Tháng 2/2025, Công an tỉnh Điện Biên có thông tin về sàn giao dịch vàng mang tên ATFX đặt tại khu vực Tam Giác Vàng (Lào) hoạt động bất thường trên không gian mạng. Nghi vấn đây là một tổ chức tội phạm chuyên lừa đảo các nạn nhân ở Việt Nam, đầu tháng 6/2025, Công an tỉnh Điện Biên đã xác lập chuyên án.
Theo dấu tội phạm
Thượng tá Nguyễn Xuân Lâm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Điện Biên), cho biết: "Truy vết tội phạm trên không gian mạng ở địa bàn Tam Giác Vàng là thử thách rất lớn. Đối tượng liên tục thay đổi vị trí, di chuyển qua nhiều tuyến biên giới hở, sử dụng các ứng dụng mã hóa để trao đổi nội bộ.
Muốn bắt quả tang, chúng tôi phải cử trinh sát bám địa bàn dài ngày, phối hợp từng bước với Công an Lào để nắm quy luật, sơ đồ hoạt động và địa chỉ lưu trú thực tế của từng nhóm nhỏ".
Trong quá trình điều tra, lực lượng Công an Việt Nam phải vận hành đồng thời nhiều mũi công tác như theo dõi không gian mạng, giám sát di biến động, phối hợp chia sẻ thông tin với các đơn vị nghiệp vụ của công an nước bạn.
![]() |
Đối tượng Hoàng Văn Trung và tang vật vụ án. |
Tháng 6/2025, khi lực lượng chức năng nước bạn mở đợt truy quét tại khu vực biên giới, nhóm tội phạm lập tức rút sâu vào trung tâm khu Tam Giác Vàng, giấu toàn bộ thiết bị điện tử và lên kế hoạch vượt biên sang Campuchia theo nhiều hướng. Những ngày đầu tháng 7/2025, Ban chuyên án được biết nhóm cầm đầu đang chuẩn bị rút khỏi Tam Giác Vàng, nên quyết định điều chỉnh kế hoạch phá án sớm hơn dự kiến.
Các chiến sĩ dày dạn kinh nghiệm của Công an tỉnh Điện Biên được cử sang đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng, phối hợp Công an tỉnh Bokeo (Lào) trực tiếp khảo sát thực địa, xây dựng sơ đồ bố trí đối tượng, xác lập các điểm phá án then chốt. Dưới sự hiệp đồng chặt chẽ, kế hoạch tác chiến được chuẩn bị trong tư thế "một đòn quyết định", khóa chặt mọi lối thoát.
Ngày 4-8/7, gần 200 CBCS Công an tỉnh Điện Biên phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an Việt Nam và Công an Lào triển khai đồng loạt nhiều mũi theo phương án "gọng kìm", khóa chặt hướng thoát thân của các nhóm tội phạm. Từng vị trí, từng nhóm mục tiêu được xác định rõ, phối hợp hành động theo thời điểm thống nhất, đảm bảo nguyên tắc không để bất kỳ mắt xích nào lọt lưới, không để tội phạm kịp phân tán hoặc cảnh giới cho nhau rút lui.
"Thông tin trinh sát thời điểm đó như một cú hích chiến thuật. Chỉ cần chậm một nhịp, toàn bộ tổ chức có thể tan rã, chứng cứ biến mất. Chúng tôi phải hành động quyết đoán, chính xác và hiệp đồng tuyệt đối với lực lượng của nước bạn để siết chặt vòng vây trong thời gian ngắn nhất", Thượng tá Nguyễn Xuân Lâm chia sẻ.
Kéo lưới
12h30 ngày 5/7, sau nhiều tháng mật phục, thu thập chứng cứ, từ trung tâm chỉ huy ở tỉnh Điện Biên, Ban chuyên án phát lệnh tổng tấn công. Tại đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng, các mũi trinh sát gồm 58 CBCS Công an Việt Nam và Lào đồng loạt kiểm tra, khám xét 2 điểm nghi vấn, nơi được xác định là "tổng hành dinh" của đường dây lừa đảo xuyên quốc gia.
45 đối tượng bị bắt giữ tại chỗ, trong đó có 14 người Trung Quốc và 31 người Việt Nam. Đối tượng cầm đầu Hoàng Văn Trung (SN 1994, trú tại xã Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng) bị khống chế khi đang ẩn náu trong một quán bar giữa lòng đặc khu.
Tại đây, lực lượng chức năng thu giữ lượng tang vật lớn phục vụ hoạt động phạm tội gồm 233 điện thoại di động, 292 máy tính All-in-One, 36 bộ máy tính để bàn, hàng nghìn sim điện thoại của Lào, máy chiếu, thiết bị điện tử… Đặc biệt, các chiến sĩ thu được 2 thùng carton cỡ lớn chứa hàng trăm sổ tay, tài liệu, mỗi trang là một kịch bản lừa đảo được dàn dựng tỉ mỉ, từ cách tiếp cận, làm quen đến thao túng tâm lý và chiếm đoạt tài sản nạn nhân.
![]() |
Các đối tượng trong đường dây lừa đảo công nghệ cao xuyên quốc gia bị bắt giữ. |
Cùng thời điểm, tại sân bay quốc tế Wattay tại Thủ đô Viêng Chăn (Lào), một tổ công tác khác của Công an Việt Nam phối hợp với Cơ quan thường trú Bộ Công an tại Lào và các đơn vị nghiệp vụ nước bạn đã kịp thời bắt giữ 14 đối tượng gồm 13 người Việt, 1 người Trung Quốc khi chúng đang làm thủ tục để bay sang Thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia). Tang vật thu giữ gồm 41 điện thoại, 13 hộ chiếu, cùng hàng nghìn USD, nhân dân tệ và tiền mặt của Lào…
Trong khi đó, tại cửa khẩu quốc tế Tây Trang (tỉnh Điện Biên), một mũi công tác khác tiếp tục khép chặt vòng vây và 15 đối tượng trong đường dây tội phạm xuyên quốc gia đã bị bắt khi đang trên đường di chuyển bằng ô tô từ Lào về Việt Nam nhằm tìm cơ hội vượt biên sang Campuchia bằng đường bộ.
Chỉ chưa đầy 24 giờ, 74 đối tượng trong đường dây lừa đảo công nghệ cao xuyên quốc gia bị bắt giữ đồng loạt. Ngay sau khi bắt giữ các đối tượng, lực lượng chức năng đã tổ chức khai thác để làm rõ các vụ lừa đảo xuyên biên giới thông qua không gian mạng…
Chiếc bẫy mang tên ATFX
Ẩn mình dưới vỏ bọc những nhà đầu tư tài chính thành đạt, các đối tượng dựng lên sàn giao dịch vàng ATFX, bề ngoài là môi trường đầu tư hiện đại, sinh lời cao, nhưng thực chất là một chiếc bẫy được lập trình tinh vi đến từng chi tiết. Chúng không tiếp cận nạn nhân bắt đầu từ những tài khoản được tạo dựng kỹ lưỡng trên mạng xã hội Facebook, TikTok… với thông tin cá nhân chỉn chu, cuộc sống sang chảnh, có điều kiện kinh tế.
Từ đó, các đối tượng kết bạn, trò chuyện, tán tỉnh, xây dựng mối quan hệ tình cảm hoặc bạn bè tin cậy. Khi niềm tin hình thành, chúng mở lối cho nạn nhân bước vào "cuộc chơi đầu tư" với lời hứa hẹn sinh lãi tới 24% mỗi ngày. Chỉ với vài triệu đồng ban đầu, tiền lãi được chuyển về đầy đủ. Niềm tin nhân lên, đồng nghĩa với việc số tiền nạp vào cũng ngày một lớn, từ 10 triệu, 50 triệu, cho tới hàng trăm triệu đồng… đến khi nạn nhân rơi vào trạng thái mù mờ, bị điều khiển và phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống do nhóm tội phạm vận hành.
Khi nạn nhân yêu cầu rút tiền, các đối tượng bắt đầu giở các chiêu trò như "lỗi kỹ thuật", "kiểm tra tài khoản", "cần xác minh bổ sung"… tất cả chỉ nhằm mục đích kéo dài thời gian, tiếp tục vắt kiệt tài sản của bị hại. Không dừng lại ở đó, chúng còn sử dụng hình ảnh nhạy cảm, tin nhắn riêng tư đã lưu trữ từ trước để đe dọa, ép buộc nạn nhân im lặng hoặc tiếp tục chuyển tiền.
Mỗi đối tượng trong đường dây đều đảm nhiệm một khâu nhất định. Kẻ đóng giả gái/trai để kết bạn với nạn nhân, kẻ phụ trách tư vấn đầu tư, kẻ dựng kịch bản tin nhắn, kẻ quản lý hệ thống chuyển tiền... Tất cả phối hợp nhịp nhàng theo kịch bản được vạch sẵn như một “doanh nghiệp công nghệ” vận hành theo mô hình start-up, nhưng mục tiêu duy nhất là lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Bước đầu, toàn bộ nhóm đối tượng người Việt đều thừa nhận đã cấu kết với các đối tượng người Trung Quốc để tổ chức lừa đảo qua sàn vàng ảo ATFX, hướng mục tiêu vào công dân Việt Nam và nhiều quốc gia khác… Chúng khai thác triệt để không gian mạng, lợi dụng nền tảng số và công nghệ AI để lẩn tránh truy vết, che giấu danh tính.
Rạng sáng 9/7/2025, toàn bộ 74 đối tượng cùng tang vật được dẫn giải về Công an tỉnh Điện Biên để tiếp tục điều tra mở rộng. Đến 20h cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Điện Biên đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 38 bị can, trong đó có các đối tượng chủ mưu về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt cao nhất đến tù chung thân.
"Chuyên án này cho thấy vai trò nòng cốt, chủ công của Công an tỉnh Điện Biên trong đấu tranh với tội phạm phi truyền thống, xuyên quốc gia. Đây không chỉ là kết quả của bản lĩnh và sự kiên trì mà còn là minh chứng sinh động cho hiệu quả hợp tác quốc tế thực chất giữa công an 2 nước Việt Nam - Lào", Thượng tá Nguyễn Xuân Lâm khẳng định.
Chuyên án cũng là kinh nghiệm về hành trình điều tra, triệt phá các vụ án tội phạm công nghệ cao, thể hiện hiệu quả hợp tác quốc tế thực chất, bền chặt giữa Công an Việt Nam và Công an Lào. Đây là chiến công mang đậm dấu ấn trí tuệ, bản lĩnh, sự đoàn kết và hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng chấp pháp, góp phần bảo vệ an ninh không gian mạng, giữ vững lòng tin của nhân dân.
Sách về Pháp luật
Nội dung cuốn sách "Thực hiện pháp luật về an ninh mạng ở Việt Nam" đi sâu nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn thực hiện pháp luật về an ninh mạng dưới góc độ của ngành lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật; đánh giá thực trạng pháp luật về an ninh mạng ở Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới.