30/7, ngày thứ 20 kể từ khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của Covid-19, anh Lê Văn Thanh Tùng (ngụ quận 4, TP.HCM) đã có thể tự thở và đi lại bình thường.
Trước đó, anh nhập viện trong cơn đau nhức toàn thân, sốt cao và rất khó thở. Anh Thanh Tùng gọi đó là những ngày "cực hình khủng khiếp".
Tự điều trị bất thành
Chia sẻ với Zing, anh Tùng cho biết mình xác định dương tính nCoV qua test nhanh tại nhà. Do các bệnh viện đã quá tải bệnh nhân, anh quyết định tự điều trị. Tình hình khá khả quan bởi sau một tuần, anh đã bắt đầu giảm ho, sốt.
Anh Tùng những ngày điều trị trong bệnh viện. |
"Tôi dùng thuốc điều trị triệu chứng, sử dụng thêm vitamin C và các loại thuốc tăng cường đề kháng khác. Đến ngày thứ 7, các triệu chứng ho, sốt bắt đầu giảm nhiều, tôi chuyển sang giai đoạn mất vị giác và khứu giác. Tôi hơi lo nhưng vẫn cố gắng theo dõi tại nhà", anh Tùng chia sẻ.
Tuy nhiên, đến ngày thứ 9 ở nhà, anh Tùng khó thở nghiêm trọng.
Không những thế, bố và mẹ vợ của anh cũng xuất hiện những triệu chứng tương tự.
Anh lo lắng, gấp rút mượn máy thở từ một người quen và được gia đình đưa đi nhập viện.
"Tối hôm đó, tôi bắt đầu bị nặng, không thở bình thường được, cảm giác hít thở nhưng phổi đã không còn nhận được oxy. Có những lúc tôi thở gấp như cá trên cạn, há hốc miệng để lấy không khí vào nhưng cực kỳ ngộp.
Cả nhà quyết định đưa tôi đi cấp cứu. Sau nhiều cuộc gọi, cuối cùng cũng có xe của Bệnh viện quận 7 tới. Tôi gần như mất ý thức và không chịu nỗi thêm nữa", anh Tùng nói.
Chuỗi ngày đau đớn nhất
Ngày 19/7, anh Tùng nhập viện điều trị Covid-19 tại Bệnh viện quận 7. Tình trạng sức khoẻ của anh tệ đi nhiều.
"Tôi thở gắt, chỉ cần xoay người đã hụt hơi và toàn thân đau nhức, cứ mê man lúc tỉnh lúc mê.
Tôi không đủ oxy cho việc đi tới WC, đa phần ở giữa đường sẽ gục ngã vì khó thở, lồng ngực thắt lại đau buốt. Mỗi lần từ toilet về đến giường, tôi tiếp tục thở dốc 10-15 phút rồi mới bình thường lại được", anh kể.
Gần 10 ngày trong viện, anh phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở. |
Ngày thứ 3 nhập viện, anh Tùng đã được các bác sĩ cho thở qua bình oxy. Nhưng có những ngày oxy tạm hết, bác sĩ khuyên anh cố gắng kê cao gối, thở và chờ đến sáng hôm sau.
Ngày thứ 4, anh Tùng được cho phép sử dụng máy thở từ nhà mang đến. Dù đã dễ thở hơn nhưng anh vẫn chỉ có thể nằm bất động trên giường, không thể di chuyển cơ thể.
Liên tiếp 6-7 ngày sau đó, anh phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở. Những lúc phải rời khỏi giường, anh tối tăm mặt mũi, thở dốc và đau buốt sống lưng.
"Lúc đó tôi đã nghĩ rằng cuộc sống mình rồi sẽ phải gắn bó vĩnh viễn với máy thở, vì có vẻ phổi tôi đã hư hết rồi, tôi không thể làm gì nếu thiếu máy thở. Trong cơn mê man, tôi chỉ biết cầu trời, cố gắng không nghĩ tới điều xấu nhất", anh nói.
Cai máy thở và hồi phục
Ngày thứ 9 trong bệnh viện, anh Tùng cho biết sức khoẻ đã có sự tiến triển. Dù vẫn phải sử dụng máy thở, anh đã có thể tự xoay người và đi xa hơn vài bước chân. Anh mừng rỡ và nghĩ rằng phổi của mình đang dần hồi phục.
Sức khoẻ anh Tùng và bố mẹ hiện đã ổn định, chờ ngày xuất viện. |
Tối ngày thứ 10, anh Tùng đặt máy thở sang một bên và có thể ngủ tốt. Anh từng bước tập "cai" thiết bị thở đầy dây phức tạp, thứ khiến anh chỉ nhìn thôi đã thấy ám ảnh.
Chia sẻ với Zing, anh Tùng còn mừng rỡ thông báo bố và mẹ vợ của mình đang được điều trị tại một bệnh viện khác, sức khoẻ cũng đã chuyển biến rất tốt.
Anh và bố mẹ sẽ được về nhà sau khi hồi phục hoàn toàn và có đủ số lần xét nghiệm âm tính.
Nhớ lại chỉ vài ngày trước vẫn còn chật vật hít thở trong cơn đau đớn, anh nói:
"Hãy biết sợ như tôi và cố thực hiện 5K, đeo khẩu trang và làm tốt mọi biện pháp phòng bệnh, khả năng trở nặng của chủng Delta là cực kỳ cao và nhanh”.
Hiện tại, anh Tùng cố gắng lấy lại sức khỏe, suy nghĩ tích cực và lạc quan hơn. Anh mong chờ ngày được về nhà:
"Tôi thật sự đã vượt qua cửa tử. Sau hôm nay sẽ là những ngày tự hồi phục và chăm sóc sức khỏe. Có lẽ sẽ mất một thời gian nữa nhưng tôi sẽ vượt qua và trở lại cuộc sống thường ngày của mình", anh chia sẻ.