Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hậu giãn cách, nhân viên sửa điện thoại ở TP.HCM quá tải công việc

Thấy cảnh xếp hàng đông đúc trước tiệm sửa chữa di động trong những ngày đầu TP.HCM nới lỏng giãn cách, Lê Chu Báu không dám tấp xe vào dù điện thoại đã bị hỏng nhiều tháng nay.

Vài ngày sau, Báu (19 tuổi, ngụ ở thành phố Thủ Đức) cùng một người bạn nữa quay lại cửa hàng sửa chữa trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp) để thay kính cường lực cho điện thoại.

Báu cho biết mặt kính bị hỏng nặng từ tháng 7, nhưng do các nơi đều tạm ngưng hoạt động nên phải chấp nhận dùng tạm hơn 2 tháng.

“Mình thường xuyên làm rớt điện thoại nên cứ cách 1-2 tháng là đi thay kính hay sửa camera trước. Tuy nhiên, từ lúc lớp kính cường lực bị vỡ trong thời gian nghỉ dịch, mình tạm gỡ ra và sử dụng cẩn thận hơn. Hơi bất tiện một chút nhưng chịu vậy”, anh cho hay.

Để tránh cảnh đông đúc, Báu có mặt từ lúc 8h, đúng giờ đón khách của cửa hàng. Nhờ vậy, anh chỉ chờ khoảng 20 phút đã sửa xong điện thoại. Tổng chi phí cho ép kính mới, dán thêm mặt sau và kiểm tra bên trong mất khoảng 130.000 đồng.

sua dien thoai tphcm anh 1

Chị Hồng mua ốp lưng điện thoại tại một cửa hàng ở đường 3/2, quận 10.

Tương tự Chu Báu, không ít người phải lập tức mang chiếc điện thoại hỏng đi sửa ngay sau khi TP.HCM nới lỏng giãn cách.

Theo ghi nhận của Zing, các con phố tập trung nhiều cửa hàng sửa chữa thiết bị điện tử, bán phụ kiện đều trong tình trạng đông đúc.

Lượng khách hàng tăng cao nhưng nhân viên có hạn khiến nhiều nơi rơi vào tình trạng quá tải.

Hư pin vì hoạt động hết công suất

Suốt 4 tháng nay, Trương Anh Việt (22 tuổi, quận Tân Phú) chật vật với chiếc điện thoại bị bung màn hình, chỉ còn giắc cắm sạc pin. Không có cách khắc phục, Việt đành cất gọn điện thoại để chờ qua dịch rồi mang sửa.

“Sử dụng tiếp cũng không được vì rất dễ gây cháy nổ, không an toàn nên mình để đấy luôn, lâu lâu mở lên kiểm tra thôi. Không có điện thoại, mình cũng gặp khó khăn trong việc liên lạc với bạn bè, học online”, Việt nói.

Theo Việt quan sát, các cửa hàng sửa chữa thiết bị điện tử, bán phụ kiện đều đông dần vào chiều tối, thậm chí số người ghé qua trong một khung giờ tăng gấp đôi so với trước giãn cách. Tại nơi Việt sửa điện thoại, khách hàng được yêu cầu quét mã QR khai báo y tế, thực hiện quy định 5K để đảm bảo quy tắc phòng dịch.

“Mình đi lúc sáng nên chờ không lâu. Trước khi đến mình cũng đã kiểm tra giá cả của các tiệm uy tín để tránh bị hét giá cao”, Việt nói thêm.

Khi nhà trường thông báo chuyển sang hình thức học trực tuyến, điện thoại của Lê Thị Cẩm Ly (17 tuổi, quận Bình Thạnh) phải hoạt động liên tục với tần suất cao gần 10 tiếng/ngày. Sau nửa tháng, màn hình và pin có dấu hiệu bị hỏng, thường xuyên nóng máy, giật lag, khiến cô gái phải nghỉ vài tiết học.

Không có cửa hàng nào gần nhà mở cửa, Ly đành mượn tạm điện thoại của mẹ và nhờ thầy cô ghi âm để xem lại sau.

Nghe tin TP.HCM cho phép một số dịch vụ hoạt động trở lại, nữ sinh tranh thủ ngày nghỉ để mang máy đi sửa. Tuy nhiên, vì tiệm quá đông, không thể nhận thêm khách, người chủ hẹn Ly đến vào hôm sau.

“Chưa sửa được điện thoại nhưng mình có mua một số ốp lưng mới. Hậu nới lỏng giãn cách, các nhân viên đều làm việc tối đa năng suất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Một số cửa hàng mình đi qua thấy mọi người xếp hàng khá gần nhau, thậm chí có người còn kéo khẩu trang xuống để chụp hình, nói chuyện, vì sợ nhiễm bệnh nên mình không ghé vào đó”, Ly cho hay.

Nhân viên sửa chữa làm việc 13 tiếng/ngày

Duy Thức, nhân viên một cửa hàng phụ kiện điện thoại trên đường 3/2, quận 10, cho biết trong những ngày đầu thành phố nới lỏng giãn cách, nhiều người tìm đến cửa hàng để sửa hoặc làm mới điện thoại.

Vào cuối tuần, lượng khách có thể gấp đôi thời điểm trước dịch. Vấn đề khách gặp phải khá đa dạng từ vỡ màn hình, hư vỏ lưng, nứt camera điện thoại cho đến chai pin, hư loa vì sử dụng smartphone quá nhiều trong thời gian ở nhà.

"Một số người khác thì điện thoại không hư nhưng đến để vệ sinh, tân trang lại máy bằng cách mua ốp lưng hoặc thay kính cường lực".

Khách đông nhưng ít nhân viên hơn vì nhiều người còn mắc kẹt ở quê, chưa thể đi làm, chuyển nơi làm việc. "4-5 người hiện vẫn chưa thể đi làm. Những người khác muốn đi làm phải tiêm ít nhất một mũi vaccine", Thức cho biết.

Vì tình trạng quá tải, nhiều khách phải chấp nhận đứng xếp hàng, đợi lâu hơn bình thường. Trong khi các nhân viên ở cửa hàng thường làm việc nguyên ngày, thay vì theo ca như trước đây.

"Trung bình một ngày mình sẽ nhận khoảng 30 khách. Làm việc từ lúc mở cửa cho đến khi dọn hàng (8h-22h), được nghỉ trưa khoảng 1 tiếng", nhân viên cửa hàng nói.

Quốc Trung, nhân viên một cửa hàng chuyên bán và sửa chữa điện thoại trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, cho hay những ngày gần đây anh phải làm việc không ngơi tay vì khách vào ra liên tục.

"Cửa hàng nhỏ và phải giới hạn người vào để đảm bảo an toàn nên nhiều lúc, đặc biệt cuối tuần vừa rồi, khách phải xếp hàng chờ đợi ở bên ngoài".

Trung kể một số khách không chỉ sửa điện thoại của mình. Họ còn mang theo điện thoại của bạn bè, người thân đến sửa dùm.

"Phổ biến nhất là hư cục pin và vỡ màn hình. Không ít trường hợp hư nghiêm trọng phải tốn nhiều tiền thay mới, khách quyết định không sửa nữa mà chọn mua điện thoại mới luôn. Nhiều người cũng tâm sự là họ mua điện thoại mới để hỗ trợ con cái học online mùa này", Trung nói.

Nha sĩ mắc kẹt ở quê, nhiều phòng khám tại TP.HCM từ chối nhận khách

Ngay khi TP.HCM nới lỏng giãn cách, Minh Phương (25 tuổi, thành phố Thủ Đức) lập tức gọi đến đường dây nóng của phòng khám nha. Tuy nhiên, số điện thoại luôn trong tình trạng bận.

Phương Thảo - Huệ Lâm

Bạn có thể quan tâm