PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 (Hà Nội), cho biết nhu cầu xét nghiệm bệnh nhân khỏi Covid-19 cấp tính được xác định bởi mức độ nghiêm trọng, kết quả xét nghiệm bất thường trong thời gian bệnh cấp tính, các triệu chứng hiện tại của họ.
Hầu hết bệnh nhân có xét nghiệm bất thường tại thời điểm chẩn đoán đều cải thiện trong quá trình hồi phục. Bệnh nhân đã khỏi Covid-19, mắc bệnh nhẹ không cần xét nghiệm.
Đối với người bệnh hồi phục sau thời gian diễn biến nặng có dấu hiệu bất thường, người đã xuất viện hoặc những có các triệu chứng kéo dài không thể giải thích cần làm các xét nghiệm sau:
- Công thức máu.
- Sinh hóa máu (điện giải, urê máu, creatinine máu, chức năng gan, albumin).
Bác sĩ khám cho bệnh nhân hậu Covid-19. Ảnh: Minh Thúy. |
Các xét nghiệm chuyên sâu gồm:
- NT-proBNP, troponin ở những bệnh nhân có diễn tiến phức tạp do suy tim hoặc viêm cơ tim hoặc những người có các triệu chứng tim có thể do viêm cơ tim (ví dụ: Khó thở, tức ngực, phù).
- D-dimer ở bệnh nhân khó thở dai dẳng, mới khó thở không giải thích được hoặc ở bất kỳ người nào lo ngại bệnh huyết khối tắc mạch.
- Xét nghiệm tuyến giáp ở những người mệt mỏi hoặc suy nhược không rõ nguyên nhân.
- Creatinine kinase với bệnh nhân bị suy nhược hoặc căng cơ.
- Không theo dõi các thông số đông máu (ví dụ fibrinogen, các sản phẩm giáng hóa fibrinogen, thời gian thromboplastin hoạt hóa, INR và D-dimer) hoặc các dấu hiệu viêm (ví dụ tốc độ máu lắng, protein phản ứng C, ferritin, interleukin-6).
- Xét nghiệm Covid-19 và huyết thanh học - không thường xuyên xét nghiệm lại SARS-CoV-2 đang hoạt động tại thời điểm đánh giá bệnh nhân ngoại trú theo dõi.
- Không xét nghiệm kháng thể kháng SARS-CoV-2 ở những bệnh nhân bị nhiễm trùng cấp tính.
Ngoài ra, tùy vào mức độ nặng các bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân làm điện tim, chụp X-quang phổi, cắt lớp vi tính phổi, siêu âm tim, đo chức năng hô hấp, khí máu động mạch, test đi bộ 6 phút.