Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hậu trường công phu của 'Inception'

"Inception" tái ngộ khán giả Việt Nam sau 10 năm. Đây là tác phẩm được xây dựng từ tâm huyết của Christopher Nolan và ê-kíp.

inception anh 1

Hoàn thành kịch bản trong 10 năm: Từ năm 16 tuổi, Christopher Nolan đã đau đáu ý tưởng xoay quanh bản chất của giấc mơ. Bản nháp đầu tiên được viết vào khoảng 7-8 năm trước khi Inception ra mắt. Theo đó, "thánh" Nolan mất gần một thập kỷ để hoàn thành kịch bản. Vị đạo diễn tài ba cho biết mấu chốt quan trọng trong cốt truyện là các yếu tố cảm động xoay quanh nhân vật chính. Điều này khiến Inception không chỉ là bộ phim thuộc thể loại trộm cướp thông thường mà còn nặng về tâm lý.

inception anh 2

Quy mô bối cảnh lớn: Sự tưởng tượng trong giấc mơ là vô hạn. Vì vậy, bối cảnh của Inception rất đa dạng. Đoàn làm phim đã di chuyển qua 6 nơi trong quá trình bấm máy bao gồm Mỹ, Morocco, Canada, Pháp, Anh và Nhật Bản.

inception anh 3

Cảnh quay trong hộp xoay: Trong Inception, Joseph Gordon-Levitt có phân cảnh hành động rượt đuổi ấn tượng trên dãy hành lang dài 30 m đang quay tròn. Đoàn làm phim có diễn viên đóng thế, Gordon-Levitt vẫn tự mình thể hiện trường đoạn. Nam diễn viên đã tham gia khóa đào tạo thể chất và chiến đấu để lấy những kỹ năng hành động căn bản. "Đó là trải nghiệm vui nhất nhưng cũng đau đớn nhất, theo hướng tích cực mà tôi từng có trên phim trường", Gordon-Levitt tâm sự trong họp báo ra mắt. Trường đoạn trên là công sức của hơn 500 con người.

inception anh 4

Cách tạo ra vụ nổ ở Paris: Chris Corbould, người chịu trách nhiệm hiệu ứng hình ảnh, đã sử dụng vòi rồng để thổi bay các vật thể trong cảnh quay ở Paris. Corbould chia sẻ: "Nhóm nghiên cứu đã sử dụng máy ảnh Photo Sonic với tốc độ màn chập ghi lại 1.500 khung hình mỗi giây". Theo đó, các nhân viên đồ họa có thể tinh chỉnh tốc độ, tạo hiệu ứng đồ vật lơ lửng trong không khí khi hậu kỳ.

inception anh 5

Bị bão tuyết cản trở: Quay phim Wally Pfister tiết lộ ê-kíp mất 2 tuần để hoàn thành phân cảnh giấc mơ của Eames tại Calgary, Canada. Khi thiết lập bối cảnh, đoàn làm phim đã cầu nguyện để tuyết rơi, đồng thời tính tới phương án sử dụng tuyết nhân tạo bởi lẽ tuyết đã không xuất hiện tại địa điểm này trong gần một năm. Tuy nhiên, một trận bão tuyết đã xảy ra đúng thời gian bấm máy. Pfister cho biết: "Chúng ta nên cẩn thận với những điều ước. Bão tuyết đã khiến việc quay phim trở nên khó khăn và không thoải mái vì quá lạnh".

inception anh 6

Hạn chế CGI: "Có quá nhiều người đang sử dụng CGI chỉ để khoe rằng họ dùng công nghệ đắt tiền trong phim”, Nolan từng tỏ ý không hài lòng về việc lạm dụng công nghệ trong điện ảnh. Với Inception, nhà làm phim lựa chọn quay người thật diễn rồi tinh tế lồng ghép với kỹ xảo hoạt hình máy tính. Theo đó, ê-kíp đồ họa có thể tính toán chi tiết cơ chế hoạt động của các sự kiện ở thực tế.

inception anh 7

Sống cùng nhân vật: DiCaprio gặp mặt cùng Christopher Nolan mỗi ngày, trong vòng hai tháng, để nghiên cứu về nhân vật Cobb. Ngược lại, nhờ sự trao đổi với nam diễn viên, người cầm trịch dự án được tiếp thêm nguồn cảm hứng. “Tôi đã tận dụng khá nhiều ý tưởng của DiCaprio. Anh ấy phân tích kỹ lưỡng đặc điểm và hướng phát triển tâm lý của nhân vật. Tôi cho rằng độ sâu tâm lý của Cobb được cải thiện tốt hơn nhờ DiCaprio”, Nolan nói với The Los Angeles Times.

inception anh 8

Phân cảnh rượt đuổi trong đám đông: Trong cảnh quay ở Kenya, Cobb có cuộc rượt đuổi trên những con phố đông đúc. Tại họp báo ra mắt phim, Leonardo DiCaprio tiết lộ về hậu trường: "Tôi nghĩ đây là cảnh hành động khó khăn nhất vì phải len lỏi qua quá nhiều người. Nhiều lúc, tôi có cảm giác như mình là trái bóng, va từ người này đến người khác. Dù khó khăn, cả đoàn phim đã nỗ lực và thu được kết quả ngoạn mục".

Hạ An

Bạn có thể quan tâm