Hà Mạnh Trung (sinh năm 1994) từng tốt nghiệp Thủ khoa Đại học Hà Nội, đạt danh hiệu Trạng Nguyên tiếng Hàn thế giới năm 2015 và từng làm chủ nhiều trung tâm Hàn ngữ tại Việt Nam. Có nhiều thành tựu đáng nể trên con đường học vấn lẫn sự nghiệp, song mới đây Hà Trung bất ngờ chia sẻ bản thân từng gặp nhiều biến cố và phải chiến đấu với trầm cảm. Được sự đồng ý, Zing đăng tải lại chia sẻ của Hà Trung về hành trình đối mặt và vượt qua căn bệnh này.
21 tuổi, tôi khởi nghiệp và thành công, có thu nhập cao, đôi khi tới vài ba trăm triệu mỗi tháng từ thời sinh viên. Tiếp đó tôi tốt nghiệp thủ khoa, làm chủ 4 trung tâm tiếng Hàn. Cuộc sống thật quá dư giả ở tuổi 24.
Biến cố
Biến cố cuộc đời tôi chỉ thực sự bắt đầu vào cuối năm 2018. Tháng 10/2018, tôi liều mình bước chân sang Hàn Quốc để tiến hành cuộc phẫu thuật thẩm mỹ lần đầu tiên.
Đây chính là quyết định sai lầm nhất trong cuộc đời. Tôi đã trở thành nạn nhân của môi giới thẩm mỹ tại Hàn Quốc.
Hà Mạnh Trung chia sẻ về hành trình vượt qua trầm cảm. |
Cuộc đại phẫu gây mê toàn thân kết thúc sau gần 6 tiếng đồng hồ ở Seoul. Tôi tỉnh dậy sau tiếng gọi của một nữ y tá.
Một khuôn mặt chỉ toàn là băng gạc và máu, tôi thoi thóp thở bằng chút sức lực cuối cùng còn sót lại sau hơn một ngày nhịn ăn. Đó là cơn đau thể xác kinh hoàng nhất cuộc đời tôi từng trải qua.
Một tuần làm bạn cùng máu, sự cô đơn và những nỗi đau ám ảnh tại Seoul cuối cùng cũng kết thúc. Những tưởng rằng sau cơn mưa trời sẽ sáng, tôi sẽ có được một gương mặt như ý.
Nhưng không!
Vài tháng sau đó, một phần trên gương mặt của tôi bị biến dạng, tôi không thể thở được bằng mũi. Tôi thật sự không dám nghĩ rằng mình sẽ phải tiến hành cuộc phẫu thuật lần thứ 2.
Biến chứng ngày càng nghiêm trọng, tôi bắt buộc phải mang theo chiếc mũi không thở được sang Hàn Quốc để tiến hành tái phẫu thuật.
Những ngày tháng tăm tối sau lần tái phẫu thuật rồi cũng kết thúc, tôi đáp chuyến bay trở về Việt Nam với suy nghĩ: "Đủ rồi. Đây là lần cuối rồi. Mình không kém may mắn đến vậy đâu".
Thế nhưng, vài tháng sau, khuôn mặt tôi lại tiếp tục xuất hiện biến chứng. Tôi phải uống kháng sinh trong nhiều tháng để theo dõi. Khẩu trang trở thành người bạn thân nhất của tôi.
Và rồi điều tồi tệ hơn nữa lại ập tới. Tôi tiếp tục phải sang Hàn Quốc để tiến hành cuộc phẫu thuật lần thứ 3, loại bỏ toàn bộ vùng viêm nhiễm và biến chứng trên khuôn mặt.
Đến lúc này tôi thực sự đã đủ đau, đủ sợ để chấp nhận rằng: “Tôi cần sức khoẻ để làm việc. Tôi không cần thứ gì khác nữa! Tôi cần sống!”.
Hà Trung đạt được nhiều thành tựu đáng nể trong sự nghiệp từ khi còn trẻ. |
7 ngày sau đó, tôi tháo băng, toàn bộ silicon trên mặt đã được dỡ bỏ. Tôi không dám nhìn mình trong gương vì biết rằng sẽ khóc.
Rời bệnh viện, lên tàu điện, tới Incheon, lên máy bay, trở về Việt Nam để kết thân với một người bạn mới trên một cuộc hành trình mới.
Và người bạn đó mang tên trầm cảm!
Tôi đập vỡ toàn bộ gương trong nhà, xoá toàn bộ các phần mềm, app chụp ảnh. Tôi không muốn nhìn thấy khuôn mặt của mình ở bất kỳ đâu.
Tôi không gặp một ai, cũng không ra ngoài, không làm việc. Trầm cảm đã bó chặt chân tôi trong 4 bức tường tăm tối.
Một năm với 3 cuộc phẫu thuật gây mê toàn thân, tôi tụt 11 kg. Cơ thể yếu ớt, tiều tuỵ vì thuốc gây mê và kháng sinh tới mức không thể đứng vững, thường xuyên hoa mắt, chóng mặt.
Sau 3 cuộc phẫu thuật, tôi đã vĩnh viễn không thể lấy lại được khuôn mặt ban đầu. Tôi thường khóc mỗi đêm khi nhớ về hình ảnh của bản thân trong quá khứ.
Kể từ đó, sức khoẻ của tôi yếu đi 10 phần. Tôi phải sử dụng thuốc và chấp nhận sống chung với biến chứng tới tận ngày hôm nay.
Vượt qua
Và đó cũng là thời điểm công việc của tôi bắt đầu xảy ra nhiều biến cố. Tôi nhận ra bộ máy tôi điều hành trong nhiều năm qua có quá nhiều lỗ hổng. Tôi nhận ra bản thân còn quá mềm lòng, quá tin người, quá non nớt và quá ngu ngơ.
Thế rồi giữa cái mớ hỗn độn kinh hoàng mang tên “tuổi trẻ” ấy, Covid-19 bất ngờ ập tới. Mọi thứ đến quá nhanh.
Tôi đã không biết phải làm gì để chống chọi với đại dịch ngoài việc đóng cửa toàn bộ các trung tâm ngoại ngữ mà bản thân đã cất công gầy dựng bằng tất cả tấm lòng.
Hà Trung chia sẻ bản thân gặp nhiều khó khăn, biến cố trong năm 2020. |
Những ngày tháng làm bạn với trầm cảm giúp tôi nhận ra thật nhiều điều đáng trân quý. Tôi nhớ lại mình của những năm 20 tuổi, một phiên bản Hà Trung thật hồn nhiên, vô tư, yêu đời và đầy mơ ước.
Tôi nhớ lại hành trình của 4 năm khởi nghiệp. Stress và những biến cố về cuộc sống, về tình người... đã khiến tôi mất đi sự hồn nhiên và tươi vui vốn có. Tôi trở nên nhạy cảm và gay gắt với mọi thứ. Tôi gồng mình để chống chọi và đề phòng tất cả những ai xuất hiện xung quanh cuộc đời tôi.
Tôi tự đặt ra những câu hỏi cho chính mình: Rốt cuộc tôi đạt được gì sau những năm tháng tuổi trẻ ấy? Tôi có hạnh phúc hay không? Mãn nguyện hay không?
Những tháng ngày được trở về nhà với con người bên trong mình, tôi dần tìm được những tia sáng lẻ loi để bắt đầu lại mọi thứ.
Tôi trở lại với những lớp học tiếng Hàn.
Và thật diệu kỳ, ở hành trình mới này, tôi được trở về với một Hà Trung thực thụ, nhưng là một phiên bản tỉnh táo và vững vàng hơn bao giờ hết.
Người ta nói đúng, sau cơn mưa trời lại sáng.
Thật diệu kỳ, sau nhiều năm làm bạn và thoát khỏi trầm cảm, tôi thấy hài lòng và yêu cuộc sống hiện tại hơn bao giờ hết.
Tôi yêu những khó khăn của hiện tại. Tôi yêu những lắng lo của mai sau. Tôi yêu những điều tôi đang làm và cả những điều ấp ủ.
Bạn thân mến, tôi biết rằng, tôi và bạn, mỗi chúng ta ai cũng đều có những câu chuyện của riêng mình. Khó khăn và thử thách có thể kéo dài vài năm hoặc vài chục năm, nhưng ý chí và sức mạnh của con người thì luôn bất diệt.
Năm 2020 cũng đã qua rồi. Tôi thấy thật biết ơn những nỗi đau thể xác và tâm hồn mà bản thân đã gánh chịu. Tôi thấy thật yêu những điều đã qua, yêu cái thanh xuân và tuổi trẻ quá dữ dội của chính mình.