Những năm 80 - 90 của thế kỷ trước, hai bên biên giới Việt - Trung mở rộng giao thương, việc buôn bán, du lịch mua sắm diễn ra vô cùng tấp nập. Nhưng tình hình an ninh trật tự còn chưa ổn định do chiến tranh biên giới kết thúc chưa bao lâu, nên tại tỉnh biên giới Lạng Sơn, người dân sống trong cảnh “ra ngõ gặp cướp”.
Nhặt nhạnh vũ khí, súng đạn còn rơi rớt lại sau chiến tranh, nhiều kẻ ngày đi chăn trâu, đêm vác súng đi cướp. Những nhóm cướp ô hợp này gặp gì cướp nấy, hơi va chạm, thậm chí thấy “ngứa mắt” là bắn.. Băng cướp của Hoàng Văn Chung (Chung "chón", 54 tuổi, ngụ thôn Còn Pheo, xã Thụy Hùng, Cao Lộc, Lạng Sơn) là một ví dụ điển hình.
Băng cướp... “ăn tạp”
Vốn là đặc công thuộc biên chế một tiểu đoàn trinh sát, không chỉ giỏi về cách sử dụng các loại vũ khí, hắn còn nhanh như sóc. “Chón” tiếng dân tộc Tày, Nùng nghĩa là “sóc”, có khả năng “xuất quỷ nhập thần”, hành tung bí ẩn.
Sau khi gây ra hàng loạt vụ cướp tàn độc, trong đó có vụ bắn chết một cán bộ Công an tỉnh Lạng Sơn, Chung “chón” bị liệt vào danh sách cần “tiêu diệt tại chỗ”.
Chiếc xe được sử dụng trong vụ phá băng cướp do Chung “chón” cầm đầu.
|
Trong một thời gian dài, những ổ nhóm tội phạm do Chung “chón” cầm đầu ôm AK cướp dọc quốc lộ 1B, tại Dốc Quýt, Đồng Đăng... rồi lẩn trốn vào rừng sâu. Băng nhóm này cướp một con gà, nồi khoai lang đến hàng trăm triệu đồng, vụ nào chúng cũng vác súng ra bắn vô tội vạ.
Cuối tháng 2/1992, chúng đã từng xả hết 6 băng đạn chỉ để cướp một nồi khoai lang. Rất may nạn nhân đã kịp thời chạy thoát. Tháng 3/1992, hết tiền ăn tiêu, Chung “chón” lại cùng đồng bọn xách súng và lựu đạn đến khu vực xã Phú Xá chờ cướp.
Khoảng 8h, anh Lưu Văn Thời (ngụ huyện Cao Lộc) đi xe máy đến. Cả bọn nhảy ra khỏi chỗ nấp bắn súng thị uy, anh Thời bị đạn bật vào đùi bị thương. Cả bọn cướp của anh ví tiền và một con gà anh mang đi góp giỗ. Cướp xong, cả bọn về nhà Chung “chón” chia nhau 300.000 đồng, rồi làm thịt gà uống rượu.
Sau đó một tuần, cơ quan điều tra đã phát hiện, bắt giữ Hoàng Văn In, Đoàn Văn Trị, còn Chung “chón” và Long trốn khỏi địa phương.
Sau khi trốn khỏi địa phương, Chung “chón” mò sang địa bàn khác, lập băng cướp mới. Rạng sáng 27/12/1992, có xe đi qua, cả bọn ào ra bắn chặn rồi lên xe lục soát. Khi lục soát đến chị Nguyễn Thị Hương (ngụ huyện Bình Gia), thấy chị “tác phong” lề mề nên Vi Văn Lâm “ngứa mắt” chĩa súng bóp cò làm chị bị thương nặng. Sau này, Lâm khai nhận là: “Súng cũ nhưng anh Chung bảo bắn vẫn tốt nên em bắn thử súng xem sao”. Vụ này chúng cướp được 15 triệu đồng.
Từ khi xuất hiện các băng cướp của Chung "chón", cả mấy huyện biên giới như Cao Lộc, Bình Gia, Văn Quan, Bắc Sơn của tỉnh Lạng Sơn, cứ tối tối, khi màn đêm vừa buông xuống, nhà nào cũng vội vàng cửa đóng, không ai dám ra đường.
Ngày 24/4/1993, Chung “chón” tổ chức một băng cướp mới cùng Hoàng Văn Long, Đồng Văn Eng, Lăng Văn Nhàn. Chung “chón” mở kho vũ khí của mình đưa cho Nhàn một khẩu AK, Eng một khẩu K59, Long một khẩu Col rồi ra Dốc Quýt gác súng ngồi chờ.
Khoảng 19h, cả bọn thấy một chiếc xe máy dừng lại, đỗ ngay sát gần chúng. Anh Lý Văn Tiệp, cán bộ Công an tỉnh đến đây thì dừng lại nghỉ. Bọn Long, Eng chĩa súng lên trời bắn chỉ thiên nhằm uy hiếp để cướp. Lợi dụng lúc nòng súng của bọn cướp chĩa lên trời, ngay tức thì, anh Tiệp lăn mình, rút súng bắn trả làm tên Eng ngã xuống.
Không ngờ, khẩu AK do tên Nhàn cầm đã đặt vào lưng anh Tiệp từ bao giờ. Hắn chạy ra từ bụi rậm, bắn xối xả làm anh Tiệp chết ngay tại chỗ. Cả bọn rút chạy. Tên Eng bò được 20 m rồi gục xuống, sau đó bị bắt.
Lệnh tiêu diệt băng cướp
Đại tá Triệu Văn Điện, Trưởng phòng Cảnh sát truy nã Công an tỉnh Lạng Sơn nhớ lại, ban chuyên án xác định đây là băng cướp cực kì nguy hiểm, hành tung lại bí ẩn, nếu muốn tiêu diệt thì cách duy nhất là phải hạ được Chung “chón”.
Quán triệt tư tưởng nên ban chuyên án đã xây dựng được một kế hoạch vây bắt thật tỉ mỉ, chi tiết. Một mặt đập tan các nhóm cướp, chặt đứt đám tay chân, tận thu phương tiện vũ khí để làm mất chỗ dựa của hắn, khống chế ở mức tối đa việc hắn gây án trong khi chạy trốn. Mặt khác kết hợp giữa trinh sát, truy lùng và tạo lõng để việc vây bắt đạt hiệu quả.
Công an tỉnh Lạng Sơn từng 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng vì những thành tích đặc biệt xuất sắc, trong đó có chuyên án tiêu diệt tướng cướp Hoàng Văn Chung.
|
Hàng ngày, các trinh sát tuần tra công khai dọc tuyến quốc lộ 1, các tuyến đường liên huyện, liên xã ở các huyện: Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn, Cao Lộc - nơi Chung "chón" và đám tay chân thường hoạt động để chúng không dám lộ diện, dần dần co cụm lại, đồng thời phối hợp với lực lượng Quân đội đóng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn sẵn sàng bắt giữ, hoặc tiêu diệt tại chỗ.
Về phía Chung, sau khi bắn chết anh Tiệp, Chung và Long bỏ trốn, tiếp tục thu nạp đệ tử, lập một băng cướp mới. Biết băng nhóm lẩn trốn trong rừng hồi thuộc huyện Cao Lộc nhưng các trinh sát không thể tìm ra chỗ ở, bởi chúng thường xuyên thay đổi địa điểm.
Mặc dù đã có vợ con nhưng Chung “chón” vẫn cặp bồ với một người phụ nữ tên Vị (ngụ huyện Cao Lộc) và có với nhau một đứa con trai. Mỗi tháng, Chung “chón” lại đến thăm bồ và con riêng. Vị có một người em trai tên Hạt từng tham gia vào băng cướp của Chung “chón”. Sau khi được vận động, thuyết phục, Hạt chọn con đường lập công chuộc tội, hợp tác với Công an để bắt giữ Chung "chón".
Lúc này đã gần đến Tết nửa năm (ngày 6/6 âm lịch) của đồng bào dân tộc Nùng. Ban chuyên án quyết định lựa chọn làm thời điểm phá án. Đêm 1/8/1993, đúng kế hoạch đặt ra, sau khi ăn uống no say, Chung “chón” lên giường đi ngủ. Trong khi đó, Hạt lẩn ra ngoài báo tin cho các trinh sát.
Nhận được tin báo, Công an ngay lập tức tiếp cận ngôi nhà Chung “chón” đang tá túc. Tuy nhiên, vì trong nhà có người già và trẻ nhỏ, lại đề phòng Chung "chón" cảnh giác đổi chỗ ngủ, nên các trinh sát phải áp sát tận nơi để xác định vị trí của Chung “chón”.
Kiên trì bao vây đến 4h30 thì mẹ Vị dậy trước để vệ sinh cá nhân. Ngay lập tức, công an tiến lại rút thẻ ngành và dặn dò bà lão vào gọi hai cháu dậy, thả trâu ra khỏi chuồng để tránh đạn lạc.
Giờ phá án đã điểm, tiếng loa kêu gọi đầu hàng vang lên nhưng Chung "chón" vẫn cố thủ trong nhà. Phải ném đến quả lựu đạn hơi cay thứ 3 Chung mới chịu ra ngoài. Thế nhưng, vừa ra khỏi đám khói, nghi phạm đã vụt chạy ra cửa sau hòng tẩu thoát vào rừng.
Thượng uý Điện và cán bộ tên Nam đã dùng võ thuật quật ngã. Chung "chón" bị bắt, tay chân của hắn là Long, An cũng nhanh chóng sa lưới. Sau đó, Chung “chón” bị kết án tử hình, Long lãnh án 14 năm tù, An bị án 7 năm tù.