Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Hậu đại dịch, người trẻ yêu bếp, tự nấu ăn nhiều hơn

Từ thói quen ăn hàng hay mua đồ làm sẵn, trong đại dịch, nhiều người trẻ bắt đầu tự nấu ăn nhiều hơn, coi đây là thú vui trong cuộc sống và giúp tiết kiệm.

thich nau an nho dai dich anh 1

Ngày 21/9, khi Hà Nội nới lỏng giãn cách cũng là lúc Lê Nhật Nam (sinh năm 1997, nhân viên truyền thông) trở lại văn phòng làm việc.

Tan ca lúc 18h, thay vì tạt vào hàng cơm quen thuộc mua một suất đem về như trước, Nam về thẳng nhà, đem rau củ, thịt cá trong tủ lạnh ra sơ chế. Chẳng mấy chốc, bữa tối đủ chất gồm đĩa thịt cuốn lá lốt, cá sốt cà, canh cải hoàn thành.

Gần 2 tháng “work from home”, thực hiện giãn cách xã hội, từ chàng trai lười vào bếp, ngại lau dọn, Nam trở nên hào hứng với việc nghĩ menu cho bữa ăn ở nhà.

“Thời gian qua, tự dưng mình thấy ‘yêu bếp’ hơn hẳn. Giờ đi làm trở lại, mình vẫn duy trì thói quen nấu nướng, vừa tiết kiệm, an toàn và cũng vui nữa”, Nam nói với Zing.

Niềm vui mới

Trước đây công việc bận rộn, cộng thêm xuất hiện nhiều ứng dụng giao đồ ăn tiện lợi, Nhật Nam thừa nhận bản thân ngày càng ngại vào bếp khi nghĩ đến cảnh về nhà lại tiếp tục lụi hụi nấu nướng, dọn dẹp.

thich nau an nho dai dich anh 2

Nhật Nam từng ngại vào bếp vì bận rộn và ỷ lại vào các ứng dụng giao hàng.

Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, thành phố thực hiện giãn cách, hàng ăn uống cũng không còn được kinh doanh, Nam đành quay lại với nồi niêu, xoong chảo nếu không muốn “đói”.

Bắt đầu từ việc ôn lại các món từng nấu đến tham khảo công thức trên mạng, Nam dần lấy lại cảm giác nêm nếm thức ăn và biết thêm nhiều món mới.

Thi thoảng mời hàng xóm thuê cùng nhà sang ăn chung, nhận được nhiều phản ứng tích cực, thậm chí hỏi xin công thức, Nam bất ngờ, vui vui và có thêm động lực nấu nướng. Cũng từ khi tự vào bếp, Nam ăn uống đúng giờ hơn, không thất thường như trước.

Dần dần, chàng trai 24 tuổi thử sức với những món khó hơn, thậm chí làm cả chè, trà sữa, bánh ăn vặt.

“Trước đây đi ăn hàng thấy ngon quá, mình chưa bao giờ nghĩ sẽ có thể nấu được như họ. Tuy nhiên, mình nhận ra chỉ cần cẩn thận một chút, làm theo đúng hướng dẫn thì thành quả cũng không tồi. So với mua ngoài, kinh phí tự nấu các món này cũng rẻ hơn nhiều”.

Giống như Nhật Nam, Nguyễn Hoàng Yến Nhi (sinh năm 1999, Hà Nội) cũng thêm "yêu bếp" sau 2 tháng giãn cách xã hội. Nhi cho biết cô vốn sống một mình nên thường ăn ngoài, hoặc mua thực phẩm chế biến sẵn ở siêu thị, cửa hàng tiện lợi vì không quá cầu kỳ trong chuyện ăn uống.

Nhưng hồi tháng 8, khi khu vực sống bị phong tỏa vì có F0, Nhi phải nấu nướng ở nhà 24/7, học cách tính toán rau củ, thịt cá cho từng bữa ăn.

“Nghe tin cách 3 ngày mới được đi chợ một lần, mình lo lắm vì trước giờ chỉ mua sắm ở siêu thị. Mình phải cân nhắc kỹ nên mua thực phẩm nào, bảo quản ra sao, thay đổi thực đơn thế nào cho phù hợp. Công việc này tưởng dễ mà khó lắm”, cô kể.

Vừa làm việc tại nhà, Nhi vừa rèn thói quen nấu nướng 3 bữa mỗi ngày. Để nâng cao sức đề kháng trong dịch, cô ý thức rằng bản thân phải ăn uống đúng giờ, đầy đủ dinh dưỡng hơn trước.

“Nay, mình có thể nấu đa dạng các món từ mặn tới ngọt. Mỗi khi căng thẳng công việc, mình sẽ tìm và thử làm món mới như một cách xả stress. Cá nhân mình thấy cách này thực sự hiệu quả, vừa vui hơn, vừa khỏe hơn”.

Hứng thú nấu nướng hơn

Theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Asia Plus Inc. thực hiện trên 685 người tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng vào tháng 7, thói quen ăn uống của nhiều người thay đổi rõ rệt trong đại dịch, nhất là người trẻ.

Cụ thể, ở cả 3 bữa trong ngày, việc tự nấu và ăn tại nhà luôn chiếm tỷ lệ cao hơn so với ăn ngoài, mua về dùng hoặc các lý do khác với bữa sáng là 56%, trưa 53% và tối 73%. Đặc biệt với bữa tối, 69% bạn trẻ 18-22 tuổi; 70% người 23-39 tuổi chọn nấu và ăn tại nhà.

Cũng vì dành nhiều thời gian nấu nướng hơn, sự hứng thú với bếp núc cũng tăng lên trong nhiều bạn trẻ. Thử sức với công thức mới, nâng cao khả năng làm bếp và tìm thấy niềm vui trong nấu ăn là những lý do được nhiều người đồng tình.

Đối với nhóm 18-22 tuổi, việc tham khảo công thức, cách nấu nướng chủ yếu đến từ cha mẹ (58%) trong khi nhóm 22-39 tuổi học hỏi các nguồn trên YouTube (69%) hay bạn bè, người quen.

Kể từ khi "work from home", mỗi ngày Trần Trâm Anh (sinh năm 1996, Hà Nội) đều dành 30-45 phút lên mạng xã hội tìm công thức nấu các món mới. Cô muốn duy trì chế độ ăn eat clean để nâng cao sức khỏe, cải thiện vóc dáng.

Trước dịch, Trâm Anh không có nhiều thời gian nấu nướng hàng ngày do phải đi làm từ 8h tới 18h.

“Nhiều khi về nhà, mình chỉ ăn qua loa vài món hoặc đi ngủ luôn vì quá mệt mỏi. Giờ được làm ở nhà, mình muốn ăn uống đa dạng và tốt cho sức khỏe hơn”, cô nói.

Bên cạnh những món ăn lành mạnh, Trâm Anh cũng tự mua nguyên liệu về nấu một số món ăn đường phố, vốn thường thưởng thức ngoài hàng.

“Hàng quán đóng cửa vì dịch nên mình cũng thèm mấy món bún, phở… lắm. Lúc đi siêu thị, mình sẽ xem họ có những nguyên liệu gì, rồi về chế biến ‘phiên bản healthy’ của món đó”.

Từ một cô gái ngại bếp núc, June Nguyễn (sinh năm 1996, TP.HCM) nay đã trở thành “fan cứng” của nhiều kênh hướng dẫn nấu ăn theo chế độ eat clean.

June Nguyễn cho biết nếu không nhờ đợt giãn cách xã hội suốt 4 tháng ở TP.HCM, có lẽ cô vẫn giữ thói quen ăn ngoài phần lớn thời gian.

“Mình sống một mình nên ngại nấu nướng vì sợ thừa đồ ăn, cũng phí công sức. Nhưng phải vào bếp 24/7 suốt mùa dịch, mình dần tìm thấy niềm vui từ việc nấu ăn và luôn ‘tự làm mới’ bữa cơm hàng ngày bằng những công thức lạ”.

Ở nhà giãn cách, hội chị em học làm từ bún sườn đến bánh Trung thu

Có thời gian ở nhà nhiều hơn, không ít người tranh thủ nâng cao khả năng bếp núc, xem đây là cách giết thời gian, chăm sóc sức khỏe bản thân cũng như giải tỏa căng thẳng do dịch.

Ánh Hoàng - Trang Minh

Bạn có thể quan tâm