Kinh tế tăng trưởng nhanh kéo theo nhu cầu cao về các dịch vụ vận tải hàng hóa, chuyển phát và taxi. Thế nhưng số lượng tài xế đủ trình độ lại quá ít để đáp ứng nhu cầu hiện nay.
Đây chính là động lực lớn để các hãng vận tải đầu tư cho việc phát triển xe không người lái. Trong một tương lai không xa khi xe tự động chiếm lĩnh thị trường, số lượng tài xế bị mất việc sẽ lên đến hàng triệu.
Nhu cầu xã hội khiến xe tự động sẽ chiếm lĩnh thị trường. Ảnh: Google |
Nhiều hàng hóa, nhiều xe tải hơn
Theo thống kê của Hiệp hội Vận tải Mỹ, hiện có khoảng 3,5 triệu tài xế xe tải chuyên nghiệp tại nước này. Nhưng với đà phát triển kinh tế hiện nay, mỗi năm, các công ty vận tải cần thêm 90.000 tài xế mới. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là dù lượng ứng viên khá cao, những người đủ trình độ lại rất ít nên sẽ thiếu khoảng 50.000 chỉ tiêu mỗi năm.
Trong bối cảnh này, trở thành một tài xế có thể mang lại mức thu nhập cao hơn tốt nghiệp trung học. Không chỉ lĩnh vực vận tải hàng hóa, các dịch vụ chở khách như taxi, bus, xe limousine hay Uber và Lyft cũng đang thiếu tài xế chuyên nghiệp trầm trọng.
Thống kê trên toàn nước Mỹ, hiện có khoảng 5 triệu người kiếm sống bằng nghề lái xe. Tuy nhiên, trong tương lai gần, mọi thứ có thể rất khác.
Xe tải tự động
Một năm trước, chiếc xe tải của công ty startup Otto đã đi vào lịch sử khi di chuyển quãng đường gần 200 km từ nhà máy sản xuất bia Colorado đến kho trong điều kiện không người lái (dù có một chuyên gia ngồi trong thùng xe để giám sát).
Xe tải Otto không cần người lái. Ảnh: Otto |
Mục tiêu lớn nhất của các công ty vận tải là loại bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc vào tài xế. Ưu điểm của nó là giảm tắc nghẽn giao thông, nâng cao độ an toàn cũng như hiệu suất làm việc và tiết kiệm chi phí trả lương cho tài xế.
Bất chấp những lợi ích của việc không người lái, đại diện Hiệp hội Vận tải Mỹ, ông Sean McNally trả lời với NBC News rằng tổ chức này vẫn mong muốn có tài xế trên xe tự động để đảm bảo an toàn tối đa. Giống như nhiều máy bay dân dụng hiện nay đã có thể tự động hạ và cất cánh hay đi theo lộ trình nhưng vẫn cần 2 phi công giám sát.
Một mẫu xe tải tự động điển hình hiện nay là chiếc Inspiration của Freightliner. Nó có 18 bánh và tự động hoàn toàn dưới sự giám sát của tài xế. Tuy nhiên, ban lãnh đạo của Freightliner và nhiều hãng khác thừa nhận rằng họ muốn có một chiếc xe không người lái hoàn toàn càng sớm càng tốt. Sự phát triển công nghệ có thể đáp ứng điều này, nhưng niềm tin của người dùng lại là vấn đề khác.
Khủng khoảng việc làm
Viễn cảnh một thế giới mới với đầy các phương tiện tự động đã không còn xa. Hãng Ford vừa đặt mục tiêu cho ra đời chiếc xe tự động hoàn toàn vào 2021. Mary Barra, CEO của General Motors, vừa tuyên bố công ty này sẽ cố gắng trở thành hãng tiên phong sản xuất xe tự lái.
Không có thống kê cụ thể về số lượng tài xế sẽ mất việc vì xe tự động. Cũng sẽ phải mất vài năm nữa để công nghệ tự động phát triển và trở nên phổ biến. Lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất là vận tải đường dài vì đoạn đường và điều kiện di chuyển ít thay đổi nên sẽ dễ lập trình hơn. Thế nhưng, các hãng chở khách như Uber và Lyft cũng hứa hẹn áp dụng phương tiện tự lái với giá cước thậm chí thấp hơn việc thực sự sở hữu một chiếc xe.
Thử thách lớn nhất cho dòng xe tự lái có lẽ là chuyển phát trong khu vực địa phương, nơi đường đi và điều kiện thay đổi liên tục.
Xe tự lái không thể hoạt động trên những đoạn đường mới, chưa được cập nhật trên bản đồ. Ảnh: NBCNews |
Hãng pizza Domino đã hợp tác với Ford trong một thử nghiệm xe tự lái mới đây. Người tham gia sẽ gõ mã lên bàn phím phía ngoài chiếc xe tự động của Ford và nhận phần bánh từ một thiết bị giữ ấm đặc biệt bên trong. Các dịch vụ như FedEx hoặc UPS có thể cũng sẽ phát triển loại hình này.
Việc tự động hóa toàn bộ phương tiện vận tải vẫn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Điều chắc chắn là trong tương lai gần, khoảng 5 triệu việc làm sẽ biến mất. Cách xử lý tốt nhất là đào tạo tài xế cho những công việc có yêu cầu trình độ cao hơn. Nếu không, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.