Mới đây, đề thi của trường THPT Nguyễn Hữu Thọ TP HCM gây chú ý với sự xuất hiện tình huống trong phim Hậu duệ mặt trời. Cụ thể, câu hỏi số 5 (2,5 điểm) yêu cầu: Trong tập 1 bộ phim Hậu duệ của mặt trời, cảnh đại uý Yoo Shi Jin (do diễn viên Song Joong Ki thủ vai) hất điện thoại trên tay bác sĩ Kang Mo Yeon (do diễn viên Song Hye Kyo thủ vai) thật ấn tượng.
Giả sử chiếc điện thoại nặng 150 g được đại uý ném thẳng đứng lên cao với vận tốc 18 km/h từ vị trí cách mặt đất 1,5 m. Chọn gốc thế năng ở mặt đất.
a) Tính động năng, thế năng, cơ năng của điện thoại ở vị trí ném; b) Tính độ cao cực đại mà điện thoại lên đến; c) Ở độ cao nào thì có thế năng bằng một nửa động năng? Tính vận tốc lúc đó".
Không mang ý nghĩa Vật lý
Đề thi đổi mới bằng cách mang hình ảnh trong một bộ phim đang được nhiều bạn trẻ quan tâm. Có người cho rằng, hành động hất điện thoại của người đang nghe máy là phản cảm. Hơn nữa, Hậu duệ mặt trời chưa được chiếu chính thức tại Việt Nam, nên không phải ai cũng xem phim.
Một số ý kiến khác lại biện luận, đề thi Vật lý ngắn gọn, chỉ cần nêu vấn đề gần gũi để học sinh hứng thú, vấn đề này có thể không ảnh hưởng nội dung dữ kiện đề bài.
Chia sẻ với Zing.vn, bạn đọc Bùi Công bày tỏ: “Đề thi phải đảm bảo tính giáo dục và chuyên môn. Đây là đề Vật lý, thay vào tình huống trong phim có thể ra đề bằng những hiện tượng Vật lý sẽ hay hơn. Thật đáng quan ngại về cách ra đề kiểu này”.
Tuy nhiên, một độc giả khác phản biện: “Bối cảnh trong phim chỉ có tác dụng khiến học sinh thích thú, còn lại những dữ kiện đề bài đều đáp ứng đầy đủ một đề thi. Chỉ có những người lười biếng mới cho rằng không xem phim thì không làm được bài”.
Tăng Hải Tuân, giáo viên trẻ dạy online, là tác giả của nhiều cuốn sách luyện thi Vật lý đại học, cho rằng: Việc đưa cảnh nam diễn viên hất điện thoại chỉ mang tính dẫn dắt đến câu hỏi của bài tập, chứ không có ý nghĩa thực tiễn lẫn Vật lý. Cách ra đề này chỉ "ăn theo" một hiện tượng, trào lưu của giới trẻ.
Giáo viên Tăng Hải Tuân. |
Giáo viên trẻ cho rằng, ngoài lượng fan của Hậu duệ mặt trời, không phải ai cũng xem bộ phim này nên mới xảy ra nhiều tình huống tranh cãi. Có người nghĩ cảnh hất điện thoại là phản giáo dục, nhưng cũng có ý kiến nêu quan điểm bình thường, thậm chí ấn tượng (như đề bài). Chính vì không phải ai cũng xem phim này nên có luồng ý kiến đề bài chỉ “làm màu” rồi đưa ra câu hỏi Vật lý.
Theo Tăng Hải Tuân, việc đưa tình tiết hất điện thoại thậm chí còn sai về mặt Vật lý.
Đề bài nói rằng "điện thoại được đại uý ném thẳng đứng lên cao với vận tốc 18 km/h từ vị trí cách mặt đất 1,5 m", sau đó đưa ra câu hỏi. Như vậy, thiếu sót đề bài là không bỏ qua sức cản của không khí và không coi điện thoại chỉ rơi theo phương thẳng đứng, không coi điện thoại là chất điểm khi chuyển động.
Đề mở cần chuẩn mực
Theo TS Ngữ văn Phạm Hữu Cường - người ra nhiều đề mở, bám sát những vấn đề thời sự - Hậu duệ mặt trời vào đề thi thể hiện hướng sáng tạo của giáo viên, tuy nhiên chi tiết nam diễn viên hất điện thoại của nữ bác sĩ không thật sự phù hợp học sinh. Bất kể đó là hành động ngăn cản việc nữ bác sĩ báo cảnh sát hay như thế nào đều gây phản cảm.
Tiến sĩ Ngữ văn Phạm Hữu Cường chia sẻ về cách ra đề mở. |
TS Phạm Hữu Cường. |
Bên cạnh đó, thầy Cường nêu quan điểm, đề mở không nên đề cập quá nhiều các bộ phim Hàn Quốc, có thể khiến học sinh phân tán tư tưởng khi làm bài hay quá thần tượng ngôi sao mà quên các vấn đề đáng được quan tâm hơn ở Việt Nam.
Vị tiến sĩ này cho rằng, với đề thi Vật lý, Ngữ văn hay bất cứ môn học nào khác, khi ra theo cách mở, ngoài cung cấp kiến thức, cần giáo dục lẽ sống và nhân cách cho học sinh.
Thầy Cường nêu, cần có quan điểm thống nhất cho các đề thi dạng mở, với chuẩn mực nhất định, quan tâm vấn đề trọng đại của đất nước, kích thích sự tìm tòi sáng tạo, chứa đựng “chìa khóa” để làm bài.
Nếu quá lạm dụng đề mở sẽ tạo nên những đề bài loãng, mờ nhạt, không sát thực tế, không hợp môi trường giáo dục, dễ tạo nên tranh cãi.