Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hát vì niềm vui của trẻ tự kỷ

Đêm biểu diễn do các em nhỏ yêu âm nhạc ở TP.HCM tổ chức. Toàn bộ số tiền thu về được dành cho 2 dự án trang bị phòng tâm vận động cho trẻ tự kỷ.

Vừa qua, tại Soul Live Project Complex (TP.HCM) đã diễn ra đêm nhạc "Share your music, Share your dream" do các thành viên trong Let's Jam tổ chức. Let's Jam là dự án hè mà các em nhỏ yêu âm nhạc ở TP.HCM muốn đóng góp cho cộng đồng trước khi bước vào năm học mới, do Khoa Năng Tấn, học sinh lớp 10 sáng lập.

Toàn bộ số tiền thu được từ đêm nhạc được dành cho 2 dự án trang bị phòng tâm vận động cho trẻ tự kỷ tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật TP.HCM và Trường tiểu học Trần Quốc Toản, quận 5 (TP.HCM). 

Phòng tâm vận động được trang bị các thiết bị, các đồ chơi đặc biệt để tạo cho trẻ tự kỷ có cảm giác an toàn, được thỏa các nhu cầu vận động và cảm giác rất khác biệt của mình.

dem nhac Let/Jam cho tre tu ky anh 1
Nguyễn Khôi Nguyên, cậu bé tự kỷ trở thành kỷ lục gia Việt Nam với việc đội chai lên đầu, tung 8 bóng trên xe đạp. Ảnh: Ban tổ chức.

Tại đêm nhạc, 16 tiết mục văn nghệ với nhiều thể loại được trình diễn, từ hát, đàn, nhảy và ấn tượng nhất có lẽ là màn xiếc đến từ Nguyễn Khôi Nguyên, cậu bé 16 tuổi được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác nhận thành tích "cậu bé tự kỷ đội chai trên đầu, tung 8 bóng trên xe đạp một bánh trong thời gian lâu nhất".

Nhắc đến nghệ sĩ xiếc, người ta thường nghĩ đến những con người nhanh nhẹn, hoạt bát, thế nên khi nhìn Khôi Nguyên mỉm cười, tự tin đứng trên sân khấu và khéo léo biểu diễn, ít ai biết em cũng là trẻ tự kỷ.

Đảm nhận vai trò MC, dẫn dắt đêm nhạc là "thần đồng" Đỗ Nhật Nam, vốn được nhiều bạn nhỏ thần tượng. Nam còn cùng với mẹ của mình giúp chương trình đấu giá 3 sản phẩm, thu về thêm số tiền gần 40 triệu đồng.

dem nhac Let/Jam cho tre tu ky anh 2
Đỗ Nhật Nam làm MC bên cạnh cô bạn nhỏ Jenny. Ảnh: Ban tổ chức.

Đêm nhạc với những tiết mục không chuyên được các em tập luyện suốt một tháng để có thể mang đến niềm vui cho các bạn tự kỷ. Tuy có đôi chỗ còn vụng về nhưng khán phòng vẫn chật kín chỗ, không một ai bỏ về giữa chừng bởi sự trân trọng dành cho tinh thần vì cộng đồng của các em.

Khoa Năng Tấn, học sinh lớp 10, sáng lập viên của Let's Jam phát biểu: "Sở dĩ trẻ tự kỷ là mục tiêu mà chúng em nhắm tới là vì sự hiểu biết của cộng đồng về các bạn còn ít, thậm chí có khi còn kỳ thị khiến các bạn không được giúp đỡ đúng mức để phát triển, để hòa nhập xã hội trong khả năng của mình".

Nhà có đứa con tự kỷ: Nước mắt chảy ngược

Có lúc mệt mỏi, có lúc tuyệt vọng, nhưng những gia đình có người thân mắc hội chứng tự kỷ vẫn luôn dùng tình yêu và lòng kiên nhẫn để tạo ra cuộc sống có ý nghĩa cho các em.

Hoài Thanh

Bạn có thể quan tâm