Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hiệu trưởng ĐH công nghệ SG bị miễn nhiệm vì 16,2 tỷ

Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ Sài Gòn bất ngờ bị hội đồng quản trị (HĐQT) nhà trường đề nghị Bộ GD-ĐT không công nhận hiệu trưởng.

Trước đó, ông hiệu trưởng đã có thư gửi bí thư đảng ủy nhà trường đề nghị làm rõ một số vấn đề liên quan đến tài chính của trường.

Ngày 7/8, Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM đã có buổi làm việc với HĐQT và hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ Sài Gòn. Tại đây đại diện Bộ GD-ĐT cho biết ngày 15/7, Bộ GD-ĐT có nhận được tờ trình của HĐQT ĐH Công nghệ Sài Gòn đề nghị không công nhận hiệu trưởng đối với GS.TS Đào Văn Lượng, hiệu trưởng nhà trường. Lý do được phía HĐQT nhà trường đưa ra là “do thỏa thuận hiệu trưởng đã kéo dài gần hai nhiệm kỳ và các hoạt động điều hành của hiệu trưởng hiện nay không còn phù hợp”.

Trong khi trước đó (tháng 5/2014) ông Đào Văn Lượng được cán bộ, giảng viên nhà trường bỏ phiếu tín nhiệm là hiệu trưởng xuất sắc với 92,2% số phiếu.

Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn.
Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn.

Bị đề nghị miễn nhiệm vì thắc mắc chuyện tài chính

Theo ông Đào Văn Lượng, khởi nguồn sự việc trên từ năm 2012, khi ông đọc bài viết của ông Nguyễn Quang Tuyến, phó chủ tịch HĐQT, về quản trị tài chính nhà trường đăng trên quyển kỷ yếu 15 năm xây dựng và phát triển nhà trường (1997-2012).

Việc đề nghị công nhận hoặc không công nhận hiệu trưởng là công tác nhân sự bình thường của HĐQT. Khi chúng tôi thấy hiệu trưởng không còn phù hợp nữa thì có thể kết thúc thỏa thuận với hiệu trưởng trước thời hạn

Ông Trương Quang Mùi (bí thư đảng ủy, chủ tịch HĐQT)

Trong đó có thông tin về nguồn vốn của trường trong giai đoạn 1997-2000 từ số vốn thực góp ban đầu 9 tỉ đồng của 10 thành viên sáng lập đã tăng thêm 16,2 tỷ đồng thành 25,2 tỉ đồng. Sau đó, tại cuộc họp HĐQT ông Lượng đã yêu cầu giải thích về khoản vốn tăng thêm này có từ đâu và được tính dựa trên cơ sở nào.

 

“Nhà trường đến nay vẫn hoạt động theo loại hình trường ĐH dân lập. Vì vậy phải hoạt động theo quy chế 86 (quy chế trường ĐH dân lập ban hành kèm quyết định 86/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 18/7/2000 - PV). Theo đó, tài sản của trường dân lập được tăng thêm trong quá trình hoạt động là tài sản không chia thuộc sở hữu tập thể nhà trường. Nhưng số vốn tăng thêm được HĐQT tính toán là 16,2 tỉ đồng, dưới hình thức cổ phiếu ưu đãi sáng lập viên và được hưởng lãi từ năm 2001. Sau đó, số cổ phiếu danh dự được hợp thức hóa thành cổ phiếu phổ thông rồi chia cho các thành viên sáng lập” - ông Lượng cho biết.

Tuy nhiên thắc mắc của ông Lượng không được giải thích thấu đáo. Đến tháng 5/2014, HĐQT đề nghị hiệu trưởng ký thông qua quy chế tài chính nhà trường, trong đó vẫn nêu việc nguồn vốn tăng thêm 16,2 tỷ đồng đã được chia cho 10 thành viên sáng lập trường. Nhưng ông Lượng đã không đồng ý ký quy chế này. Sóng gió bắt đầu nổi lên.

Ngày 24/6, ông Đào Văn Lượng đã gửi thư cho ông Trương Quang Mùi - bí thư đảng ủy, chủ tịch HĐQT nhà trường - tiếp tục đề nghị làm rõ nguồn vốn 16,2 tỉ đồng. Sau đó ông Mùi đã có văn bản trả lời ông Lượng rằng mọi hoạt động của nhà trường đã và đang được các cơ quan chức năng quản lý, giám sát và kiểm tra thường xuyên hằng năm nhưng không làm rõ thắc mắc của ông Lượng về số vốn tăng thêm nêu trên. Ông Lượng tiếp tục gửi văn bản đến bí thư đảng ủy nhà trường yêu cầu tổ chức cuộc họp đảng ủy để làm rõ thắc mắc của đảng viên và để thống nhất chỉ đạo trong nội bộ Đảng.

Hiệu trưởng được chia 1 tỷ đồng?

Một thành viên HĐQT cho biết: “Khi về trường ông Đào Văn Lượng đã được hưởng nhiều quyền lợi (phương tiện làm việc, phương tiện đi lại công tác...), được trả lương thỏa thuận. Theo đó, ngoài lương hằng tháng ông Lượng còn được hưởng 10.000 cổ phần danh dự (tương đương 1 tỉ đồng) và được hưởng cổ tức hằng năm. Bên cạnh đó mỗi năm ông Lượng được trích 70% cổ tức của 10.000 cổ phần danh dự, để mua cổ phần phổ thông với mệnh giá nguyên gốc. Đến nay ông Lượng đã nhận được hàng tỉ đồng. Mọi việc chúng tôi đều công khai...”. Ông Trương Quang Mùi cũng khẳng định trong thỏa thuận nhà trường chia cho hiệu trưởng 1 tỷ đồng dưới hình thức cổ phần danh dự.

Trong khi đó, ông Đào Văn Lượng lại khẳng định hoàn toàn không có chuyện ông được chia 1 tỷ đồng nào. “Tôi về trường năm 2006 mà vốn tăng 16,2 tỉ đồng đã được chia từ năm 2000. Trong thỏa thuận giao nhiệm vụ tháng 6/2006, HĐQT đã cho tôi được hưởng lãi cổ tức từ số cổ phiếu danh dự tương đương 1 tỷ đồng. Nhưng đến năm 2010 họ đã thu lại hết và càng không có chuyện tôi nhận được hàng tỷ đồng” - ông Lượng nói.

Về việc này ông Trương Quang Mùi giải thích: “Sau khi nhà trường hợp thức hóa số cổ phần ưu đãi của sáng lập viên thành cổ phần phổ thông thì không còn cổ phiếu danh dự nữa. Khi đó ông Lượng được hưởng 1,2% lợi nhuận sau thuế của trường hằng năm. Như vậy quyền lợi của ông Lượng được hưởng không hề thay đổi so với trước”.

Cũng theo HĐQT nhà trường từ tháng 5/2006 đến ngày 30/6/2014 thu nhập của ông Đào Văn Lượng gồm lương, thưởng theo thỏa thuận hơn 6 tỷ đồng. Ngoài ra, ông Lượng đã mua 38.375 cổ phần với giá gốc 10.000 đồng/cổ phần. “HĐQT chúng tôi không lấy gì của ông hiệu trưởng mà không có thỏa thuận do chính ông đề nghị” - một thành viên HĐQT khẳng định.

Cũng theo HĐQT nhà trường, ngày 16/7/2010, Bộ GD-ĐT ra thông tư số 20/2010 quy định nội dung, trình tự, thủ tục chuyển đổi loại hình trường ĐH dân lập sang loại hình trường ĐH tư thục có quy định về việc phân bổ chênh lệch giữa tài sản và vốn góp của những người góp vốn. Nhiều người góp vốn vào trường đã đề nghị tăng vốn sở hữu để có vốn góp nhiều và chênh lệch nhỏ, nhưng HĐQT không đồng ý và cho rằng vốn sở hữu của các sáng lập viên đã được thưởng từ năm 2009.

“Ông hiệu trưởng đã dựa vào sự đề nghị của HĐQT và hiểu lầm rằng chúng tôi đã tự chia cho mình 16,2 tỷ đồng tiền mặt mà không nghĩ đến cán bộ, giảng viên, nhân viên. Tranh chấp giữa hiệu trưởng và HĐQT từ đơn tố cáo của ông gửi HĐQT và đe dọa sẽ gửi đến các báo để phanh phui 16,2 tỷ đồng này” - một thành viên HĐQT nhà trường nói.

Về đơn thư ông Đào Văn Lượng gửi cho bí thư đảng ủy nhà trường, ông Trương Quang Mùi cho biết thêm: “Đó là đơn tố cáo. Ngoài tôi nhận được đơn này thì trong đơn ghi rõ nơi nhận là các cơ quan chức năng, báo đài... Nếu xét theo điều lệ Đảng, việc làm này của ông Lượng sai hoàn toàn. Nội dung tố cáo là ý kiến cá nhân của ông Lượng. Tổ chức Đảng trong trường ĐH dân lập không lãnh đạo toàn diện, nên đảng ủy trường không thể triệu tập cuộc họp bàn về chuyện của HĐQT. Hơn nữa, hiệu trưởng là chủ tài khoản của nhà trường. Việc ông Lượng tố cáo về tài chính là tố cáo chính ông chứ ai...”.

Tuy nhiên ông Lượng lại cho rằng: “Đây chỉ là dự thảo đơn tố cáo để xin ý kiến đảng ủy. Tôi thắc mắc về việc tăng thêm vốn vào năm 2000, khi đó tôi chưa về trường”. Về tờ trình đề nghị miễn nhiệm hiệu trưởng gửi đến Bộ GD-ĐT, ông Mùi cho rằng theo quy chế 86 HĐQT của trường ĐH dân lập là đại diện duy nhất quyền sở hữu tập thể của nhà trường có trách nhiệm và quyền tự chủ quyết định những vấn đề quan trọng về tổ chức, nhân sự và tài chính, tài sản của trường.

“Trong khi chưa giải quyết trong nội bộ Đảng, ông Mùi đã phổ biến nội dung thắc mắc của tôi cho hội đồng sáng lập và HĐQT”- ông Lượng cho biết. Không lâu sau đó, ngày 9-7, HĐQT nhà trường đã họp bỏ phiếu không tín nhiệm hiệu trưởng với kết quả 8/10 người đồng ý miễn nhiệm hiệu trưởng và ra nghị quyết về việc này. Ngày 10-7, HĐQT đã có tờ trình gửi bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định GS.TS Đào Văn Lượng không tiếp tục giữ chức vụ hiệu trưởng ĐH Công nghệ Sài Gòn.

 

http://tuoitre.vn/Giao-duc/625369/hieu-truong-dh-cong-nghe-sg-bi-mien-nhiem-vi--16-2-ti.html

Theo Trần Huỳnh/Báo Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm