Hành trình khám phá Tây Nam Bộ - miền đất trữ tình cực Nam Tổ quốc
Thứ sáu, 27/7/2018 15:10 (GMT+7)
15:10 27/7/2018
Ai đã đặt chân đến miền Tây đều yêu say đắm những làng quê vùng sông nước thanh bình cùng nét mộc mạc, chất phác rất riêng của người dân Tây Nam Bộ.
Cồn Thới Sơn (cồn Lân) -
Tiền Giang:
Điểm đến đầu tiên trong hành trình khám phá của tôi là cồn lớn nhất trong số 4 cồn trên sông Mỹ Tho - một đoạn của sông Tiền. Nơi đây có diện tích khoảng 1.200 ha. Dân cư ở cồn Lân sống chủ yếu bằng nghề trồng cây ăn quả, nhiều nhất là nhãn và Sapôchê; nuôi ong; đánh bắt và nuôi thủy sản.
Chợ nổi Cái Răng - Cần Thơ: Nét độc đáo và đặc điểm chính của chợ nổi Cái Răng là chuyên buôn bán các loại trái cây, đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Muốn hòa mình vào phiên chợ trên sông này nên đi từ 5h-8h là thích hợp nhất vì chợ thường họp khá sớm.
Chùa Sro Luon - Sóc Trăng: Một điểm dừng chân mình yêu thích tại Sóc Trăng là chùa Kiểu Chén (tiếng Khmer: Wath Sro Loun) là một ngôi chùa cổ thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer. Điểm độc đáo của ngôi chùa là tường được trang trí từ những mảnh chén, đĩa sứ.
Chùa Vĩnh Tràng - Mỹ Tho: Ngôi chùa nổi tiếng ở Nam Bộ này do ông Bùi Công Đạt bắt đầu xây dựng từ đầu thế kỷ 19. Năm 1849, Hòa thượng Thích Huệ Đăng ở chùa Giác Lâm (Gia Định) về trụ trì đã tổ chức xây dựng thành ngôi đại tự và đặt tên là chùa Vĩnh Trường với ngụ ý ước cho chùa được "Vĩnh cửu đối sơn hà, trường tồn tề thiên địa". Người dân đến nay vẫn quen gọi là chùa Vĩnh Tràng. Ngôi chùa được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Chùa lá sen - Đồng Tháp: Theo mình biết, loài sen này xuất hiện trong ao của nhà chùa từ năm 1992 và tồn tại cho đến bây giờ. Không ai biết tên gọi chính xác của chúng nên người ta thường gọi bằng nhiều tên khác nhau. Có người gọi là sen vua, có khi gọi là súng nia, cây nong tầm… Loại sen lạ có nguồn gốc từ vùng Amazon, tên khoa học là Victoria regia. Sen lá to, dày và có nhiều gai. Chính đặc điểm này giúp cho cây thích ứng với môi trường sống, tránh sự tấn công của các loài động vật dưới nước.
Chùa Âng - Trà Vinh: Trà Vinh là điểm dừng chân tiếp theo trong chuyến hành trình của mình. Nơi đây có rất nhiều di tích chùa cổ. Chùa Âng (tên Khmer là Angkorajaborey) là một ngôi chùa cổ trong hệ thống 141 chùa Khmer của tỉnh Trà Vinh.
Thiền viện trúc lâm Phương Nam - Cần Thơ: Thiền viện trúc lâm Phương Nam tọa lạc tại khu di tích lịch sử Lộ Vòng Cung, ấp Mỹ Nhơn, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, cách trung tâm TP Cần Thơ khoảng 15 km. Với diện tích rộng lớn, thiền viện là ngôi chùa rộng nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Chùa Ông - Cần Thơ: Cần Thơ có một di tích lịch sử văn hóa tuổi đời hơn trăm năm, được nhiều thế hệ giữ gìn trọn vẹn đến nay, là một phần tâm hồn và di sản của người Tây Đô. Đó là miếu thờ Quan Đế, nằm đối diện bến Ninh Kiều mà dân gian vẫn quen gọi bằng tên thân thuộc chùa Ông.
Bến Ninh Kiều - Cần Thơ: Bến Ninh Kiều được biết đến là địa danh du lịch, văn hóa của thành phố Cần Thơ. Ngày nay, nơi đây được gọi là công viên Ninh Kiều. Bến Ninh Kiều tọa lạc ở bờ phải sông Hậu, nằm giữa ngã ba sông Hậu và sông Cần Thơ tiếp giáp với đường Hai Bà Trưng, phường Tân An, quận Ninh Kiều thuộc thành phố Cần Thơ.
Cánh đồng gió Bạc Liêu - Bạc Liêu: là một nhà máy sản xuất điện gió nổi tiếng bậc nhất Việt Nam, được xây dựng từ năm 2010. Khu vực cánh đồng điện gió Bạc Liêu có tổng cộng 62 quạt gió. Mỗi cột turbine cao 80 m, đường kính 4 m, nặng trên 200 tấn và được làm từ thép không gỉ. Nhìn xa, những cánh quạt trông nhỏ là vậy nhưng có chiều dài tới 42 m và được làm bằng nhựa đặc biệt.
Cao Văn Lầu - Bạc Liêu: hay còn được gọi là Sáu Lầu - nhạc sĩ và tác giả bài Dạ cổ hoài lang. Bản nhạc cổ do ông sáng tác nói về tâm sự người vợ nhớ chồng lúc về đêm. Từ bản Dạ cổ hoài lang mỗi câu 2 nhịp, các nghệ sĩ sau này chuyển lên 4 nhịp rồi 8 nhịp và thành bài vọng cổ đầu tiên.
Cù lao An Bình - Vĩnh Long: Cù Lao An Bình nổi tiếng nằm giữa sông Tiền và sông Cổ Chiên, đối diện với thành phố Vĩnh Long, được xem là vựa trái cây lớn của miền Tây Nam Bộ. Cù lao An Bình có rất nhiều miệt vườn cho du khách tham quan và thưởng thức trái cây tại chỗ. Sầu riêng cũng là một lựa chọn không thể thiếu khi đến đây với 3 giống sầu ngon được nhiều du khách ưa thích: Sầu riêng cơm vàng hạt lép Ri 6, sầu riêng Monthong (Dona) giống Thái, sầu riêng chuồng bò.
Cột mốc cực Nam - Cà Mau: Mũi Cà Mau là điểm cực Nam trên đất liền của Việt Nam. Từ trung tâm thành phố Cà Mau, mình đã di chuyển gần 110 km để đến "check-in" với điểm tận cùng của Tổ quốc.
Sông Tiền, sông Hậu - Vĩnh Long: Sông Hậu và sông Tiền là 2 phân lưu của dòng sông vĩ đại Mekong khi chảy vào nước ta. Hai dòng sông gắn liền với đời sống người dân miền Tây đã đi vào ca dao: "Sông Tiền, sông Hậu cùng nguồn/Thuyền bè tấp nập bán buôn dập dìu".
Đồng bằng sông Mekong: Từ cửa sổ máy bay, đồng bằng sông Mekong hiện lên với dáng hình hùng vĩ. Chuyến hành trình khép lại trong niềm vui và những trải nghiệm thú vị. Mình chỉ tiếc chưa có đủ thời gian để khám phá thêm nhiều địa điểm, món ăn, phong tục, văn hóa của người dân Tây Nam Bộ.
Mai Châu (Hòa Bình) bình yên và tĩnh lặng là nơi khiến bạn muốn trốn khỏi đô thị ồn ào và hòa mình vào thiên nhiên, tận hưởng phút giây thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng.