Li tức giận vì nữ tiếp viên hàng không không gọi mình là "cô". Ảnh minh họa: SCMP. |
Hành khách 17 tuổi, họ Li, cho biết thường xuyên di chuyển bằng đường hàng không và tuyên bố đã đạt hội viên "hạng vàng" chỉ sau hai tháng.
Sau khi lên một chuyến bay của hãng hàng không Juneyao Airlines ở Thượng Hải gần đây, Li nổi giận khi nhận thấy tiếp viên hàng không ở khoang thương gia gọi các hành khách khác bằng họ và sử dụng đại từ nhân xưng thích hợp, trừ cô, theo South China Morning Post.
Cuối cùng, Li yêu cầu được nói chuyện với tiếp viên trưởng.
"Tôi đã bay với rất nhiều hãng hàng không và mọi người gọi tôi là 'cô' hoặc 'cô Li'. Tiếp viên hàng không trong ngành dịch vụ nên tinh ý. Cô không nghĩ vậy sao?", hành khách nói.
Trong video được ghi lại, tiếp viên trưởng liên tục xin lỗi, nói rằng cô "sợ xúc phạm" người phụ nữ chuyển giới. Li cũng thể hiện sự tha thứ nhưng vẫn đăng video lên tài khoản mạng xã hội có hơn 130.000 người theo dõi.
"Nếu họ không chăm sóc chúng tôi đúng mực, đó là lỗi của hãng hàng không họ. Tôi chỉ muốn tạm thời xả cơn tức thôi", Li nói trong video.
Tuy nhiên sau khi video lan truyền, nhiều dân mạng đã phát hiện ra rằng chính Li từng bị cảnh sát giam giữ vào đầu năm nay sau khi chia sẻ cách vào một nhà tắm nữ công cộng sang trọng bằng thẻ căn cước giả. Cuối cùng, Li - người chưa thực hiện phẫu thuật chuyển giới - hứng chỉ trích vì xâm phạm quyền riêng tư của phụ nữ khác.
Hành động của vị khách với hãng hàng không bị nhiều dân mạng chỉ trích. Ảnh minh họa: Juneyao Airlines. |
Tranh cãi xung quanh vụ việc mới nhất cũng khiến tài khoản mạng xã hội của Li bị tạm khóa.
"Cô ấy tuyên bố là người rộng lượng và đã tha thứ cho tiếp viên hàng không nhưng vẫn tiếp tục đăng vụ việc lên mạng. Ngành công nghiệp dịch vụ đúng là không dễ dàng", một người bình luận về sự việc.
Một người khác viết: "Người tiếp viên hàng không chắc chắn không biết cách xưng hô với cô ấy và đó là lý do họ không gọi cụ thể. Chỉ cần đơn giản bảo họ rằng mình muốn được gọi là 'cô' hoặc 'anh' là được mà. Blogger này nhạy cảm quá mức".
"Hành động này chỉ là muốn tìm kiếm sự chú ý thôi. Miễn là cô ấy có thể nổi tiếng, dù tốt hay xấu, điều đó không quan trọng", một người nhận xét.
Năm 1997, Trung Quốc chính thức loại bỏ đồng tính luyến ái khỏi các hành vi vi phạm pháp luật. Năm 2001, đồng giới được xóa khỏi danh sách những chứng rối loạn tâm thần. Cộng đồng LGBTQ ở Trung Quốc được ước tính hiện có hơn 70 triệu người.
Theo một nghiên cứu năm 2012 do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc công bố, ước tính khoảng 0,3% toàn bộ dân số của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là người chuyển giới. Nếu tỷ lệ đó được áp dụng cho Trung Quốc, quốc gia này sẽ có tới 4,2 triệu người chuyển giới trong số 1,4 tỷ công dân.
Còn phân tích năm 2021 của Viện Williams tại Trường Luật UCLA (Mỹ) cho thấy khoảng 14% trong số hơn 1.000 người Trung Quốc được hỏi có người quen là người chuyển giới, theo NBC News.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.