Sáng sớm 19/11, khoảng 200 người dân các bản Ính, Đan, Lìm, Khục xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) mang theo dao phát, gậy, nỏ tràn lên khu vực khe Nồn, thuộc tiểu khu 275 nhổ cây keo mới trồng của Lâm trường Đồng Hợp. Một số cán bộ lâm trường ra ngăn cản bị người dân đánh trọng thương phải nhập viện, trong đó ông Nguyễn Văn Tiến - Chủ tịch Công đoàn và hai công nhân Hoàng Văn Hiếu, Lê Văn Thành.
Dân ồ ạt phá keo của lâm trường, đánh cán bộ nhập việnTrước đó, vào 7h ngày 15/11, 150 người dân Châu Lộc cũng đã kéo lên khu vực nói trên để nhổ keo của lâm trường. Theo số liệu của Lâm trường Đồng Hợp, doanh nghiệp này thiệt hại khoảng hơn 160 triệu đồng, trong đó có 3,1 vạn cây keo trên diện tích 18 ha.
Ông Nguyễn Văn Tiến - Chủ tịch Công đoàn Lâm trường Đồng Hợp - bị đánh trọng thương.. |
Nguyên nhân sự việc, theo ông Sầm Bá Sâm - xóm trưởng xóm Ính, do khe Nồn là vùng rừng đầu nguồn, người dân cho rằng việc lâm trường trồng keo sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt và sản xuất. Thấy lâm trường phát rừng, trồng keo, dân bức xúc, ngăn cản, dẫn tới xung đột. Xóm Ính hiện có 140 hộ, 628 khẩu, 98% số dân là người Thái, 56 hộ nghèo (40%), 26 hộ cận nghèo. Người dân chủ yếu sống bằng trồng lúa nước, nhưng diện tích ruộng ít, bình quân 1 khẩu có 200m2, đất rừng cũng rất ít, mỗi khẩu có khoảng 50m2.
Ông Vi Sinh Viên - Bí thư đảng uỷ xã Châu Lộc cho biết, chính quyền đã rất tích cực vận động người dân đồng thuận cho lâm trường trồng keo, nhưng một số hộ dân vẫn không đồng tình vì muốn bảo vệ rừng đầu nguồn. Cả ông Sâm, xóm trưởng xóm Ính và ông Vi Sinh Viên đều khẳng định, nguyên nhân dẫn tới việc người dân đánh đập cán bộ lâm trường là do cán bộ đánh dân.
Cán bộ xã mất đoàn kết?
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tiến, Chủ tịch Công đoàn Lâm trường Đồng Hợp khẳng định mình không đánh dân, mà khi ông dùng điện thoại quay lại cảnh người dân nhổ keo thì bị một số người dân dùng gậy đánh. Khi ông Tiến chất vấn ông Vi Sinh Viên về phát ngôn cho rằng ông Tiến đánh dân, ông Viên phủ nhận. Đến khi chúng tôi đưa ra bằng chứng đoạne ghi âm thì ông Viên nói là do nghe cấp dưới báo cáo, chứ lúc đó ông không có mặt tại hiện trường. Ông Tiến cũng gọi điện cho ông Sâm, xóm trưởng xóm Ính để trao đổi về thông tin ông Tiến đánh dân trước thì ông Sâm lảng tránh không nghe máy.
Theo ông Hồ Thanh Hùng, Giám đốc Lâm trường Đồng Hợp: tại xã Châu Lộc - lâm trường được nhà nước giao quản lý 840 ha rừng. Năm 2011, UBND tỉnh phê duyệt cho lâm trường được trồng keo trên diện tích 64ha đất. Lâm trường đã thông qua huyện, xã, bàn bạc với dân, kiên trì vận động để triển khai nhưng vẫn bị người dân phản đối. Nguyên nhân theo ông Hùng là do nội bộ lãnh đạo xã Châu Lộc mất đoàn kết, một số người đã kích động dân chống đối lâm trường. Còn khe Nồn là rừng sản xuất, nghèo kiệt, không phải rừng đầu nguồn.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp khẳng định, việc làm nói trên của người dân là sai, lâm trường có quyền trồng keo theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Vị trí trồng rừng không phải là rừng đầu nguồn mà là rừng nghèo. Tuy nhiên, hiện do tình hình dân chưa thông nên huyện chỉ đạo lâm trường tạm dừng việc trồng keo. Ông Tùng cũng cho rằng, nguyên nhân sự việc là do nội bộ lãnh đạo xã Châu Lộc thiếu đoàn kết.
Được biết, vào tháng 10, chủ tịch xã, kế toán và thủ quỹ xã đã bị khởi tố về những sai phạm liên quan đến tài chính, đội ngũ cán bộ xã hiện chưa được kiện toàn. Theo lãnh đạo Lâm trường Đồng Hợp, trong số những người tham gia nhổ cây keo của lâm trường có con em của cán bộ xã.
Châu Lộc là xã có 46% hộ nghèo, dân thiếu đất sản xuất, thanh niên lớn lên phải đi các vùng khác kiếm việc làm, nhận thức về pháp luật của người dân còn yếu kém. Trên địa bàn có 23 doanh nghiệp khai thác đá trắng, hoạt động của nhiều doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nhưng không được xử lý triệt để.
Tình trạng dân thiếu đất sản xuất, thói quen sản xuất lạc hậu, đói nghèo trong khi đội ngũ cán bộ xã còn nhiều bất cập là thực trạng chung của nhiều xã vùng núi hiện nay. Từ vụ việc nói trên, cần có các giải pháp kiện toàn, nâng cao đội ngũ cán bộ xã, đồng thời đẩy mạnh giao đất giao rừng cho dân, tạo điều kiện cho người dân có công ăn việc làm, nâng cao thu nhập để cải thiện cuộc sống.