![]() |
Ông Jonathan Hạnh Nguyễn xúc động khi nhận món quà từ sinh viên. Ảnh: Ngọc Bích. |
"Cháu cảm ơn bác đã chia sẻ câu chuyện ý nghĩa".
"Cháu rất vinh dự khi được lắng nghe câu chuyện ý nghĩa của bác".
"Cháu mong sẽ học tập được ý chí kiên cường của bác".
Đó là ba trong số hàng trăm lời nhắn gửi mà sinh viên Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ tới ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), thông qua cuốn lưu bút do tự tay sinh viên thực hiện. Đây là món quà các sinh viên dành tặng ông Jonathan Hạnh Nguyễn tại chương trình giao lưu, gặp gỡ vào sáng 7/5.
"Đây sẽ là liều 'thuốc ngủ' duy nhất để trị căn bệnh mất ngủ của tôi", ông Johnathan Hạnh Nguyễn xúc động chia sẻ trước món quà ý nghĩa. Vị doanh nhân nói rất bất ngờ và cảm động trước tình cảm của sinh viên.
Thông tin ông Jonathan Hạnh Nguyễn sẽ giao lưu tại Đại học Kinh tế khiến đường link đăng ký nhanh chóng quá tải. Không chỉ sinh viên có mặt trực tiếp, hàng trăm bạn còn theo dõi từ xa để được lắng nghe chia sẻ từ một trong những doanh nhân có nhiều đóng góp cho đất nước. Chương trình thu hút hơn 700 học sinh, sinh viên, tạo nên không khí sôi nổi hiếm thấy trong khuôn viên trường.
"Sinh viên muốn làm kinh tế phải biết tài chính, phải biết đọc báo cáo tài chính để biết chỗ nào là sơ hở, lỗ hổng", vị doanh nhân tiết lộ cách ông trở thành thanh tra tài chính Boeing Subcontractors trên đất Mỹ.
Khi mới 35-36 tuổi, với tấm bằng cử nhân từ Đại học Seattle, trong hàng trăm ứng viên lớn tuổi, giàu kinh nghiệm, ông được chọn nhờ trả lời câu hỏi: “Anh nghĩ hệ thống của chúng tôi có điều gì cần khắc phục không?”.
Bằng nghiệp vụ tài chính nhạy bén, ông đã chỉ ra lỗ hổng trong hệ thống báo cáo thuế, gây ấn tượng mạnh với ban tổng giám đốc.
"Có thể thấy, đầu óc người Việt Nam không thua kém ai, chỉ là các bạn chưa sử dụng. Nhưng trước khi sử dụng, các bạn phải học", ông nói.
![]() |
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn khuyên sinh viên phải lên giảng đường ít nhất 80% để thu nạp kiến thức. Ảnh: Ngọc Bích. |
Ông Jonathan Hạnh Nguyễn khuyên sinh viên hãy sống trọn vẹn quãng đời đại học - khoảng thời gian đẹp nhất của tuổi trẻ. Ông nhấn mạnh: có thể đi cà phê, giải trí, nhưng phải ưu tiên việc học.
“Sinh viên phải đến lớp ít nhất 80%. Lời thầy cô lần một chưa thấm, lần hai bắt đầu thấm, lần ba sẽ ở lại mãi trong đầu”, ông nói.
Theo ông, người học ngày nay không còn chỉ “mọt sách” mà cần có tư duy đổi mới. Ông đánh giá cao chương trình đào tạo hiện nay với trọng tâm là tư duy, sáng tạo - rất khác với thời đại của ông, khi việc học chủ yếu là ghi nhớ và trả bài.
Trả lời câu hỏi về vai trò của AI trong kinh doanh, ông Johnathan Hạnh Nguyễn khẳng định: “AI là tương lai của thế giới, cũng là tương lai của mỗi quốc gia”. Ông đề nghị nhà trường tích cực lồng ghép kiến thức về trí tuệ nhân tạo vào chương trình đào tạo để sinh viên không bị tụt lại.
Tiếp lời, bà Lê Hồng Thủy Tiên, CEO IPPG, cảnh báo: “Đừng xem thường AI, vì nếu các bạn không nhanh hơn nó, nó sẽ thay thế các bạn”.
Theo bà Thủy Tiên, tốc độ phát triển của AI nhanh đến mức sinh viên còn chưa tốt nghiệp đã có nguy cơ bị thay thế. Điều này đòi hỏi các trường đại học cần rà soát lại chương trình đào tạo, nhận diện những ngành nghề dễ bị AI lấn át, đồng thời định hướng sinh viên theo đuổi những lĩnh vực mà con người vẫn giữ vai trò không thể thay thế.
“AI sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh việc làm trực tiếp với các bạn. Nếu không hiểu rõ về AI, các bạn sẽ không thể chủ động ứng phó hay bảo vệ vị trí của mình”, bà Thủy Tiên nhấn mạnh.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập.