Trong 1.000 người đang xếp hàng chờ đợi giác mạc để ghép, anh Nguyễn Văn Bình (42 tuổi, đang điều trị tại khoa Kết giác mạc, Bệnh viện mắt Trung ương) và bà Trần Thị Hạnh (73 tuổi) là hai người may mắn mới được ghép giác mạc từ giác mạc hiến tặng từ một người hiến tặng vừa qua đời
Cuộc đời sang trang mới
10 năm trước, Bình là kỹ sư điện lạnh tại một công ty lớn. Bỗng nhiên, mắt của anh bị nhòe và không nhìn rõ trong khi công việc yêu cầu cần phải chính xác tới từng chi tiết nhỏ. Điều này khiến công việc của anh bị ảnh hưởng rất lớn.
Tới khám tại Bệnh viện Mắt Trung ương, anh Bình được chẩn đoán loạn dưỡng, mắt sẽ mất dần thị lực theo thời gian. Nếu không được ghép giác mạc thay thế, Bình sẽ phải sống chung với bóng tối suốt đời.
Dù đã dùng mọi loại kính để tăng cường thị lực, đôi mắt anh Bình vẫn mờ dần theo năm tháng. Hai năm trở lại đây, anh không thể làm tiếp công việc để giúp đỡ cho vợ và hai con nhỏ.
Người đàn ông này đã chuẩn bị sẵn tinh thần cho tương lai mù lòa phía trước bởi tìm được nguồn giác mạc để ghép đối với anh dường như vô vọng.
Một ngày cuối tháng 2 vừa qua, tin vui đến với anh Bình và gia đình khi được bác sĩ thông báo có giác mạc để ghép. Đối với anh, đây là một giấc mơ.
“Tôi thấy mình rất may mắn, như được sinh ra một lần nữa. Từ nay, tôi có thể tiếp tục các dự định đang dang dở, kiếm tiền nuôi vợ và hai con. Tôi xin gửi lời cảm ơn đến người đã hiến tặng giác mạc để tôi có thể có lại ánh sáng một lần nữa”, anh Bình xúc động nói.
Sau ca phẫu thuật, hiện tại mắt trái được ghép của anh nhìn thấy rất sáng, hình ảnh chỉ hơi nhòe. Người đàn ông này dự định khi sức khỏe ổn định sẽ tìm đến người đã hiến tặng giác mạc cho mình. “Tôi muốn thắp cho người cho tôi ánh sáng một nén nhang và cảm ơn gia đình họ. Họ đã cho tôi một món quà vô giá”, anh bày tỏ.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương. Ảnh: HQ. |
Cùng nhận giác mạc từ một người hiến tặng với anh Bình là bà Trần Thị Hạnh bị mắc căn bệnh sẹo giác mạc từ khi còn trẻ. Thị lực mờ dần đến năm 60 tuổi, bà bị mù hoàn toàn. Bà sống dựa vào người chồng và các con. Chính vì vậy, ca ghép giác mạc mới đây đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời bà. Bởi trong suốt 12 năm qua, bà không còn được nhìn thấy những người thân của mình.
Khi đôi mắt có thể nhìn trở lại, điều đơn giản người phụ nữ này muốn làm là chăm sóc lại cho chồng và các con, cháu. Đó là điều mà bà không thể làm khi chỉ thấy một màu đen kịt trước mắt.
Bà Hạnh cũng cho biết thêm: “Tôi may mắn nhận được giác mạc thì sau này cũng sẽ nghĩ hiến tặng lại cho một người khác nếu mình qua đời”.
Hàng nghìn người khát khao được ghép giác mạc
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương, người đã trực tiếp lấy giác mạc từ người hiến để ghép cho hai bệnh nhân trên, cho biết giác mạc là lớp màng trong suốt nằm ngoài cùng nhãn cầu, phía trước tròng đen, giúp cho ánh sáng đi qua và hội tụ ở đáy mắt giúp chúng ta có thể nhìn thấy mọi vật.
Giác mạc có thể thu nhận khi người hiến tặng đã qua đời, trong khoảng từ 6-8 tiếng sau khi dừng thở. Lúc đó, các kỹ thuật viên chỉ bóc tách lớp màng mỏng từ người hiến.
Bất cứ ai cũng có thể hiến tặng được giác mạc sau khi qua đời, không phụ thuộc vào tuổi tác, giới tính. Đó là người có thị lực kém, có tật khúc xạ, đã từng phẫu thuật về mắt hay mắc bệnh như ung thư, đái tháo đường. Đặc biệt, người được ghép giác mạc cũng có thể hiến tặng lại khi qua đời.
Hiện nước ta có khoảng hơn 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc. Mỗi năm, số người mù do bệnh giác mạc lại tăng thêm 15.000 người. Nguyên nhân là viêm loét, bỏng giác mạc, giác mạc hình chóp, chấn thương mắt, loạn dưỡng di truyền, những biến chứng sau phẫu thuật mắt.
Ngân hàng Mắt, Bệnh viện mắt Trung ương đang lưu giữ khoảng 40.000 phiếu đăng ký hiến giác mạc trên khắp cả nước. Từ tháng 4/2007 đến nay ngân hàng đã tiếp nhận được 422 ca hiến giác mạc trong nước. Nơi đây có thể cung cấp khoảng 200 giác mạc cho các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho các bệnh nhân không may bị mù lòa do các bệnh lý giác mạc gây ra.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.