Nọc hổ mang chúa có độc tính cao nhất trong các loại rắn trên cạn. Trong vòng 16 năm qua, khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), điều trị cho 8 trường hợp bị rắn hổ mang cắn. Tuy nhiên, chỉ 2 người trong số này có thể giữ được mạng sống và hồi phục sức khỏe. Ông Phan Văn Tâm (38 tuổi, ngụ Tây Ninh) là người may mắn thứ 2.
Dùng 20 lọ huyết thanh kháng nọc độc
TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết sau 23 ngày điều trị, người đàn ông từng đem rắn hổ mang chúa vào phòng cấp cứu đã vượt qua nguy hiểm. Ông có thể trở về cuộc sống bình thường sau thời gian cắt lọc, tạo hình vết thương bị hoại tử.
Trước đó, ngày 19/8, các bác sĩ khoa Bệnh Nhiệt đới bất ngờ chứng kiến người đàn ông tay không ôm con rắn hổ mang chúa nặng hơn 5 kg. Bệnh nhân vật vã, đau đớn khi con rắn xiết chặt cánh tay phải của ông.
TS Hùng cho biết đây là trường hợp cấp cứu tối khẩn, bệnh nhân được bỏ qua hết tất cả khâu từ xét nghiệm, làm hồ sơ và đưa thẳng đến đơn vị Chống độc để truyền huyết thanh. Ngay lúc này, người đàn ông rơi vào tình trạng suy hô hấp, lơ mơ, phải thở máy. Sau 12 giờ, bệnh nhân cai được máy thở, tỉnh táo, tiếp xúc tốt.
Người đàn ông nhập viện với con rắn hổ mang chúa trên tay. Ảnh: BVCC. |
"Kinh nghiệm của chúng tôi là người đàn ông này sẽ gặp biến chứng nguy hiểm hơn, không thể dễ dàng vượt qua như thế. Do đó, tôi bố trí nhân viên ngày đêm theo dõi từng nhịp tim của người bệnh. Đúng như dự đoán, sau 2 giờ cai máy thở, bệnh nhân có dấu hiệu viêm cơ tim", TS Hùng nói.
BSCKII Kiều Ngọc Dũng, khoa Điều trị rối loạn nhịp, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết độc tố rắn hổ mang đã xâm lấn và tấn công cơ tim người bệnh, gây nên tình trạng tổn thương cơ tim cấp. Người đàn ông này bị rối loạn nhịp phức tạp, việc điều trị bằng thuốc đơn thuần không đáp ứng.
"Xác định bệnh nhân cần được đặt máy tạo nhịp khẩn cấp. Tuy nhiên, trên đường vận chuyển xuống phòng phẫu thuật, người đàn ông này chắc chắn không tránh khỏi diễn biến nguy hiểm tính mạng. Do đó, chúng tôi quyết định mang dụng cụ chuyên dụng, đặt máy tạo nhịp cho bệnh nhân ngay tại giường", bác sĩ Dũng nói.
Sau 2 giờ đặt máy tạo nhịp, ông Tâm bắt đầu mệt mỏi, tri giác lơ mơ trở lại. TS Hùng lập tức liên hệ các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu (ICU). Phòng trường hợp bệnh nhân diễn biến nguy kịch, ông Tâm được chuyển xuống ICU để có thể can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo) kịp thời. Đơn vị này hiện còn máy ECMO cuối cùng.
"Để giúp bệnh nhân vượt qua giai đoạn đầu, chúng tôi đã sử dụng 20 lọ huyết thanh kháng độc tố rắn hổ mang chúa. Hiện kho thuốc của chúng tôi cạn nguồn huyết thanh này. Khoa Dược đang khẩn trương nhập thêm để dự phòng. Gần như trắng đêm lọc máu, truyền huyết thanh, có lúc chúng tôi tưởng bệnh nhân không qua khỏi. Tuy nhiên, sự tập trung của y bác sĩ đã đưa bệnh nhân thoát khỏi những biến chứng nặng nề", TS Hùng nói.
Người thứ 2 sống sót
Bác sĩ Nguyễn Lý Minh Duy cho biết sau khi chuyển đến khoa Hồi sức cấp cứu, ông Tâm rơi vào tình trạng nguy kịch, tri giác lơ mơ, nhiễm trùng huyết tăng dần, bạch cầu giảm.
Trong đêm, các bác sĩ nhiều lần cắt lọc, xử lý tổn thương do vết loét lan rộng và lọc máu liên tục cho người bệnh. Sau một ngày được can thiệp kết hợp kháng sinh liều cao, bạch cầu của bệnh nhân cải thiện.
Do ca bệnh phức tạp, khoa ICU mời các bác sĩ chuyên khoa nọc rắn, chỉnh hình ngoại niệu phối hợp điều trị cho ông Tâm.
"Nhìn bệnh nhân đau đớn với các vết loét, từng thớt thịt tím đen, nổi bóng nước, chúng tôi xót xa vô cùng. Lúc tỉnh táo, bệnh nhân xin lỗi chúng tôi nếu có hành động quá đáng với y bác sĩ. Chúng tôi hiểu bệnh nhân chịu tác động bởi độc tố nên có hành động vùng vẫy, tinh thần bị ảnh hưởng. Chính bệnh nhân cũng rơi vào bế tắc, chúng tôi phải nhiều lần trấn an ông", bác sĩ Duy kể.
Bác sĩ Nguyễn Lý Minh Duy là người trực tiếp điều trị cho ông Tâm tại khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: B.Huệ. |
Theo TS.BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phỏng - Tạo Hình, Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân bị hoại tử khoảng 5%. Người đàn ông này đã trải qua nhiều lần cắt lọc các phần mô bị hoại tử. Các mô hoại tử ở phần bụng và đùi phải của người đàn ông này đã lành. Thời gian tới, các vết sẹo ở khớp háng có thể khiến bệnh nhân gặp khó khăn khi vận động.
TS Lê Quốc Hùng cho biết mỗi năm, đơn vị Chống độc tiếp nhận khoảng 800-1.000 ca rắn cắn. Trong đó, 8 trường hợp bị rắn hổ mang chúa cắn chuyển đến được bệnh viện. Trong 16 năm từ khi thành lập đơn vị Chống độc, chỉ 2 người trong số này giữ được mạng sống.
Lý giải điều này, TS Hùng cho biết rắn hổ mang chúa sinh sống ở vùng hẻo lánh, ít có cơ hội tiếp cận con người. Nhiều cơ sở y tế không có sẵn huyết thanh. Ngoài ra, khi bị rắn cắn, nọc của chúng gây nhiễm độc thần kinh, nạn nhân thường tử vong trước khi đến bệnh viện.
Nhiều trường hợp bệnh nhân được cấp cứu kịp thời, dùng huyết thanh, thở máy nhưng vẫn tử vong do nhiều biến chứng nặng nề khác.
"Ông Tâm là người may mắn", TS Hùng nói.
Ông Phan Văn Tâm là người thứ 2 sống sót do rắn hổ mang chúa cắn trong vòng 16 năm qua tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: BVCC. |
Thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết tổng chi phí điều trị cho bệnh nhân này là 482 triệu đồng. Trong thời gian bệnh nhân nằm viện, các nhà hảo tâm đã liên hệ giúp đỡ, ủng hộ số tiền khoảng một tỷ đồng. Gia đình này cũng được tặng 2 bảo hiểm y tế.
"Nếu không có sự giúp đỡ này, bệnh nhân và gia đình sẽ trải qua giai đoạn rất khó khăn. Điều đặc biệt khiến tôi xúc động là sau khi thoát cửa tử, hai vợ chồng ông Tâm đã đến phòng Công tác xã hội để tặng lại 80 triệu đồng cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn", ông Hiển nói.
Trước đó, khi đang làm thuê trong vườn cà phê, ông Tâm phát hiện con rắn hổ mang chúa đen, dài nên đuổi theo để bắt. Bất ngờ, con vật quay lại cắn vào đùi phải của ông. Người đàn ông chụp được đầu con rắn, tự garo vết thương, chạy ra đường nhờ người đưa đến bệnh viện.
Nạn nhân vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh, trên tay cầm theo con rắn. Bác sĩ Nguyễn Thái Bình, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh, cho biết người đàn ông nhập viện trong tình trạng tỉnh, thở đều, chân phải tím tái, chảy máu. Các bác sĩ xử lý băng ép đùi phải đến gối, tháo garo, rửa vết thương.
Tuy nhiên, sau đó, ông Tâm gồng người, tím tái, thở gấp. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị suy hô hấp do rắn hổ mang chúa cắn nên chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng thở máy. Trên tay ông, con rắn hổ mang chúa vẫn còn quấn chặt.