HÀNH TRÌNH KỲ DIỆU CỦA VÕ SĨ 11 TUỔI MẮC UNG THƯ
Trong tời gian hóa trị, chống chọi với ung thư mô ở chân trái, Trí Dũng vẫn theo đuổi tập luyện và duy trì học tập. Em nói không sợ hãi, nhất định đánh bay căn bệnh quái ác.
Tháng 4/2020, ở tuổi 11, Trí Dũng trở thành tay đấm nhỏ tuổi nhất được nhận vào đội tuyển boxing trẻ Bình Dương. Trong khi tuổi trung bình của đội là 13-17, em được các huấn luyện viên phát hiện tài năng, đặc cách ký hợp đồng vào đội hình tập luyện chuyên nghiệp.
Tháng 7, biến cố ập tới, Dũng được chẩn đoán bị ung thư mô ở chân trái, phải nhập viện điều trị. Suốt những tháng phải hóa trị, chống chọi với ung thư, em không bỏ ngang việc học ở trường hay dừng tập luyện.
Vóc dáng cao lớn, nổi bật giữa những bạn cùng lứa trong lớp võ khiến người khác khó hình dung Dũng vẫn đang là một bệnh nhân, mới trải qua 3 đợt hóa trị cách đây ít tháng.
Phòng tập võ mang tên Trí Dũng
Mỗi buổi chiều, sau khi đi học về, Dũng đến thẳng phòng tập võ trên đường Nguyễn Tư Giản (quận Gò Vấp, TP.HCM). Phòng tập mang tên Trí Dũng được ba của em là anh Nguyễn Cường mở ra vào tháng 11/2020.
Tháng 10, khi bác sĩ chỉ định Dũng không được tập các bài nặng do ảnh hưởng từ hóa trị, ba của em viết đơn xin cho con rút khỏi đội tuyển trẻ Bình Dương. Anh Cường đã dồn hết số tiền mình có và vay mượn thêm để mở phòng dạy võ này.
Chiều tối, trong lớp võ, tiếng hô bắt nhịp, tiếng vỗ tay, âm thanh đấm, đá vào bao cát vang lên đều đều.
“Bắt đầu từ đòn số một như thế này. Nào, một! Đánh cao lên chút, ngang mặt, đừng đánh hết cỡ, vung quá trật khớp đấy. Phải thủ chắc mới đánh. Đừng nghiêng ngả, gồng quá nhanh mệt lắm”, “võ sư nhí” tỉ mỉ hướng dẫn học viên của mình.
Từng được 7 kiện tướng boxing chỉ dạy, cộng với 2 năm giúp đỡ ba ở phòng tập, Trí Dũng có kinh nghiệm đứng lớp. Anh Cường dạy con trai thêm nghiệp vụ và phương pháp sư phạm cơ bản.
Tới 19h, Dũng kết thúc lớp của mình và tự đi về nhà, anh Cường ở lại để dạy tiếp lớp người lớn.
Trên đường, em ghé vào quán mua cơm hộp cho bữa tối. Dũng tắm rửa, ăn uống rồi học bài trong lúc đợi ba về. Dũng nói không sợ dù phải ở nhà một mình. Nhiều hôm ba đi làm về muộn, em thích đi dạo cùng bạn bè cùng khu gần nhà.
Dũng kể bắt đầu đam mê võ từ năm 6 tuổi, sau lần vô tình xem được một video hướng dẫn tập Muay Thái trên điện thoại. Khi đó em không hề biết ba mình từng là một võ sĩ chuyên nghiệp.
“Lúc ấy tự dưng con thấy mê Muay lắm, ngồi cắt ống quần rồi nhét vải vụn vào, treo lên để đánh theo người ta. Thấy con ham thích, ba mới nói ba biết môn này, để ba dạy cho”, Dũng hào hứng kể lại.
Anh Cường luyện võ từ năm 1982, đến năm 1988 lên đài thi đấu. Năm 1994, khi sang Campuchia làm việc, anh bén duyên và chuyển hẳn sang luyện Muay Thái. Sau 4 năm chinh chiến khắp các sàn đài ở Campuchia, Thái Lan và Myanmar, anh bỏ đấu võ để về nước, làm đủ nghề để mưu sinh.
Từ năm 2015, vừa dạy võ cho các phòng tập, anh vừa chạy xe ôm và làm shipper khắp thành phố để kiếm thêm thu nhập. Chiếc xe máy là của một người bạn cho anh.
“Ngày đó, vừa buông lớp võ ra là tôi leo lên xe, có hôm chạy đến 2-3h sáng mới về, Dũng ở nhà một mình. Nhưng nó tự lập nên tôi không lắng. Đi học về, thằng bé thay đồ, tự ăn uống, nếu ba không về chở đi thì tự đặt xe đi xuống chỗ tập cùng với đội tuyển”.
Sau hơn 4 năm tập Muay Thái, Trí Dũng chuyển sang tập boxing. Anh Cường cũng cố gắng tìm hiểu thêm về bộ môn mới để dạy cho con.
“Nó bảo chọn boxing vì thấy VĐV Muay Thái nghèo quá. Nó lý giải với tôi rằng thấy quyền anh là môn võ kiếm được nhiều tiền nhất, nên muốn theo để kiếm tiền cho ba”, anh Cường tâm sự.
Nhận tháng lương đầu tiên ở đội tuyển trẻ Bình Dương, Dũng trích ra 4,7 triệu đồng mua chiếc xe đạp. Mỗi ngày cậu tự đạp xe đi học. Những lúc ba đi làm tối, Dũng thích đi dạo cùng bạn bè cùng khu gần nhà.
Anh Cường tự hào nhưng cũng rất thương vì sự hiểu chuyện, trưởng thành và tự lập từ trong suy nghĩ của con trai.
'Con sẽ đánh bay ung thư'
Anh Cường cho biết khối u trên đùi trái của Dũng xuất hiện từ khoảng sau Tết năm ngoái. "Ban đầu hai ba con chỉ nghĩ là dính cơ, bởi dân tập võ vẫn thường bị như vậy. Khối u dần lớn lên, cho đến một ngày Dũng cảm thấy đau nhói, không thể tập nữa, vết sưng bắt đầu mưng mủ, tôi đưa con vào viện khám".
Bản thân là võ sĩ Muay Thái, từng chinh chiến hơn 200 trận trên sàn đài khắp các nước Đông Nam Á, anh Cường nói “trong từ điển của mình vốn không có chữ sợ”. Biết tin Dũng mắc ung thư là lần đầu tiên người đàn ông 48 tuổi trải qua cảm giác chân tay rụng rời, trái tim muốn rơi khỏi lồng ngực.
“Lúc bác sĩ gọi vào hội chẩn, tôi bảo cháu ở ngoài chờ. Vừa nghe đến hai chữ ‘ung thư’, đầu gối tôi run lên. Mình sợ, nhưng thằng bé thì không. Lúc thấy ba, nó nhìn tôi rồi bảo: ‘Con biết con bị ung thư đó, nhưng con không sợ đâu, con sẽ đánh bay ung thư ra ngoài’. Đến bác sĩ còn phải nể phục thằng bé vì tinh thần ấy”, anh nhớ lại.
Giữa tháng 7, Dũng bắt đầu hóa trị. Mỗi đợt, em phải truyền 4 lọ thuốc liên tục trong 72 giờ. Vì có thể lực tốt, em được bác sĩ kê loại thuốc mạnh. Dù sắc mặt có nhợt nhạt đi, mỗi khi ba hỏi han, cậu bé 11 tuổi luôn nở nụ cười và lắc đầu, nói “không sợ, không thấy đau gì”.
Hóa trị khiến sức khỏe của Trí Dũng có phần giảm sút, yếu và mệt hơn, nhưng chưa bao giờ em kêu ca.
“Con chỉ khó chịu khi vào toa thuốc thứ 3, là loại thuốc mới, nặng hơn và có mùi hắc. Con bị nôn và sụt mất 3 kg, còn 45 kg. Nhưng về nhà ít tuần là con tập khỏe, ăn nhiều, lên cân lại và giờ đã 51 kg rồi, còn mập hơn lúc trước”, Dũng mỉm cười khi kể về những ngày điều trị. Cậu bé nói tự tin với sức khỏe của mình.
Dũng nhớ lại hai tuần sau lần hóa trị đầu tiên, tóc em rụng hết. Mỗi lần ra ngoài, Dũng buộc chiếc khăn che đầu để tránh mọi người để ý. Dù có nóng và bức bí, em nói đeo lâu dần cũng quen.
Những ngày ở viện, em nhớ nhất phòng tập. Là người ít nói nhưng tay đấm 11 tuổi tỏ ra hào hứng mỗi khi nhắc tới võ thuật. Em mỉm cười khi say sưa bàn về kỹ thuật và các lối đánh khác nhau.
“Trong thời gian hóa trị, xương đùi thằng bé rất giòn do ảnh hưởng của thuốc, phải cho uống thêm canxi để chống loãng xương, đồng thời không cho tập các bài yêu cầu di chuyển nhiều”, anh Cường nói.
Nếu ngày trước có thể đánh liên tục tới 19 phút, trong thời gian điều trị Dũng chỉ đánh vài ba phút đã thấm mệt. Em phải liên tục ngồi xuống nghỉ ngơi, lấy lại sức.
Mơ ước về căn nhà của hai ba con
Trong căn phòng trọ đơn sơ của hai ba con Dũng không có nhiều đồ đạc. Người đi học, người làm cả ngày, chỉ tối mới về đây ngủ nên anh Cường không sắm tivi, có chiếc laptop cũng đã hỏng từ lâu. Thời gian rảnh, Dũng thường giải trí bằng điện thoại. Tài sản được trân quý nhất là những bộ lamper tay, dụng cụ và đôi giày tập.
Gần cửa phòng kê chiếc bàn học nhỏ, nhưng Dũng thích nằm lăn trên chiếc đệm hay trải sách vở ra sàn nhà để ngồi học. Những lúc có ba ở nhà, nếu gặp chỗ khó hiểu, Dũng thường mang ra hỏi ngay.
Trước đây, vì lịch học, lịch làm của hai ba con không khớp, mạnh ai người nấy đi, chỉ tối muộn anh Cường về nhà mới gặp nhau. Ngày thường, hai ba con đều ăn ở ngoài. Chủ nhật được nghỉ mới cùng nấu ăn đơn giản, hoặc Dũng cùng đi chơi và gặp gỡ bạn bè của ba.
Võ sĩ nhí vui vì từ khi có phòng tập riêng, ba không còn phải chạy xe ôm xuyên đêm, hai ba con được gặp nhau thêm vài tiếng lúc ở lớp võ.
Những ngày Dũng hóa trị, anh Cường là người thân duy nhất sát cánh, chăm nom con trai. “Lông mày con cũng bắt đầu rụng rồi này, nhưng nó rụng cỡ nào cũng phải tiếp tục đánh võ. Hay con có muốn vẽ chân mày không, để ba kiếm cái bút kẻ chân mày cho nha!”, anh nói đùa để khích lệ con.
Hiện tại, sau hơn 2 tháng dừng hóa trị, tóc Dũng đã mọc lại, sức khỏe em có tiến triển tích cực. Dũng nói mong muốn lớn nhất hiện tại là khỏi bệnh để có thể theo đuổi việc tập luyện trong một đội tuyển chuyên nghiệp.
Tương lai, Dũng muốn theo học Đại học Thể dục Thể thao và trở thành VĐV chuyên nghiệp.
“Sau này con muốn kiếm được nhiều tiền. Từ nhỏ đã theo ba phiêu bạt khắp nơi, con chỉ mong xây được ngôi nhà riêng của hai ba con. Đó sẽ là căn nhà 3 tầng lầu, có vườn rộng vì ba thích nuôi chim. Còn con muốn nuôi một con chó pitbull, vì nó mạnh mẽ và ngoan cường như tính cách của con”, võ sĩ nhí bày tỏ.