Covid-19 làm xáo trộn lịch làm việc trực tiếp trên văn phòng, khiến một số nhân viên phân vân rằng liệu lên công ty có thực sự tốt như trước đây họ thường nghĩ.
Derek Thompson, cây viết về mảng kinh tế, công nghệ và truyền thông của The Atlantic kiêm người dẫn chương trình podcast Crazy/Genius, chia sẻ về lợi ích thực sự mà chốn văn phòng đem lại cho nhân viên.
Lợi ích lớn nhất mà văn phòng mang lại không phải môi trường làm việc chuyên môn, mà là “công việc mềm”.
Đây không chỉ là quan điểm cá nhân của tôi, mà cũng là kết luận từ các chuyên gia Dave Holtz từ Đại học California-Berkeley (Mỹ) cùng Siddharth Suri, Longqi Yang và Sonia Jaffe đến từ Microsoft.
"Công việc mềm" là gì
Tôi là một người yêu chuộng làm việc tại văn phòng. Tôi nhớ những pha nghe lén, lời hứa hẹn về câu chuyện phiếm giữa giờ, cả những câu hỏi bâng quơ bỗng nhiên trở thành cuộc trò chuyện kéo dài cả nửa giờ. Trên lý thuyết, đó là sự phát triển về tính sáng tạo dựa trên những mối liên kết và tương tác trong văn phòng.
Chúng không phải là công việc chính mà tôi được trả công để làm tại văn phòng, và càng không phải những tiêu chuẩn để tính vào việc đánh giá hàng năm của tôi. Thay vào đó, tôi nghĩ rằng chúng là “công việc mềm” (soft work).
Còn “công việc chuyên môn” (hard work) là đọc tài liệu, nghiên cứu, gọi điện cho khách hàng, ghi chép lại những cuộc giao tiếp và viết lách. Với những người khác, công việc chuyên môn có thể bao gồm quản lý các nhân viên dưới quyền, làm việc trên Excel và PowerPoint, hoặc viết vô số email.
Nếu 18 tháng qua dạy cho chúng ta điều gì đó, nó chắc chắn là chuyện các nhân viên cổ cồn trắng có thể hoàn thành công việc chuyên môn như cách họ làm trên văn phòng, thậm chí xuất sắc hơn bởi đồng nghiệp của họ không gây xao nhãng.
Công việc mềm thì khác. Nó vừa không phải công việc chuyên môn, vừa không phải sự rảnh rỗi của bạn trong giờ hành chính như lướt mạng xã hội, xem video trên Internet...
Công việc mềm là đi uống cà phê cùng đồng nghiệp, cập nhật tình hình thể thao hay đơn thuần bao hàm mọi hoạt động bàn tán, giao lưu.
Nhóm chuyên gia đã nghiên cứu ảnh hưởng của 6 tháng đầu đại dịch đối với 61.000 nhân viên Microsoft. Họ xác nhận rằng làm việc từ xa tạo ra “sự cộng hưởng hài hòa và ổn định hơn”, nhưng đồng thời nhấn mạnh việc suy giảm giao tiếp nhóm khiến cho nhân viên “khó tiếp thu và chia sẻ thông tin hơn”.
Quan điểm này dựa trên hai loại kết nối tại văn phòng. Loại thứ nhất là “kết nối trong nhóm” - kiểu kết nối mà chúng ta có trong một nhóm làm việc đặt dưới quyền một người quản lý.
Loại thứ hai là “kết nối ngoài nhóm” - những mối quan hệ ngoài công việc mà chúng ta phát sinh trong quá trình làm việc.
Những kết nối ngoài nhóm này có thể tồn tại nhiều dạng. Trước đại dịch, có thể bạn thường ăn trưa với ai đó để buôn chuyện về việc nuôi dạy con cái. Trên đường ra nhà vệ sinh ở văn phòng, bạn thường dừng lại bàn làm việc của đồng nghiệp để nói về thể thao.
Làm việc từ xa đã “đạp đổ” mọi mối liên kết ngoài nhóm đó. Các nhà nghiên cứu đã phân loại và tập trung phân tích rất cụ thể và xác định rằng chỉ số liên kết đều giảm mạnh.
Làm việc từ xa
Tiếp theo, tới câu hỏi nghìn tỷ USD: Vậy ai quan tâm tới điều đó?
Trong hơn một thập kỷ trở lại đây, các chuyên gia về năng suất công việc đã nhắc nhở chúng ta rằng việc tương tác chéo nhóm và các mối quan hệ xã giao là chìa khóa vạn năng cho sự sáng tạo triệt để. Và văn phòng là minh chứng lớn cho luận điểm này.
Tuy nhiên, Internet đã giúp thực hiện điều đó ở quy mô lớn hơn nhiều so với bất kỳ văn phòng nào. Nếu làm việc trên văn phòng là một chuẩn mực không thể thay đổi, năng suất lao động toàn cầu đã rơi vào khủng hoảng khi đại dịch bùng phát.
Trên thực tế, thu nhập của doanh nghiệp vẫn tăng, tiền lương tăng và các thước đo chính thức về năng suất cũng đang tăng trên thực tế tại mọi bang ở Mỹ.
Chẳng hạn, chỉ số giao tiếp giữa các nhóm nhân viên Microsoft có thể vẫn còn ở mức thấp, nhưng hiệu suất chắc chắn không. Vào tháng 6, tập đoàn thông báo rằng thu nhập ròng hàng quý của họ đã tăng 47% hàng năm.
Hơn nữa, càng xem xét kỹ lưỡng nghiên cứu này, bạn càng nhận thấy nhiều cảnh báo.
Sự hợp tác trong văn phòng dường như là một thành tố cơ bản để giải quyết các vấn đề lớn, một phần do chúng xây dựng sự tin tưởng cần thiết. Từ đó, các nhóm có thể tự do trao đổi ý kiến và phản hồi mà không khiến mọi người ghét nhau.
Thế nhưng, rất nhiều sự hợp tác tại văn phòng lại trở thành sự lãng phí thời gian thuần túy. Một nghiên cứu khác cho thấy chúng ta bị “quá tải hợp tác” trong nhiều năm. Tốt hơn hết, chúng ta nên tiết kiệm tới 20% thời gian hợp tác với người khác để tránh bị kiệt sức.
Nhìn chung, văn phòng thực hiện xuất sắc nhiệm vụ gia tăng "công việc mềm" trong các nhóm nhỏ nhân viên. Bởi vậy, thay vì nghĩ rằng làm việc cực nhọc trên văn phòng công ty là điều bình thường, hãy quan niệm nó như một trong nhiều cách sắp xếp công việc của bạn mà thôi.