Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hành trình phục hồi của cô gái mắc bệnh tâm lý

Vượt qua sự kỳ thị, nỗi sợ hãi để đối diện với những ký ức đau buồn thời thơ ấu, Zoe (Singapore) dần thoát khỏi chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý của mình.

Dần hồi phục và thoát khỏi chứng rối loạn căng thẳng phức tạp sau chấn thương tâm lý (PTSD), Zoe (không phải tên thật, Singapore) đã ghi lại hành trình của mình và mong muốn chia sẻ nó với những ai có cùng hoàn cảnh.

Theo CNA, ngày càng có nhiều người trẻ và cả những người từng thoát được khỏi vấn đề tâm lý chia sẻ câu chuyện của mình để phá vỡ sự im lặng. Tuy nhiên, sự kỳ thị đối với các vấn đề sức khỏe tâm thần vẫn là rào cản lớn khiến các bệnh nhân như Zoe khó tìm kiếm được sự giúp đỡ.

"Đó cũng là lý do tôi quyết định kể câu chuyện của mình. Tôi đã chọn ẩn danh vì muốn bảo vệ quyền riêng tư của gia đình, đồng thời có thể nói chuyện cởi mở về các vấn đề xung quanh sức khỏe tâm thần. Thực tế, quá trình trị liệu mang nhiều đau đớn hơn là niềm vui, nhưng tôi vẫn tiếp tục", Zoe nói.

tri lieu tam ly cho nguoi tre anh 1

Joe chia sẻ về quá trình trị liệu đầy đau khổ để vượt qua chứng bệnh tâm lý của mình.

Tìm đúng người

Zoe mắc chứng rối loạn căng thẳng phức tạp sau thời gian bị mẹ đánh đập suốt thời thơ ấu. Điều đó khiến cô rơi vào chứng bệnh tâm lý, gặp khó khăn trong việc hiểu và biện hộ cho các nhu cầu của mình.

Khi tìm đến nhà trị liệu tâm lý đầu tiên, Zoe thấy đó là một người phụ nữ tốt bụng và nhanh chóng dành lòng tin. Tuy nhiên, cô không thể hiểu được người hỗ trợ mình vì nhà trị liệu không dùng tiếng Anh bản ngữ.

"Sau buổi trị liệu đầu tiên, tôi ngại ngần chia sẻ với cô ấy về cảm xúc thực của mình. Chúng tôi quyết định thử trò chuyện lại vào một buổi khác. Buổi thứ hai vào tuần sau đó, tôi nhận ra rất khó để kết nối với cô ấy. Tôi tự bỏ tiền túi, khoảng 57 đôla Singapore cho một buổi. Tôi thật sự không đủ tiền để cố gắng tạo dựng mối liên hệ với người trị liệu".

tri lieu tam ly cho nguoi tre anh 2

Việc trải lòng với một bác sĩ tâm lý không phải dễ dàng.

Zoe đã phải đợi một tháng để gặp một chuyên gia tâm lý khác, nhưng sự chờ đợi là xứng đáng. Cô đã xây dựng được mối liên kết sâu sắc với vị chuyên gia thứ hai, người đã đồng hành cùng cô suốt hai năm sau đó.

Nhà tâm lý học, nhà nghiên cứu kiêm tác giả người Mỹ Michael J Lambert, nổi tiếng với công trình cải thiện kết quả trị liệu tâm lý, cho rằng mối quan hệ giữa bệnh nhân và nhà tâm lý học là rất quan trọng để liệu pháp có hiệu quả.

"Theo kinh nghiệm của tôi, điều này hoàn toàn đúng, bởi các nhà tâm lý học xử lý những ký ức đau buồn và tư vấn cho chúng ta kỹ thuật để vượt qua nó. Cách họ truyền đạt những hiểu biết của mình cũng quan trọng như những gì họ phải nói", Zoe bày tỏ.

Cô cho rằng một trong những yếu tố để đánh giá mối liên kết giữa bác sĩ tâm lý và bệnh nhân là sự thay đổi tích cực sau mỗi phiên trị liệu. Nếu chúng không hiệu quả, bệnh nhân nên đưa ra phản hồi, và nếu tình trạng kéo dài đến buổi thứ 5, bạn cần đổi người trị liệu.

"Nếu bạn phải đổi nhà trị liệu tâm lý nhiều lần, có thể nên xem lại cách tiếp cận liệu pháp của bạn".

Sự kỳ thị về người mắc bệnh tâm lý

Thực tế, có sự kỳ thị xã hội đáng kể và thông tin sai lệch xung quanh điều trị tâm thần. Zoe nhận ra điều này dựa trên sự hoài nghi ban đầu của chính cô và phản ứng của những người xung quanh, bao gồm cả bố cô.

"Bố sợ tôi sẽ nghiện thuốc chống trầm cảm cả đời. Một lo lắng phổ biến khác là liệu thuốc có làm ảnh hưởng đến chức năng, sức khỏe của người bệnh hay không".

tri lieu tam ly cho nguoi tre anh 3

Nhiều nỗi lo sợ khiến người mắc bệnh tâm lý không dám chia sẻ về vấn đề của mình.

Zoe đã có nhiều cuộc nói chuyện về thuốc với bác sĩ tâm thần của mình.

Ban đầu, cô sẵn sàng tiếp nhận thuốc sau khi thực hiện một số nghiên cứu cơ bản. Tuy nhiên, sau một thời gian, cô bị ảnh hưởng bởi nỗi sợ hãi từ cha và sự thiếu tự tin từ chính mình.

Nhiều lần, cô đã thắc mắc với bác sĩ rằng tại sao uống thuốc điều trị lại là quan trọng, và liệu đơn thuốc có phải kéo dài cả đời. Vị bác sĩ đã chia sẻ những thông tin khoa học giúp cô tự tin hơn.

"Bác sĩ đã phân biệt giữa phụ thuộc và nghiện thuốc, đồng thời giải thích rằng nhiều bệnh nhân có thể từ từ cai thuốc trong thời gian dài. Những người khác có thể phải dùng thuốc suốt đời vì não của họ nhạy cảm hơn. Có thể tạm coi nó như sự phụ thuộc của một bệnh nhân tiểu đường với việc tiêm insulin cả đời".

Trong trường hợp của Zoe, cô đang cố gắng để cai thuốc.

Cô nói rằng những điều trên không khác nhiều với những gì cô đã đọc, song được nghe nó từ bác sĩ khiến cô có phần an tâm hơn. "Điều quan trọng là tôi phải biết những gì đang xảy ra với cơ thể mình, giải thích với bố tại sao tôi cần dùng thuốc và điều gì có thể xảy ra trong tương lai".

Zoe nói rằng việc cho bác sĩ biết mình phản ứng với thuốc như thế nào cũng là điều hữu ích.

"Lời khuyên của tôi cho những người có chung hoài nghi: hãy tìm kiếm kiến ​​thức và sự xác thực mà bạn cần. Đừng ngại xóa bất kỳ nghi ngờ nào với bác sĩ tâm thần của mình và chia sẻ thành thật trải nghiệm của bạn với thuốc".

Đối diện ký ức đau buồn

Zoe đã trải qua rất nhiều phương pháp trị liệu tâm lý.

Cô bắt đầu với liệu pháp tiếp xúc, buộc người bệnh đối diện với nỗi sợ của mình. Tuy nhiên, ban đầu cô rất bối rối vì những buổi trị liệu đều khiến cô cảm thấy đau khổ.

tri lieu tam ly cho nguoi tre anh 4

Đối diện với những ký ức đau buồn là một cách giúp người bệnh hồi phục.

"Mỗi buổi trị liệu đều thật đáng sợ và tôi không muốn kể lại ký ức đau buồn. Tôi cảm thấy mình đang lãng phí tiền và không muốn tiếp tục. Tuy nhiên, tôi cũng biết nếu muốn tốt lên, phải hợp tác với bác sĩ điều trị của mình".

Cô giải thích cơ chế phía sau liệu pháp tiếp xúc là phá vỡ sự tránh né của người bệnh đối với những nỗi sợ, ký ức đau buồn thông qua tái hiện chúng trong không gian an toàn với nhà tâm lý học.

Sau khi hiểu về cơ chế đó, Zoe có động lực tham gia các buổi trị liệu. Cô không còn cảm thấy mình lãng phí thời gian, tiền bạc và cảm xúc.

"Tôi đã thấy mục đích trong sự khó chịu ban đầu. Đúng là vậy, những ký ức xâm nhập đã nguôi ngoai, và tôi có thể đối diện tốt hơn với vết thương lòng".

Tuy nhiên, sau một năm thực hiện liệu pháp tiếp xúc với trí tưởng tượng, cô thấy mình trở nên chai sạn. Cô đã trải lòng hết về những ký ức đau buồn và không còn cảm thấy đau khổ nữa.

Dù vậy, cô vẫn biết mình còn nhiều thứ cần phải giải tỏa. Cô cảm thấy cần phải thay đổi phương pháp.

"Tôi đã thảo luận điều này với bác sĩ của mình, chúng tôi nói về việc liệu sự chán nản của tôi có phải là một hành động trốn tránh vô thức hay tôi thực sự cần một sự thay đổi. Khi chắc chắn vấn đề là vế sau, tôi đã đồng ý để cô ấy thảo luận tình trạng của mình với các đồng nghiệp cùng khoa tại bệnh viện".

Cuối cùng, cô chuyển sang liệu pháp lược đồ và thấy nó hữu ích cho bước tiếp theo trong quá trình hồi phục. Liệu pháp này được thiết kế để phá vỡ các khuôn mẫu suy nghĩ tiêu cực phát sinh từ các nhu cầu chưa được đáp ứng, chẳng hạn như kết nối, tự chủ và khẳng định bản thân trong giai đoạn đầu đời.

Sau quá trình điều trị của bản thân, Zoe nhận ra còn có nhiều yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của bệnh nhân. Hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng của Singapore đang đối mặt với gánh nặng và thời gian chờ đợi lâu hơn trước.

"Tôi cũng thừa nhận rằng có một số người đã tái chấn thương tâm lý bởi hệ thống, có thể là do chẩn đoán sai, nhận xét thiếu nhạy cảm của bác sĩ trị liệu hoặc thời gian chờ đợi quá lâu khiến họ cảm thấy bị bỏ rơi".

Fan cuồng tỉnh ngộ

Sau thời gian dài chạy theo nam thần tượng, Gao (Trung Quốc) suy kiệt cả về sức lực, tinh thần lẫn tiền bạc. Cô tỉnh ngộ và nhận ra mọi thứ không đáng để đánh đổi.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm