David Huỳnh sinh ra và lớn lên tại Toronto, Canada, hiện là chủ nhà hàng Civil Liberties ở thành phố này. Từ nhỏ, qua những bữa ăn hàng ngày cùng cha mẹ, anh đã quen với các món ăn Việt Nam. Tuy nhiên, anh vẫn muốn tìm hiểu thêm về nền ẩm thực quê nhà. Câu chuyện của anh được đăng tải trên tờ BBC.
Với mong muốn mở cửa hàng phở ăn nhanh tại đất nước lá phong, hành trình đầu tiên trở về Việt Nam của Huỳnh bắt đầu. Trong một tháng, anh đi từ miền Bắc đến miền Nam và qua các tỉnh miền Trung để tìm bát phở lý tưởng.
Chặng dừng chân đầu tiên của David Huỳnh là Hà Nội, nơi khai sinh món phở vào đầu thế kỷ 20.
Xét về lịch sử, phở bò xuất hiện trước phở gà. Ảnh: Alamy. |
Phở là một trong những món ăn nổi tiếng của Việt Nam được ưa thích trên khắp thế giới. Ở dạng đơn giản nhất, món ăn này gồm nước dùng thơm ngon đổ lên các sợi bánh tươi làm bằng gạo. Phía trên, người ta rắc thêm hành lá, rau và thịt.
Mỗi vùng miền lại có cách chế biến phở riêng, tùy theo khẩu vị. Thịt dùng làm phở thường là bò hoặc gà. Phở bò có trước. Năm 1939, khi chính phủ ngăn người dân giết bò bằng cách cấm bán thịt bò vào các ngày thứ hai và thứ sáu, phở gà xuất hiện.
Những bát phở Hà Nội
6h, David Huỳnh bước ra khỏi xe bus giường nằm và đến một quán bình dân chuyên bán phở bò ở phố Lý Quốc Sư, Hà Nội. "Bát phở làm chúng tôi tỉnh người. Tôi về Việt Nam từ sớm tinh mơ", Huỳnh chia sẻ.
Nhận xét về món ăn, anh cho biết tỷ lệ thịt và bánh khá hoàn hảo. Tỷ lệ nước dùng và bánh là 2:1. Trong bát, ngoài thịt bò, người ta cho thêm ít hành lá và rau mùi. Nước dùng đơn giản nhưng đậm đà. Những gia vị đi kèm như chanh, ớt và hành muối có sẵn trên bàn.
Phở là món ăn đường phố không đắt đỏ và phù hợp với mọi người. Ảnh: Getty. |
Cũng theo BBC, sự đơn giản của phở miền Bắc bắt nguồn từ những ngày thực phẩm còn khan hiếm. Do vậy, người ta chỉ bán những bát phở ít thịt với nước dùng nhạt nhẽo, bánh phở làm bằng gạo mốc.
Tuy nhiên, theo cuốn Into the Vietnamese Kitchen (tạm dịch: Vào bếp người Việt), để giữ khách, một số quán bí mật bán bánh phở ngon cho khách quen. Những quán không có bánh phở ngon thì mời chào quẩy ăn kèm.
Sau cải cách kinh tế trong những năm 1980, chất lượng bát phở được cải thiện. Song, người dân vẫn giữ thói quen ăn quẩy cùng phở.
Sau khi thưởng thức phở Lý Quốc Sư, chàng trai gốc Việt đã tìm hiểu thêm món ăn này tại một nhà hàng khác ở phố Mã Mây, dưới tay nghề một đầu bếp Pháp. "Nước dùng ở đây đậm và gia vị tốt hơn. Tuy nhiên, tôi vẫn mê mẩn bát phở cổ điển ở phố Lý Quốc Sư. Đối với một bát phở ngon, nước dùng là then chốt của sự thành công. Muốn làm nước dùng, đầu bếp phải rất kiên nhẫn", anh nói.
Nước phở phong cách Bắc nêm gia vị rất cầu kỳ. Ảnh: Getty. |
Nước phở phong cách Bắc
Đồng tình với quan điểm, Nguyễn Văn Khu, đầu bếp ở Hà Nội với kinh nghiệm hơn 10 năm, cho biết: "Đun nước dùng lâu là bước quan trọng nhất trong quá trình làm phở. Trong khi phở gà chỉ cần đun xương gà lăn tăn 3-4 tiếng, phở bò cần thời gian gấp đôi".
Xương dùng để ninh với nước có thể gồm vó bò, sườn bò và khớp xương. Theo anh Khu, nguyên nhân bắt nguồn từ thói quen ăn uống của người Pháp ở đầu thế kỷ 20. Ngoài hầm xương, nước dùng còn cần đến sự kết hợp phức tạp giữa các gia vị gồm hoa hồi, quế, hạt tiêu rang, rễ rau mùi, sá sùng, hành, hẹ và gừng.
"Phở là món ăn đường phố không đắt đỏ. Những người thích phở đầu tiên chắc hẳn là những người làm việc trên thuyền buôn ngược xuôi sông Hồng", anh chia sẻ.
Phở là hiện thân của lịch sử hiện đại, là tinh thần kiên cường và bất khuất của Việt Nam. Ảnh: Getty. |
Niềm ưa thích nhanh chóng lan từ Hà Nội đến TP.HCM. Tại đây, người miền Nam tiếp thu và biến tấu món ăn theo phong cách hiện đại hơn.
"Người Hà Nội thích nước dùng trong, không mỡ. Khi ăn, họ rắc hành lá, húng quế và rau mùi. Một số người cho thêm ớt, dấm tỏi và nước cốt chanh. Nhưng ở TP.HCM, nước dùng sánh và mỡ hơn. Người ta ăn phở kèm giá đỗ, húng ngọt, bạc hà, nước sốt chua ngọt và tương ớt. Đặc biệt, đầu bếp cho thêm khá nhiều đường vào nước dùng", đầu bếp Hà thành chia sẻ.
Bát phở miền Nam
Tại TP.HCM, David Huỳnh học thêm một lớp làm phở ở phố Lý Tự Trọng. Phở miền Nam khác biệt rất lớn với phở miền Bắc và tương đối giống phở bán ở vùng Bắc Mỹ.
"Gia vị miền Bắc nhẹ và chú ý đến sự tinh tế hơn. Với người không sành về vị, họ có thể nhận xét nước dùng miền Bắc nhạt", Huỳnh nói.
Trong hành trình, Huỳnh cũng đến Hội An. Ảnh: Getty. |
Cuối chuyến đi, Huỳnh thấu hiểu hơn triết lý ẩm thực Hà Nội. Anh ưa thích quan điểm cổ điển và đơn giản cũng như trân trọng lịch sử hình thành nên phương pháp nấu nướng miền Bắc.
"Về phở, đúng là phở miền Bắc ngon hơn, dù tôi gốc miền Nam và quen với kiểu ăn của người miền Nam", anh nói.
Trong hành trình hồi hương, người đàn ông này cũng đến phố cổ Hội An, thành phố ven biển miền Trung. Bát phở tại đây có nước dùng ngọt của miền Nam và rắc thêm lạc rang.
Dựa trên những trải nghiệm, Huỳnh quyết định sử dụng phương pháp nấu phở của miền Bắc khi xây dựng thực đơn cho dự án mới của mình.