Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàng trăm người bị lừa vì chiêu 'hỗ trợ lấy lại tiền' trên mạng xã hội

Công an TP Gia Nghĩa (Đắk Nông) triệt phá một nhóm đối tượng là thanh niên vừa tốt nghiệp THPT lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của hàng trăm người bằng thủ đoạn "hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo" trên mạng xã hội.

Ngày 2/8, Cơ quan CSĐT Công an TP Gia Nghĩa cho biết đã ra quyết định tạm giữ hình sự Nguyễn Tấn Tr. (SN 2005), Phùng Tuấn D., Hoàng Văn T., Nguyễn Ngô Thanh T., Nguyễn Quý H. và Trần Khắc L. (đều SN 2006, cùng trú tại TP Gia Nghĩa) để điều tra, làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng khai nhận sau khi học được cách thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức hỗ trợ “lấy lại tiền cho các nạn nhân đã bị lừa đảo”, nhóm này đã sử dụng điện thoại di động, laptop có kết nối Internet hoặc đến các tiệm Internet truy cập vào tài khoản mạng xã hội Facebook, theo dõi các phiên livestream của một số trang Facebook có nội dung lừa đảo. Khi nắm được thông tin, nhóm thanh niên trên tìm cách liên hệ với người bị hại, nhắn tin cho những người này, thông báo họ đã bị lừa và tìm cách tiếp tục lừa đảo, chiếm đoạt tiền của các nạn nhân.

Ho tro lay lai tien,  Mang xa hoi anh 1

Nhóm lừa đảo đã bị Công an tạm giữ hình sự.

Bước đầu, Cơ quan CSĐT Công an TP Gia Nghĩa xác định với thủ đoạn trên, từ tháng 3/2024 đến 25/7, các đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt trên 721 triệu đồng của 135 bị hại trên địa bàn TP Gia Nghĩa và các địa phương khác trong cả nước. Công an đã thu giữ 13 điện thoại di động các loại cùng nhiều tang vật, tài liệu liên quan.

Theo Trung tá Võ Trung Kiên, Phó Trưởng Công an TP Gia Nghĩa, để phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả hành vi lừa đảo trên không gian mạng, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Công an và các ngành chức năng, người dân tuyệt đối không nghe theo lời dụ dỗ của các đối tượng, không liên hệ với các website, fanpage, tài khoản mạng xã hội. Không chuyển tiền cho các đối tượng để được hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ.

Khi bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, người dân cần đến cơ quan Công an nơi gần nhất để trình báo hoặc gửi đơn, thư theo đường bưu điện để cơ quan Công an được tiếp nhận, giải quyết.

Sách về Pháp luật

Nội dung cuốn sách "Thực hiện pháp luật về an ninh mạng ở Việt Nam" đi sâu nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn thực hiện pháp luật về an ninh mạng dưới góc độ của ngành lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật; đánh giá thực trạng pháp luật về an ninh mạng ở Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới,.

https://cand.com.vn/Ban-tin-113/hang-tram-nguoi-bi-lua-vi-chieu-ho-tro-lay-lai-tien-tren-mang-xa-hoi-i739307/

Hồng Long - Khắc Lịch/Công an Nhân dân

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm