Mỗi đêm, những chiếc xe màu vàng mang theo tiếng âm nhạc cổ điển rộn ràng chạy dọc các con phố nhộn nhịp của Đài Loan (Trung Quốc). Nhiều khách du lịch dễ dàng nhầm tưởng đó là xe bán kem khi nghe thứ âm nhạc vui tai.
Cư dân đứng chờ dọc lề đường hào hứng mang những túi rác của mình đặt lên xe: Túi xanh chứa rác thải, túi trắng là những thứ có thể tái chế.
Trên xe, công nhân môi trường đón lấy những bịch rác và tiếp tục phân loại rác tái chế thêm một lần nữa, bỏ chúng vào những thùng khác nhau như nhựa, giấy, thủy tinh, kim loại… Thức ăn thô được bỏ vào thùng ủ phân sinh học, thức ăn đã nấu chín để riêng làm thức ăn nuôi gia súc.
Hành trình của chiếc xe tải đã trở nên bình thường như hơi thở đối với hơn 23 triệu người dân ở Đài Loan.
Thành phố Đài Bắc có khoảng hơn 4.000 điểm thu gom rác, người dân còn có thể tra cứu xem xe chở rác đang ở vị trí nào qua ứng dụng trên smartphone.
Chiếc xe thu gom rác màu vàng trở thành biểu tượng về môi trường ở Đài Loan. Ảnh: Getty. |
Thế nhưng nếu trở về trước đây 30 năm, chuyện tập trung phân loại rác có lẽ chỉ là thứ mơ tưởng viển vông. Vào những thập niên 80-90 của thế kỷ trước, Đài Loan là khu vực có vấn đề ô nhiễm rác thải đô thị trầm trọng nhất thế giới.
Sau thời gian dài nỗ lực, Đài Loan đã trở thành một trong những điểm sáng của thế giới về phân loại và xử lý rác thải, nơi có môi trường sạch đẹp đáng ngưỡng mộ.
Hành trình kỳ diệu
Theo HuffPost, từ năm 1951 đến 1984, tổng sản phẩm hàng năm của Đài Loan tăng trung bình 6,1%, cao hơn nhiều so với mức 3,6 % của Mỹ. Ngày càng giàu hơn đồng nghĩa với mức tiêu thụ các sản phẩm cũng tăng, kéo theo đó là sự gia tăng lượng chất thải tại đây.
“Khi đó, những bãi rác phình to, dồn ứ, rác thải còn không được phân loại”, Yen-Ning - nhà phân tích của Greenpeace Taiwan - nói.
Trước cuộc “cải cách”, người dân Đài Loan thường đổ rác ngay cạnh nơi ở. Những núi rác chồng chất, rác ngập ngụa trên đường phố khiến Đài Loan từng mang tên gọi khác không mấy hay ho - “Đảo Rác”.
Đài Loan bắt đầu những nỗ lực cải thiện môi trường và ứng phó với rác thải từ cuối thập niên 90 khi những người dân ở đây bắt đầu kêu gọi sự thay đổi từ chính quyền. Họ tập hợp rác trên đường phố, đốt rác để biểu tình phản đối tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.
Suốt 2 năm liền sau đó, chính quyền Đài Loan quyết liệt đầu tư, tu sửa cơ sở hạ tầng quản lý chất thải, đầu tư kinh phí lớn cho các xe thu gom rác, các nhà máy xử lý và chuyển từ chôn lấp rác sang đốt.
Các chính sách mới được đưa ra cũng yêu cầu các doanh nghiệp, người dân chia sẻ gánh nặng kinh tế với chính phủ trong việc thu gom, phân loại và tái chế rác, khuyến khích nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân.
Người dân ý thức trong việc phân loại rác thải. Ảnh: The Wall Street Journal. |
Với những nỗ lực lớn, hiện Đài Loan có mức tái chế đạt 55% vào năm 2015. Theo Cục Bảo vệ Môi trường Đài Loan (EPA), tỷ lệ này cao gấp hơn chục lần so với mức 5% vào năm 1998.
Mức tái chế này cao hơn cả những quốc gia nổi tiếng về tái chế rác thải như Hàn Quốc, Áo hay Đức.
Lượng rác mỗi người dân thải ra trung bình là 850 gam mỗi ngày, ít hơn nhiều so với con số 1,2 kg cách đây 15 năm.
Đài Loan cũng cam kết cấm tất cả các các loại nhựa dùng một lần như cốc, túi, ống hút… Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 1/7/2019 được nhiều người nhiệt tình ủng hộ.
Cuộc “cách mạng tái chế” của Đài Loan thể hiện vai trò quan trọng của chính phủ trong việc ưu tiên quản lý chất thải một cách có trách nhiệm.
Cách thế giới 'cư xử' với rác
Không riêng Đài Loan, trên thế giới, các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Canada, Na Uy… cũng quan tâm đến vấn đề xử lý, phân loại rác thải để bảo vệ môi trường.
Đứng đầu trong các quốc gia có môi trường sạch đẹp phải kể đến Nhật Bản. Tuy nhiên, nhiều người bất ngờ khi biết rằng đất nước mặt trời mọc cũng là nơi có lượng rác thải ra thuộc hàng top thế giới, ước tính 45 triệu tấn mỗi năm.
Điều ngạc nhiên hơn là trong số đó chỉ có 1% rác bị thải ra môi trường.
Người dân Nhật Bản rất quan tâm đến việc phân loại, tái chế, tái sử dụng rác. Thậm chí họ còn rửa sạch rác trước khi vứt đi để đảm bảo an toàn, vệ sinh.
Việc phân loại rác ở đây cũng vô cùng chính xác và khắt khe. Chúng được phân làm 4 loại: Rác đốt được (giấy gói, vỏ nhựa, chai nhựa, cao su và da), rác không đốt được (mắt kính, sứ, đồ điện tử…), rác quá khổ và loại còn lại là lon, vỏ hộp kim loại.
Người dân sẽ phải trả số tiền lớn cho các dịch vụ thu gom, xử lý những loại rác đặc biệt như đồ điện tử, xe gắn máy, đồ quá khổ. Ở Tokyo, người dân phải bỏ ra khoảng 1.200 yen (250.000 đồng) để vứt một chiếc đệm, 2.000 yen (410.000 đồng) cho một chiếc sofa.
Hầu hết rác thải được xử lý trong các lò đốt, chỉ 1% bị vứt ra môi trường.
Rác ở Nhật Bản được phân chia thành 4 loại. Ảnh: Japan Info. |
Ở Canada, ước tính mỗi năm có đến 25 triệu tấn rác thải ra môi trường, trong đó khoảng 15 triệu tấn là chất thải rắn.
Từ nhiều năm qua, nước này áp dụng quy định phân loại rác nghiêm ngặt. Mỗi gia đình trang bị 3 thùng rác màu khác nhau: Thùng xanh tím than dùng để rác thải tái chế, thùng xanh lá cây đựng rác hữu cơ, các loại rác khác được cho vào thùng màu ghi.
Canada có tỷ lệ tái chế rác thải ở mức 35% vào năm 2016, được xếp hạng cao trên thế giới.
Mỗi năm, nước này chi khoảng 3,3 tỷ đôla Canada (khoảng 58.000 tỷ đồng) cho các dịch vụ xử lý rác thải sinh hoạt, trong số đó có 1,1 tỷ (khoảng 19.000 tỷ đồng) cho các công việc thu gom và vận chuyển.
Na Uy có những điểm thu gom vỏ chai nhựa, khuyến khích người dân phân loại rác. Ảnh: Getty. |
Nhiều quốc gia khác cũng đưa ra nhiều mô hình, dự án để khuyến khích người dân, nâng cao ý thức trong việc phân loại, xử lý rác thải đúng cách.
Na Uy - nơi có tỷ lệ tái chế chai nhựa lên đến 97% - gây chú ý khi đưa ra mô hình “mượn chai nước”.
Theo đó, khi mua một chai nước bằng nhựa, khách hàng sẽ trả thêm một khoản phí từ 13 - 30 cent (3.000 - 7.000 đồng). Khi uống nước xong, họ sẽ được hoàn tiền khi trả chai nước tại những chiếc máy tự động đặt quanh thành phố.
Ngoài ra, các cửa hàng tiện lợi có chương trình tặng tiền và điểm thưởng khi khách hàng trả lại chai nhựa đã dùng nhằm khuyến khích người dân bảo vệ môi trường.
Trong hai ngày 14-15/12 tới đây, Tetra Pak sẽ tổ chức triển lãm hành trình vỏ hộp giấy cùng với hàng loạt hoạt động sôi nổi như đổi 100 vỏ hộp giấy đã được làm sạch, gấp dp lấy một cây xanh, các màn thi Skateboard, thi Parkour và sự tham gia của gia đình Xoài và Khánh Vy. Tham dự sự kiện cuối tuần này để tìm hiểu về cách sống xanh vô cùng đơn giản thông qua việc tái chế vỏ hộp giấy đựng đồ uống và các hoạt động dành cho giới trẻ của Tetra Pak. Độc giả tìm hiểu thêm tại đây.