Hát bội, loại hình văn nghệ trình diễn cổ truyền ở Việt Nam từng là món ăn tinh thần đặc sắc hàng chục năm về trước, ngày nay theo thời gian đang dần bị mai một.
Hàng năm, nhân dịp Lễ hội Kỳ yên Hạ điền (tháng 6 âm lịch) ở xã Vĩnh Thạnh (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp), đoàn nghệ thuật tuồng cổ Sông Thanh - một trong những đoàn hát bội tư nhân hiếm hoi còn duy trì hoạt động đến ngày nay lại tham gia trình diễn những vở hát bội, phục vụ bà con nhân dân ở xã nghèo.
Lấy sân đình làm sân khấu trình diễn, và phía bên trong cánh gà là nơi sinh hoạt, các thành viên trong đoàn hát phải đến trải chiếu, ăn - ngủ tập trung ở đây trong suốt những ngày diễn ra lễ hội. Trong ảnh, Phương Hoàng Quý (18 tuổi) đang soạn lại trang phục cho buổi diễn vào buổi tối. Đây là năm thứ hai, em theo nghề hát bội.
Trước giờ diễn hai tiếng, các nghệ sĩ đã phải bắt đầu trang điểm ngay tại nơi ngủ nghỉ của mình. Trang điểm khuôn mặt trong hát bội thật sự là một nghệ thuật khi việc vẽ, pha màu cũng như áp dụng màu sắc cho đúng với vai diễn đòi hỏi người nghệ sĩ phải có trình độ chuyên môn cao và điêu luyện.
Theo nghề hát bội đến nay đã 33 năm và là một trong những người giàu kinh nghiệm nhất trong đoàn, nghệ sĩ Dũng Linh (tên thật Huỳnh Thanh Dũng) còn kiêm thêm nhiệm vụ quản lý, phân vai cho các diễn viên khác trong mỗi tuồng hát. Hôm nay, anh thủ vai Tiết Ứng Lưu trong vở "Tiết Nhơn Quý Chinh Tây". Mỗi nghệ sĩ đều trang bị cho mình một hộp đồ nghề chuyên dụng riêng, bao gồm các loại mỹ phẩm trang điểm, trang sức, bột màu và những vật dụng cá nhân. Nếu như ở một số loại hình nghệ thuật khác, công việc trang điểm cho các nghệ sĩ thường có người phụ trách riêng, thì ở hát bội, do đã không còn phổ biến và cũng để tiết kiệm chi phí, mỗi người nghệ sĩ đều phải tự biết trang điểm, vẽ mặt cho mình. Thời gian để vẽ xong một khuôn mặt khoảng 1 giờ.
Trong sân đình chật chội, sân khấu được dựng lên đơn giản, thô sơ, người dân tập trung ở sảnh chính chuẩn bị xem hát, còn nơi các nghệ sĩ nghỉ ngơi, trang điểm, chuẩn bị trang phục chỉ cách đó có vài bước chân.
Trong nghệ thuật hát bội, những màu sắc chính được trang điểm trên khuôn mặt thường để phân biệt tính tình, nhân sinh quan cũng như đạo đức của một nhân vật. Theo đó, sắc đỏ biểu thị cho người ngay thẳng, trung thành, đen tượng trưng cho người mạnh mẽ, hung tợn, trắng là người đa nghi, xảo trá,... Trong ảnh, nghệ sĩ Hề Lạc đang vẽ màu đỏ lên mặt, biểu thị cho trung thần. Năm nay đã 69 tuổi và theo nghề hát bội từ năm 14 tuổi, nghệ sĩ Hề Lạc tâm sự: "Tui học hát từ ba tui, rồi tui dạy cho con gái tui, cả gia đình đều theo nghề hát. Bây giờ khó khăn quá, người ta ít đi coi hát lại, tui buồn lắm chứ, nhưng mà hát là đam mê của tui rồi, không bỏ được, tới chừng nào còn sức là còn hát". Trong hộp cá nhân của ông, lúc nào cũng có lọ thuốc vitamin, ông uống trước khi lên sân khấu để có sức diễn.
Gần đó, nghệ sĩ Băng Kiều (con gái của nghệ sĩ Hề Lạc) cũng đang vẽ mặt, trong khi cô con gái Lê Yến Nhi (8 tuổi) đang chơi đùa. Bé được đi theo mẹ lưu diễn trong thời gian nghỉ hè.
Trong khi đó, một nghệ sĩ tranh thủ chợp mắt trước giờ diễn, ngay giữa không gian ồn ào, lộn xộn nơi sân đình.
Sau khi vẽ mặt, các nghệ sĩ sẽ đeo lên người rất nhiều trang sức như mũ, bông tai... và mặc trang phục rất cầu kỳ. Cái tên "hát bội" cũng xuất phát từ đây vì khi hoá trang, các diễn viên phải giắt (bội) những cờ phướn, lông công, lông trĩ... lên người. Trong ảnh, nghệ sĩ Kim Ngân đang chỉnh lại những chi tiết trên chiếc mũ được trang trí vô cùng cầu kỳ. Hôm nay, chị đóng vai nữ chính (đào chính) và được bầu đoàn trả 500.000 đồng/đêm. Trong khi đó, đào phụ, kép phụ (vai nam phụ) được trả 300.000 đồng, và thấp nhất là vai quân sĩ với giá từ 150.000-200.000 đồng/đêm.
Đối với những đứa trẻ ở vùng quê nghèo, còn thiếu thốn nhiều phương tiện giải trí, việc có một đoàn hát bội về diễn, với những cờ phướn, trang sức lấp lánh là một điều gì đó rất lạ lẫm và hấp dẫn. Chúng chen chúc, nép mình sau những ô cửa để được xem các nghệ sĩ đang trang điểm.
Cũng đóng vai kép chính trong vở diễn, nghệ sĩ Ngô Quốc Minh đã đội xong chiếc mũ với lông trĩ dài và đang tập lại những động tác trước khi lên sân khấu...
...trong khi đó nghệ sĩ Huy Hùng lại đang ngẫm lại những câu thoại.
Bữa ăn của các thành viên trong đoàn được bầu đoàn Kim Thanh Nhị nấu. Bữa ăn chỉ đơn giản là tô cơm trắng, thịt kho và thêm vài cái trứng luộc.
Trước giờ diễn, nghệ sĩ Hề Lạc thắp nhang khấn trước bàn thờ tổ nghề, với ước mong một đêm diễn thành công tốt đẹp. Đây là tập tục quen thuộc, không chỉ với nghề hát bội, mà còn ở tất cả loại hình trình diễn sân khấu khác ở Việt Nam.
Đến giờ bắt đầu vở tuồng, âm nhạc nổi lên, ánh đèn hắt vào sân khấu được trang trí giản dị, rèm được kéo ra và người dân ngồi ken kín bên dưới, ánh mắt mong chờ một buổi xem hát thật hay.
Hát bội là bộ môn nghệ thuật có sự kết hợp phức tạp giữa ca hát và điệu bộ. Trong đó, tất cả các động tác của nghệ sĩ trên sân khấu đều mang ý nghĩa tượng trưng sao cho với bối cảnh sân khấu và đạo cụ đơn giản, người coi hát có thể hình dung ra nhân vật và tình huống thật của câu chuyện. Trong quá khứ, người nghệ sĩ hát bội theo các điệu "Nam", "Khách", "thán", "oán" và "ngâm", khá khó nghe đối với những người không tìm hiểu. Tuy nhiên, theo thời gian, để hợp với thị hiếu người dân, người nghệ sĩ phải pha vào hát cải lương, hồ quảng. Tất cả những điều đó, kết hợp cùng động tác uyển chuyển của các diễn viên trên sân khấu rực rỡ sắc màu, tạo thành một vở tuồng sinh động, đẹp mắt.
Ở những vùng quê nghèo như xã Vĩnh Thạnh, trẻ em không có các thiết bị điện tử cao cấp, không có nhiều điểm vui chơi nên hát bội là hoạt động rất thu hút các em.
Dàn nhạc là yếu tố không thể thiếu của các vở hát bội. Nếu như ngày xưa, các nhạc cụ được dùng bao gồm rất nhiều loại như trống chiến, kèn, đồng la, đàn cò, ống sáo,... thì theo thời gian và sự phát triển, dàn nhạc được rút gọn chỉ còn đàn organ, trống, guitar điện tử, có thể giả được rất nhiều âm thanh khác nhau.
Ông Ba Xê (67 tuổi), vừa chăm chú xem hát vừa chia sẻ: "Mấy chục năm nay, năm nào cúng đình tui cũng đi, rồi ở lại coi hát bội luôn! Tui khoái nhất là coi cải lương với hát bội".
Ngày nay, các đoàn hát bội đang dần hiếm hoi, vì lượng khán giả yêu thích loại hình nghệ thuật này không còn nhiều. Các đoàn hát chủ yếu là những đoàn của đoàn văn công các tỉnh, thưa thớt các đoàn tư nhân như đoàn Sông Thanh, nhận hát tại các lễ hội đình thần ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Con gái của NSND Thanh Tòng cho biết ông nằm liệt giường nhiều tháng nay. Đến cuối đời, tình cảm ông dành cho bộ môn nghệ thuật cải lương vẫn vẹn nguyên như ngày nào.
Hà An Huy thừa nhận bản thân lạc lối trong một năm qua. Anh cảm thấy mình chưa xứng đáng với danh hiệu quán quân và đang cố gắng trở nên tốt hơn để đáp lại tình cảm của khán giả.