Nhà sản xuất ôtô Trung Quốc, Zhejiang Geely Holding Group (gọi tắt là Geely) đã lần đầu tiên phóng thành công 9 vệ tinh vào quỹ đạo hôm 1/6. 9 vệ tinh này sẽ cung cấp khả năng điều hướng cho các phương tiện tự hành với độ chính xác từng cm.
Theo Reuters, các vệ tinh này được phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh Xichang ở tỉnh Tứ Xuyên, phía Tây Nam Trung Quốc.
Geely phóng 9 vệ tinh vào không gian để hỗ trợ điều hướng xe tự hành trong tương lai. |
Geely - công ty mẹ của Volvo đã được cấp phép vào tháng 2/2021 để khởi động một mạng lưới vệ tinh LEO, hỗ trợ truyền thông tin từ phương tiện đến phương tiện (V2V) và phương tiện đến mọi thứ (V2X). Hãng xe này cho biết các vệ tinh LEO sẽ là công cụ cải thiện một loạt dịch vụ di động và thông tin liên lạc V2X.
"Với tốc độ thay đổi nhanh chóng trong ngành hàng không vũ trụ và sự tích hợp các công nghệ truyền thông mới trong các lĩnh vực khác, như Internet vệ tinh, xe tự hành và điện toán đám mây, một tương lai tươi sáng đang chờ phía trước cho ngành hàng không vũ trụ thương mại", Xu Zhihao, CEO của Geely Technology Group cho biết.
Các vệ tinh LEO được phát triển hoàn toàn bởi Geespace, một công ty con của Geely Technology Group, và được sản xuất bởi Taizhou Xingkong Intelligent Connectivity Technology, cũng do Geely Technology Group kiểm soát. Geespace được thành lập vào năm 2018 để phát triển, phóng và vận hành hệ thống vệ tinh quỹ đạo thấp.
Các vệ tinh của Geely được phóng bằng tên lửa Long March 2C. |
Theo Anne Xu, Giám đốc của Geespace, các vệ tinh quỹ đạo thấp của Geely sẽ tập trung vào việc ứng dụng công nghệ định vị vệ tinh có độ chính xác cao. Trang Reuters cũng đưa tin các vệ tinh được phóng bằng tên lửa Long March 2C, còn được gọi là "Chang Zheng 2C"do Học viện Công nghệ Tên lửa Trung Quốc phát triển và vận hành.
Geely có kế hoạch triển khai một mạng lưới gồm 240 vệ tinh để giúp các mẫu xe tự hành trong tương lai có khả năng điều hướng chính xác hơn. Hãng xe Trung Quốc cũng dự kiến phóng thêm 63 vệ tinh khác vào quỹ đạo trong năm 2025.
Geely cho biết việc sử dụng vệ tinh quỹ đạo thấp sẽ cung cấp cho các mẫu xe khả năng kết nối Internet tốc độ cao, nhưng chủ yếu chúng sẽ được sử dụng cho các nhiệm vụ liên lạc Narrowband IoT (công nghệ vô tuyến mạng diện rộng công suất thấp) và điện toán đám mây để xe tự hành.
Theo Reuters, mạng lưới vệ tinh của Geely cũng sẽ phục vụ chức năng thương mại khác, chẳng hạn như cung cấp dịch vụ liên lạc tại ASIAD 2022 diễn ra vào tháng 9 tới.
Geely không đơn độc trong việc theo đuổi công nghệ vệ tinh để hỗ trợ xe tự hành. CEO Tesla, Elon Musk cũng đang sử dụng vệ tinh LEO cho mạng SpaceX Starlink để cung cấp truy cập Internet ở các vùng nông thôn. SpaceX được Elon Musk thành lập vào năm 2002 và hiện ông đang giữ chức Giám đốc điều hành và Giám đốc công nghệ của công ty.
Tesla cũng ứng dụng công nghệ vệ tinh để hỗ trợ xe tự hành. |
SpaceX dự định tạo ra một hệ sinh thái truyền thông toàn cầu bằng cách sử dụng vệ tinh Starlink, mà theo Elon Musk là giống với việc xây dựng lại Internet trong không gian.
Mạng vệ tinh Starlink có thể cung cấp Internet băng thông rộng tốc độ cao đến các địa điểm hẻo lánh trên thế giới. Theo Elon Musk, tốc độ truyền dữ liệu của Starlink nhanh hơn nhiều so với Internet truyền thống.
Trước đó vào tháng 11/2020, Tesla cũng đã hé lộ về khả năng ứng dụng công nghệ truyền thông vệ tinh Starlink lên các mẫu xe điện của hãng. Điều này giúp các mẫu xe điện Tesla có thể kết nối và giao tiếp với nhau, giúp nâng mức độ tự hành lên cấp cao hơn.
Trong khi đó, các vệ tinh mà Geely vừa phóng có tuổi thọ hoạt động 5 năm, được thiết kế để tự phân hủy trong bầu khí quyển của Trái Đất mà không để lại bất kỳ mảnh vở không gian nào, tương tự vệ tinh SpaceX Starlink của Tesla.