Chương Dương Độ (Thường Tín, Hà Nội ngày nay).
Nắm được ý đồ của giặc, thấy thời cơ đã đến, vua Trần và Trần Quốc Tuấn quyết định nhằm đạo quân Toa Đô ở Hàm Tử để đánh trận phủ đầu tiêu diệt địch. Sau trận này, "Hàm Tử bắt quân thù" đã được lưu danh trong những trang sử hào hùng của dân tộc.
Chương Dương cướp giáo giặc
Sau chiến thắng Hàm Tử, Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải, Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản cùng các tướng khác được lệnh đem quân đánh Chương Dương và kinh thành Thăng Long.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, lực lượng tham gia gồm các đơn vị thủy bộ chủ lực do Trần Quang Khải chỉ huy. Các đơn vị dân binh địa phương lân cận do Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp và Nguyễn Truyền chỉ huy.
Sau các đòn đánh chia cắt, cô lập giành thắng lợi, theo kế của Trần Hưng Đạo, quân ta dùng một lực lượng lớn bất ngờ tập kích Chương Dương.
Tranh minh họa quân Trần kháng chiến chống giặc. |
Đây là cứ điểm tiền tiêu, lá chắn bảo vệ phía Nam Thăng Long, mắt xích quan trọng của tuyến phòng thủ Nam sông Hồng, căn cứ đường thủy của địch. Nếu để mất Chương Dương, Thăng Long bị uy hiếp và hoàn toàn cô lập, Thoát Hoan sẽ mất hết hy vọng hội quân với Toa Đô.
Thoát Hoan vội vã điều quân tinh nhuệ ra chiếm lại. Quân ta dùng phục binh tiêu diệt quân cứu viện trên đoạn đường từ Thăng Long đến Chương Dương, vừa thừa cơ Thăng Long sơ hở, bao vây vu hồi, đánh úp cơ quan đầu não của giặc.
Bị đánh bất ngờ, quân giặc đạp lên nhau, chạy lên bờ trốn về Thăng Long. Quân Trần truy địch tới sát chân thành, Thoát Hoan đem đại quân ra tấn công. Quân ta vờ thua chạy, địch đuổi theo liền bị phục binh của Trần Quang Khải đổ ra đánh.
Theo Nguyên sử: “Thủy lục đến đánh vào đại doanh, vây thành mấy vòng, quan quân (chỉ quân Nguyên) sớm tối đánh khốn đốn, thiếu thốn lương thực, khí giới đều hết”.
Trước sức tấn công mạnh mẽ và bền bỉ của quân Trần, giặc Nguyên - Mông thua tan tác, phải rút chạy khỏi thành Thăng Long về đóng ở bờ Bắc sông Hồng (Gia Lâm ngày nay).
Sau trận thua ở Chương Dương, quân Nguyên bị đẩy vào thế đường cùng, buộc chúng phải tháo chạy về nước.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, cuối năm 1284, Hốt Tất Liệt phong con trai Thoát Hoan làm Trấn Nam Vương, kéo 500.000 quân sang xâm lược nước ta. Trong giai đoạn đầu, khí thế quân địch rất mạnh, nhà Trần buộc phải bỏ Thăng Long để thực hiện kế “vườn không nhà trống”.
Sau nhiều trận gây tổn thất cho quân địch, từ tháng 5/1285, quân Trần do Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn làm Tiết chế, bắt đầu phản công trên quy mô lớn ở cửa Hàm Tử. Sau hai chiến thắng liên tiếp ở cửa Hàm Tử và bến Chương Dương, nhà Trần đã đánh đuổi được quân Nguyên - Mông chạy về phương Bắc.
Sau trận thua này, quân Nguyên - Mông tiếp tục kéo quân xâm lược nước ta lần thứ ba (1287-1288) và tiếp tục bị nhà Trần đánh bại.