Không dám gần ai
Cách đây 7 năm, chị Minh (25 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) bị mọc một nốt nhọt ở hậu môn nhưng chủ quan không chữa trị. Đến nay, sau khi lập gia đình và mang thai ở tháng thứ 3, chị bỗng thấy xuất hiện thêm 3 nốt khác cũng tại vị trí này. Đáng chú ý, tất cả các nốt nhọt này đều rất mềm, không đau hay vỡ mủ nhưng có mùi hôi về mùa hè khiến chị xấu hổ không dám lại gần ai. Ngoài ra khi quan hệ vợ chồng, chị Minh rất khó chịu và đau rát.
Đi khám bệnh, chị được bác sĩ kết luận bị rò hậu môn. Đây là bệnh không hiếm gặp, ít nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Bệnh do nhiễm khuẩn mãn tính ở vùng hậu môn, gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường tập trung ở lứa tuổi trung niên trở đi.
Bệnh rò hậu môn tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng ảnh hưởng lớn đến cuộc sống. Ảnh minh họa. |
Vùng hậu môn, tầng sinh môn xuất hiện nốt nhỏ, thỉnh thoảng chảy dịch vàng hôi; xì hơi hoặc rỉ phân qua lỗ rò; xuất hiện mụn mủ, hậu môn sưng nóng, căng, nặn thấy mủ; đau tức vùng vết rò khi ấn… là những biểu hiện bệnh điển hình.
Bác sĩ Trương Gia Bảo, Trung tâm tư vấn Sức khỏe Việt cho biết, rò hậu môn do rất nhiều nguyên nhân gây nên, nhưng chủ yếu là biến chứng của một bệnh lí hay một ca phẫu thuật. Bệnh có thể do áp xe vùng hậu môn, trực tràng vỡ và tạo thành những lỗ rò; do tác động của vi khuẩn lao, thậm chí sau hậu phẫu trĩ, khâu cắt tầng sinh môn sau sinh…
Rò hậu môn có nhiều mức độ: Rò hậu môn hoàn toàn; không hoàn toàn; đơn giản; phức tạp; rò trong cơ thắt; ngoài cơ thắt; qua cơ thắt.
Đau đớn khi vá nốt rò
Theo bác sĩ Bảo, cách điều trị duy nhất của bệnh này là thực hiện phẫu thuật để vá nốt rò. Bệnh cần được điều trị sớm để tránh biến chứng vào phần hậu môn, trực tràng, tuy nhiên, rất dễ tái phát.
Có rất nhiều phương pháp thực hiện vá nốt rò tùy vào mức độ bệnh và sức khỏe của bệnh nhân. Khi điều trị, cần tìm chính xác vị trí, khoét và vét hết các ổ rò, vì vậy người bệnh sẽ phải chịu nhiều đau đớn. Bệnh thường hồi phục sau phẫu thuật 6 tuần.
Chế độ dinh dưỡng sau phẫu thuật của người bệnh nên bổ xung chất xơ, nước và ăn đồ ăn lỏng, dễ tiêu, kiêng chất kích thích rượu, bia…
Ngoài ra, sau phẫu thuật, nếu người bệnh có các biểu hiện đau tức tại vùng hậu môn, co bóp, cảm giác muốn rặn; sốt, táo bón, rối loạn đại tiện, nhiễm trùng… cần phải kịp thời khắc phục.
Căn bệnh này cần được điều trị tại bệnh viện, bởi bác sĩ chuyên môn về hậu môn trực tràng, vì đòi hỏi độ chính xác cao. Với bất kỳ sai sót nào của bác sĩ, đều có thể làm tổn thương cơ thắt, dễ mất tự chủ khi đại tiện.