Khán giả dễ dàng chấp nhận, thậm chí thích thú với những sản phẩm được quảng cáo trong phim truyền hình nước bạn nhưng lại phản đối hành động tương tự trong phim Việt.
Thông qua phản ứng có phần tiêu cực trong thời gian qua của khán giả Việt có thể thấy kiếm tiền tỷ nhờ phim ảnh không phải việc đơn giản.
Ngay cả cường quốc phim truyền hình và quảng cáo qua phim ảnh là Hàn Quốc cũng phải trải qua nhiều năm mới có thể thành thục và tinh vi.
Khán giả dễ dàng bỏ qua những phần quảng cáo lộ liễu trong phim Hàn nhưng lại khắt khe với phim Việt. |
Hàn Quốc cũng từng bao cấp cho phim truyền hình
NSƯT - đạo diễn Trần Lực từng tiết lộ trong một cuộc trò chuyện cùng Zing.vn rằng Việt Nam đã ngừng "bao cấp" cho các đơn vị sản xuất phim. Anh khẳng định đã từ lâu phim truyền hình phải bán được quảng cáo nếu không rất khó được phát sóng vào khung giờ đẹp.
"Không chỉ chúng tôi là những người làm phim bên ngoài mà ngay cả VFC cũng như vậy. Phim truyền hình hiện nay phải có doanh thu từ quảng cáo", đạo diễn Trần Lực nhấn mạnh.
Người Hàn Quốc có cụm từ "Kỳ tích sông Hàn" để chỉ sự tăng trưởng kinh tế thần tốc và khiến cả thế giới kinh ngạc của Hàn Quốc sau Thế chiến thứ 2. Thực tế, sự gượng dậy nhanh đến thần kỳ trên có sự góp sức không nhỏ của ngành công nghiệp không khói - ngành công nghiệp giải trí.
Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, do sức mạnh của dòng phim tâm lý xã hội do Hong Kong sản xuất, ngành điện ảnh xứ kim chi đã có những ngày tháng ảm đảm và không thu hút được ngay cả khán giả trong nước. Trước tình hình trên, chính phủ Hàn Quốc đã bắt tay thực hiện chính sách cải tổ điện ảnh toàn diện.
Chiến lược “xuất khẩu văn hóa” được chính phủ Hàn Quốc đặt ra và dồn sức đầu tư, phát triển. Trong số đó, tiêu biểu nhất là kế hoạch “Korea Plaza” do Bộ trưởng Văn hóa và Du lịch Chung Dong Chae trình lên Tổng thống Roh Moo Hyun.
Bộ trưởng Chung vốn xuất thân là một người làm điện ảnh, đã đệ trình một kế hoạch lấy ngành công nghiệp phim ảnh làm mũi nhọn then chốt trong chuỗi kế hoạch quảng bá “con rồng châu Á” Hàn Quốc với các thị trường lân cận.
Những nữ diễn viên của loạt phim truyền hình Hàn những năm 1990 là lứa "mũi nhọn kinh tế" hướng đến khu vực láng giềng đầu tiên. |
Trong bản kế hoạch cũng đề cập đến việc sử dụng "quyền lực mềm" trong phim ảnh để đẩy mạnh kinh tế và công nghiệp sản phẩm tiêu dùng. Có thể nói, người Hàn đã lên kế hoạch cẩn thận để từ "xuất khẩu văn hóa" tiến tới đẩy mạnh "xuất khẩu kinh tế kèm theo văn hóa".
Dựa theo kế hoạch trên, những bộ phim truyền hình từng làm mưa làm gió trên màn ảnh nhỏ khắp châu Á phần lớn đều là quà tặng miễn phí từ chính phủ Hàn. Bằng cách gửi phim đến đài truyền hình quốc gia của các nước láng giềng, Hàn Quốc bắt đầu tung ra các "cuộc tấn công kinh tế và văn hóa" vô hình và tinh tế.
Những "cuộc tấn công" này ban đầu không quá rầm rộ nhưng sau cùng để lại sức ảnh hưởng lâu dài đến khó tin. Sự ảnh hưởng này có phần công lao không nhỏ của những "miếng" quảng cáo khéo léo ẩn mình trong phim truyền hình giải trí.
Cuộc "xâm lược" ngọt ngào
Chính phủ Hàn Quốc từng hỗ trợ, gửi tới Hollywood 300 nhân tài nhằm học hỏi các "ngón nghề" của kinh đô điện ảnh. Sau khi trở về, số nhân lực này xác định rõ những việc cần làm ở giai đoạn trở mình, hướng tới trở thành cường quốc của công nghiệp phim ảnh trong nước.
Các nhà sản xuất phim Hàn Quốc luôn xác định mục tiêu chính là làm phim giải trí và tìm cách gây ảnh hưởng đến văn hóa và kinh tế của các nước lân cận, đặc biệt là châu Á. Một trong những cách gây ảnh hưởng cả về văn hóa và kinh tế nhanh nhất là thông qua PPL, đặc biệt là kể từ khi bước sang thế kỷ 21.
PPL (Product Placement- đặt sản phẩm trong phim) là hình thức quảng cáo mà sản phẩm, logo của nhãn hàng được sắp xếp để xuất hiện trong các thước phim trên màn ảnh. PPL được Hàn Quốc hợp pháp hóa từ năm 2010 nhưng đã manh nha xuất hiện từ giai đoạn thập niên 1990.
Vào cuối thập niên 1990, một khái niệm thời trang khá nổi bật và trở thành khái niệm truyền miệng là “môi thâm Hàn Quốc”. Thuở ấy, các nữ diễn viên trẻ đẹp của xứ kim chi thi nhau “diện” màu son môi trầm, thẫm trên tất cả các khung hình của các bộ phim.
Có một sự thật không ai có thể chối bỏ rằng khán giả châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng chịu nhiều ảnh hưởng từ những bộ phim truyền hình Hàn Quốc.
Khởi đầu từ những chi tiết nhỏ như son môi hay kiểu tóc tiến dần tới các loại mỹ phẩm, điện thoại, xe hơi, mỹ phẩm, ứng dụng điện thoại... đều có thể gây chú ý và được khán giả Việt "săn lùng" nếu như xuất hiện trong một tác phẩm ăn khách.
Bắt đầu từ mỹ phẩm, xe hơi, điện thoại, đồ dùng, thực phẩm... đều có thể xuất hiện trên màn ảnh bằng bản hợp đồng quảng cáo. |
Kể từ 2010, khi luật về PPL được chính phủ thông qua, mật độ quảng cáo mặt hàng qua lời thoại và cảnh quay cũng trở nên dày đặc hơn.
Mỗi giai đoạn, Hàn Quốc đều tạo ra một bộ phim có tầm ảnh hưởng “khủng” và có khả năng “kích hoạt” một trào lưu sử dụng sản phẩm đến từ xứ sở kim chi.
Ai có thể cưỡng lại sức hút từ sự xinh đẹp của Go Jun Hee trong She Was Pretty hay Song Hye Kyo trong Hậu duệ mặt trời? Ai có thể từ chối khả năng có được có mái tóc mượt mà hay màu môi tươi tắn, rạng rỡ như các kiều nữ Hàn Quốc?
Nắm bắt tâm lý của người xem, các nhà biên kịch khéo léo lồng ghép những phân cảnh chỉ ra bí quyết làm đẹp của các nữ diễn viên và khiến khán giả gần như "phát cuồng" ngay lập tức.
Những đoạn quảng cáo mỹ phẩm khá "lộ" nhưng vẫn gây thiện cảm trong She Was Pretty và Hậu duệ mặt trời. |
Không phải vô tình mà trong cả She Was Pretty lẫn Hậu duệ mặt trời đều có cảnh quay cận vào thỏi son nữ chính đang dùng. Cảnh quay còn lộ liễu tới mức khán giả có thể lập tức nhận ra từ tên thương hiệu đến màu sắc và số hiệu sản phẩm đó.
Đôi khi, công chúng cũng không cảm thấy bất ngờ khi biết nữ diễn viên xuất hiện trong cảnh quay chính là người đại diện thương hiệu của nhãn hàng đó.
Nếu để ý kỹ, hầu như trong mỗi bộ phim các nhân vật đều dùng chung một nhãn hiệu điện thoại, hay loạt nhân vật đều lái cùng một thương hiệu xe. Nhĩn kỹ lại, tất cả đều là tài năng dụng ý của biên kịch khi có thể khéo léo cài cắm trong một bộ phim những đoạn quảng cáo "ngọt ngào".
Nhờ kế hoạch bài bản đã xây dựng từ những năm cuối thế kỉ 20 cùng công nghệ làm quảng cáo tinh vi, việc gián tiếp rao bán sản phẩm trong những bộ phim Hàn đã xây dựng được một thứ quyền lực mềm với sức mạnh khó tin.
Chỉ bằng phim ảnh, Hàn Quốc dần dần xâm nhập và "khuynh đảo" không chỉ phạm vi châu Á mà tiến tới cả thế giới với loạt lĩnh vực đa dạng từ ẩm thực, mỹ phẩm, thời trang đến công nghệ.
Đứng trước dòng chảy của sự phát triển chung của kinh tế thị trường, truyền hình và nhiều lĩnh vực khác đều phải quan tâm đến doanh thu, kiếm tiền để có kinh phí và tái đầu tư.
Không chỉ Hàn Quốc hay Việt Nam, phim truyền hình - điện ảnh của các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới cũng quảng cáo cho đồng hồ, bia, thời trang, điện thoại...
Lý do được đưa ra là nếu không nhận quảng cáo cho các thương hiệu sản phẩm, khó có nhà đầu tư nào "gánh được chi phí sản xuất lên tới hàng chục hay hàng trăm tỷ đồng của các sản phẩm điện ảnh, truyền hình".
Hợp tác cùng ê-kíp Hàn Quốc trong bộ phim Tuổi thanh xuân vào năm 2014 chính là thời điểm VFC nói riêng và các nhà làm phim Việt nói chung được tiếp cận, học hỏi nhiều điều mới mẻ. Đặc biệt, quá trình cộng tác khiến các nhà làm phim Việt Nam vỡ vạc được nhiều điều về công nghệ "bán" quảng cáo của các biên kịch phim Hàn.
Biên kịch Hàn Quốc luôn biết "cài cắm" sản phẩm cần quảng cáo vào kịch bản. Ảnh: Phim Tuổi thanh xuân. |
Còn mới mẻ, nhưng phim truyền hình Việt vẫn phải học cách đưa quảng cáo vào phim ảnh (hay còn gọi là PPL) duyên, không "phô", không quá đà và đi vào lòng khán giả hơn, để có thể chuyển mình, tiến xa.