Đó là tiền hỗ trợ lần đầu dành cho giáo viên vùng đặc biệt khó khăn, công tác phí, tiền tập huấn, tăng lương...
Giải trình với UBND huyện, lãnh đạo phòng giáo dục nói chưa nhận được tiền, trong khi đó đơn vị tài chính lại phản ứng ngược lại.
Phòng giáo dục huyện Ia Grai đang bị thanh tra về công tác thu chi tài chính có dấu hiệu bất minh - Ảnh: Tuổi Trẻ. |
3 năm đi dạy vẫn chưa nhận được tiền
Theo Phòng giáo dục huyện Ia Grai, từ tháng 1/2012 đến nay, số giáo viên nhận công tác tại các trường vùng ba, trường thuộc diện khó khăn toàn huyện là 89 người. Trong số này có 15 giáo viên mầm non, 52 giáo viên tiểu học và 22 giáo viên cấp trung học cơ sở.
Theo quy định, số thầy cô giáo này khi nhận công tác sẽ được nhận trợ cấp một lần bằng 10 tháng lương tối thiểu chung, thời gian nhận chế độ phải được thực hiện ngay khi có quyết định công tác, tổng số tiền phải chi cho 89 giáo viên này gần 1 tỉ đồng.
Thế nhưng, suốt ba năm nay, toàn bộ 89 giáo viên vùng xa của huyện Ia Grai vẫn chưa nhận được khoản tiền nào.
Cô N.T.V. - giáo viên một trường giáp biên giới của huyện - buồn rầu: “Từ ngày nhận công tác đến nay tôi chỉ được trả lương, đi hỏi tiền chế độ một lần cho giáo viên vùng xa thì nhà trường trả lời huyện chưa cấp kinh phí. Trong khi đó giáo viên ở những vùng đặc biệt khó khăn như chúng tôi ở đây cần đủ thứ để chi tiêu khi mới về nhận công tác, cuộc sống hằng ngày hết sức khó khăn, điều kiện thiếu thốn”.
Một giáo viên khác ở xã Ia Chía cho biết: “Lúc quyết định xin về vùng xa, nhiều giáo viên như chúng tôi cũng rất mong có khoản hỗ trợ ban đầu để ổn định cuộc sống, mua sắm phương tiện để vào làng đi dạy, nhưng từ khi về đây đến nay chưa thấy được chi trả. Trong khi chúng tôi hằng ngày phải đi mua nước để dùng, thức ăn ở vùng xa đắt đỏ gấp hai ba lần ở bên ngoài nên chi tiêu tăng vọt, giáo viên đợi tiền hỗ trợ một lần nhưng đợi mãi vẫn không thấy”.
Không chỉ tiền trợ cấp một lần mà nhiều giáo viên ở các trường của Ia Grai cũng cho biết các khoản thanh toán theo chế độ như tiền tăng giờ học kỳ 2 năm học 2014-2015, tiền tập huấn từ năm 2014, tiền hỗ trợ vé tàu xe cho các cán bộ viên chức hè năm 2015... đến nay vẫn chưa được thanh toán.
Một giáo viên bức xúc kể đã gần một năm nhưng rất nhiều giáo viên ở huyện vẫn chưa nhận được khoản tiền tăng giờ trong học kỳ 2 năm học 2014-2015.
Các giáo viên khác cũng phản ảnh hiện nay các khoản thanh toán như tiền hỗ trợ tàu xe đi nghỉ hè, tiền tập huấn theo chế độ năm 2015 với tổng số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng đang bị Phòng giáo dục huyện Ia Grai giữ lại, chưa thanh toán cho giáo viên.
Tiền đang ở đâu?
Lý giải về các khoản tiền theo chế độ đến nay phòng vẫn chưa thanh toán cho giáo viên, ông Nguyễn Quang Thuấn - Trưởng phòng giáo dục huyện Ia Grai - cho biết, đang rà soát lại hồ sơ, số lượng giáo viên chưa được thực hiện chế độ để quyết toán.
Theo ông Thuấn, hầu hết các khoản như chế độ hỗ trợ một lần cho giáo viên, chế độ tăng giờ với tổng số tiền lên tới nhiều tỷ đồng hiện nay giáo viên chưa được phòng tài chính kế hoạch quyết toán. Riêng các khoản phụ như hỗ trợ vé tàu xe đi về hè, tiền đi tập huấn... do hồ sơ chứng từ của một số cán bộ giáo viên chưa rõ ràng nên phòng cần có thêm thời gian để kiểm tra, đối chứng lại, tránh chứng từ khống.
Trong khi đó ông Bùi Đức Chinh - Trưởng phòng tài chính kế hoạch Ia Grai - cho biết, hàng năm, ngành giáo dục huyện Ia Grai được cấp kinh phí hoạt động bình quân hơn 170 tỷ đồng, ngoài ra có các khoản chi để phục vụ các công việc đột xuất trong ngành giáo dục.
Ông Chinh khẳng định từ năm 2012 đến nay, ngân sách hàng năm được giao về phòng đều đã chi đủ, giao đủ và có chứng từ rõ ràng, trong khoản này có gần 1 tỷ đồng tiền trợ cấp một lần cho giáo viên.
“Khoản này chúng tôi đã giao chung trong dự toán, phân bổ ra các mục nhỏ chi vào đâu, chi như thế nào nhưng đến nay phòng giáo dục lại nói rằng chưa nhận được. Chúng tôi không biết khoản tiền này đã đi đâu, sử dụng vào mục đích gì”.
Về số tiền hơn 7 tỷ đồng chi tăng giờ học kỳ 2 cho giáo viên trong năm học 2014-2015, ông Chinh cũng khẳng định đã giao đủ cho phòng giáo dục, tuy nhiên hiện nay giáo viên lại nói rằng chưa nhận được khiến phòng rất bất ngờ.
“Chúng tôi không dại mà giữ lại tiền của Nhà nước giao. Ngoài tiền chi thường xuyên hơn 170 tỷ đồng hằng năm, phòng giáo dục được chi trên dưới 7 tỷ đồng kinh phí đột xuất nhưng không hiểu bên đó quyết toán như thế nào mà luôn kêu thiếu” - ông Chinh nói.
Không chỉ nhiều khoản chi có dấu hiệu bất minh, không rõ ràng, mà nhiều cán bộ giáo viên ở Ia Grai cũng cho biết mặc dù các trường có kế toán riêng nhưng toàn bộ hoạt động tài chính của các trường đều do Phòng giáo dục Ia Grai “ôm” hết.
“Hàng tháng trả lương cho kế toán để làm gì? Họ chỉ ngồi chơi xơi nước, thu chi thế nào phòng giáo dục quyết định” - một lãnh đạo huyện Ia Grai nói.
“Chúng tôi không giữ tiền”
Trả lời câu hỏi của PV về nhiều khoản chi đã được Phòng tài chính kế hoạch Ia Grai chuyển cho phòng giáo dục nhưng giáo viên lại chưa hề nhận được, số tiền đó nay đang nằm ở đâu, ông Nguyễn Quang Thuấn - Trưởng phòng giáo dục - giải thích: “Do phòng tài chính không hiểu cụ thể các khoản chi của phòng giáo dục nên báo cáo chưa chính xác, muốn biết đúng sai thế nào phải đợi thanh tra làm rõ”.
Tuy nhiên, ông Thuấn xin nhận khuyết điểm vì làm các thủ tục đề xuất tiền hơi chậm, các khoản như tàu xe, công tác phí, tiền tăng giờ thì phòng đang rà soát chứng từ nên chưa trả cho giáo viên...
Về khoản tiền nhiều tỷ đồng chi trợ cấp một lần cho giáo viên, được phòng tài chính giao từ năm 2012 nhưng đến nay vẫn chưa chi cho giáo viên, ông Thuấn nói rằng, do nhiều trường hợp phát sinh, vướng víu nên phòng chưa làm quyết toán. Hiện tại, mỗi năm phòng phải chi trả hơn 2 tỷ đồng lương, chế độ cho lượng giáo viên hợp đồng ngoài biên chế, các khoản này không được Nhà nước chi trả mà do kinh phí của phòng cân đối, đây là một phần gánh nặng khiến các khoản chi của phòng tăng lên.
Có dấu hiệu “ém” tiền giáo viên
Ông Lê Ngọc Quý - Phó chủ tịch UBND huyện Ia Grai - cho biết, sau khi nghe báo cáo giải trình của Phòng tài chính kế hoạch và Phòng giáo dục Ia Grai, UBND huyện Ia Grai đã quyết định thành lập đoàn thanh tra để kiểm tra công tác thu chi tài chính ở phòng giáo dục. Ông Quý cho biết, huyện sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện có dấu hiệu sai phạm.
“Hiện nay, hồ sơ chứng từ mà phòng tài chính cung cấp rất rõ ràng, trong khi đó ở phía phòng giáo dục thì chúng tôi phải xác minh vì có nhiều khoản thu chi không rõ ràng, có dấu hiệu phòng “ém” tiền của giáo viên. Nhiều giáo viên phản ảnh các khoản khác dù Nhà nước đã chi như tiền thâm niên nghề, tài chính đã báo chi nhưng giáo viên vẫn chưa nhận được... Huyện cũng sẽ làm rõ tại sao các trường có kế toán mà phòng giáo dục huyện lại “ôm” - ông Quý nói.