Những con số kỷ lục và ấn tượng
Địch nhân kiệt: Rồng biển trỗi dậy/Young Detective Dee: Rise of the Sea Dragon của đạo diễn Từ Khắc đã thắng lớn sau dịp quốc khánh của Trung Quốc đầu tháng 10 vừa qua. Phim cũng lập kỷ lục mang về doanh thu gần 600 triệu tệ sau bảy ngày ra mắt người hâm mộ, tăng 50% so với doanh thu 390 triệu tệ (1,3 nghìn tỷ đồng) của năm 2012.
Địch nhân kiệt: Rồng biển trỗi dậy đang toàn thắng và phá kỷ lục của chính đạo diễn Từ Khắc.. |
Tính đến thời điểm ngày 14/10, doanh thu của phim đã lên đến 544 triệu tệ (1,8 nghìn tỷ đồng), vượt qua kỷ lục mà Từ Khắc mang về cho Long môn phi giáp trước đó là 540,6 triệu tệ, đồng thời trở thành bộ phim hành động cổ trang ăn khách nhất mọi thời đại của điện ảnh Trung Quốc đại lục.
Phim được đánh giá cao khi "xuất xưởng" tại các rạp chiếu thế giới, được trang phim IMDb chấm điểm 6.6/10, một dấu hiệu vui cho các nhà làm phim của Rồng biển trỗi dậy.
Sau khi xem phim, chủ đề mà người hâm mộ nhắc đến nhiều nhất chính là những cảnh giao đấu dưới nước long trời lở đất, những pha hành động ngoạn mục và đẹp mắt với kỹ xảo 3D dưới nước hoành tráng lần đầu tiên xuất hiện trong điện ảnh 3D thế giới.
Đạo diễn Từ Khắc luôn là người thích thử thách những điều mới mẻ và tạo bước đột phá trong điện ảnh. |
Toàn bộ những cảnh núi non trùng điệp, tầng tầng lớp lớp hùng vĩ, hay cảnh hoàng cung, đảo rơi đều được đạo diễn Từ Khắc chăm chút vô cùng tỉ mỉ. Đặc biệt, những hiệu ứng thị giác đáng kinh ngạc trong phim khiến người hâm mộ mê mẩn không những mang lại những con số ấn tượng từ doanh thu mà còn cho các chuyên gia nhận thấy những cơ hội mới trong cách thể hiện loại hình phim cổ trang của điện ảnh Hoa ngữ.
Phá vỡ giới hạn, tiếp cận công nghệ 3D dưới nước đầu tiên
Trước khi bắt tay thực hiện dự án Địch Nhân Kiệt 3D, Từ Khắc đã nghĩ đến những cảnh quay phải được thực hiện sao cho có sự kích thích và khiêu khích cực độ đối với người xem. Giới làm phim thực sự ngỡ ngàng và kinh ngạc trước kinh phí 150 triệu tệ (509 tỷ đồng) nhưng "đáng đồng tiền bát gạo" mà phim bỏ ra.
Những cảnh quay dưới nước với hiệu ứng kỹ xảo 3D luôn là giấc mơ của Từ Khắc từ trước đến giờ. |
Cảnh quay cưỡi ngựa dưới nước trong Rồng biển trỗi dậy vốn là giấc mơ bao năm nay mà đạo diễn Từ Khắc vẫn ấp ủ. Cuối cùng ước muốn đó cũng đã trở thành sự thực một cách linh hoạt và thuần thục. Hình ảnh Phùng Thiệu Phong và Triệu Hựu Đình cưỡi ngựa dưới nước đã khiến khán giả phải thốt lên: "Ngựa thần chính là đây".
Hồ nước lớn và máy quay dưới nước gần 3 tạ
Tiết lộ mới đây của đoàn phim về kỹ thuật cũng như công nghệ quay kỹ xảo 3D dưới nước cũng khiến dư luận thêm ngạc nhiên.
Trong 3 tháng, đoàn phim đã kỳ công đào một hồ nước có chiều rộng 30m, chiều dài 60m, chiều sâu hơn 3m, được coi là "chiếc hòm nước lớn". Thế nhưng chiếc hồ dường như chưa đáp ứng yêu cầu, vì vậy đoàn đã tìm được một hồ bơi gần đó có chiều sâu 8m để phục vụ quay cho duy nhất cảnh cưỡi ngựa dưới nước.
Bên cạnh đó, chỉ đạo mỹ thuật đã tự thiết kế ra những loại máy móc chuyên dùng như máy tạo sóng (một máy bơm nước có đường kính 3m), máy tạo bọt, thậm chí cả những vòi rồng phun nước để phối hợp thật nhịp nhàng.
Khi mới khởi quay, đoàn phim thậm chí phải sử dụng phiên bản quay beta đang trong thời gian thử nghiệm. Do đó tất cả các vấn đề như trọng lượng của két nước thủy tinh, giới hạn thời gian tối đa dưới nước, nhiệt độ của các thiết bị... đều được kiểm tra chặt chẽ và nghiêm ngặt trước và sau khi vận hành.
Hàng chục nhân viên từ thợ lặn, kỹ thuật... ngụp lặn trong bể nước tự tạo, phục vụ cho những cảnh quay 3D dưới nước hoành tráng. |
Riêng đội kỹ thuật 3D gồm 15 thành viên đến từ một công ty kỹ thuật điện ảnh ở Bắc Kinh, 3 nhân viên kỹ thuật lặn từ Australia giúp hỡ trợ quay phim 3D dưới nước. Phần hậu kỳ kỹ xảo CG được hoàn thành nhờ sự hợp tác với các công ty ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc... Ngoài ra, hàng chục thợ lặn được huy động hỗ trợ và quay phim 3D dưới nước từ Australia Ross Lsaacs tham gia hoàn thành cảnh quay.
Thiết bị quay có trọng lượng hơn 260kg đã mang lại cho người xem những khung hình 3D lung linh và choáng ngợp dưới nước. Thiết bị này khi ở trên cạn phải dùng đến sức của 5 - 6 người vận hành nhưng khi xuống nước chỉ cần một người là đủ.
Kỹ thuật quay, vận hành dưới nước phối hợp nhịp nhàng và có kế hoạch tỉ mỉ
Công việc được tiến hành tuần tự: máy quay dưới nước được đặt vào hòm thủy tinh chứa nước, được nối với dây cáp (chống nước), một màn hình monitor nối với máy quay bằng hệ thống dây chống thấm. Quay phim dưới nước quay và quan sát qua monitor, trong khi đạo diễn theo dõi qua một monitor khác trên bờ.
Khi quay dưới nước, hệ thống loa giúp nhân viên dưới nước và đạo diễn trên bờ có thể liên lạc và giải quyết các tình huống. Ngược lại, giữa diễn viên và những nhân viên khác không thể nào giao tiếp được với nhau mỗi khi cần kíp. Tình huống này được xử lý bằng cách phân công đầu việc cũng như sắp xếp mọi thao tác, kịch bản, cảnh quay... một cách đồng nhất.
Quay phim chính dưới nước Ross Lsaacs là người có đủ thể lực cũng như trọng lượng và kinh nghiệm quay phim 3D ở môi trường nước. |
Theo chia sẻ của giám đốc kỹ thuật Stego, mỗi ngày trước khi chuẩn bị cho cảnh quay, đoàn phim phải kiểm tra giám sát hết sức gắt gao hệ thống chống thấm, áp lực và chống nóng trong hòm nước, xác định các cảnh quay cũng như độ giài thời gian quay là bao lâu.
Tất cả các khâu đều được chuẩn bị và giám sát một cách tỉ mỉ. Sau ngày quay phải tiến hành kiểm tra một lần, ngày hôm sau sẽ được kiểm tra lần hai trước khi quay. Đặc biệt theo dõi áp lực trong hòm nước có sự thay đổi hay không, có rò rỉ nước, không khí từ bên ngoài đều lập tức được báo cáo và sửa chữa kịp thời.
Mặt khác, do nhiệt độ dưới nước lạnh hơn trên bờ, vì vậy dễ dẫn đến tình trạng ống kính máy quay cũng như hòm nước bị nhòe, dính hơi nước. Do đó phải kiểm tra đều đặn, đặc biệt kiểm tra máy quay có bị nóng hay không, nếu không sẽ phải thay những linh kiện gây nóng trong máy, giúp cải thiện tình trạng máy bị nóng. Phần chính đoàn phim phải để các hộp đá vào bên trong hòm nước, giúp nhiệt độ bên trong không chênh lệch so với nước bên ngoài.
Về nhân lực cũng phải chú ý đến sự khó khăn trong phối hợp của các đội nhân viên... Trong đó kỹ xảo quay trước phông nền xanh dưới nước cũng là một trở ngại lớn. Ngoài ra, nhiệt lượng tiêu hao của quay phim khi ở dưới nước là khá lớn. Ngay cả diễn viên cũng không là ngoại lệ, đặc biệt là những cảnh hành động dưới nước...
Nam diễn viên Triệu Hựu Đình (vai Địch Nhân Kiệt) là người có nhiều cảnh quay dưới nước nhất. Anh cho biết, việc biết bơi hay không đã không còn quan trọng bởi yêu cầu của kịch bản là khả năng lặn dưới nước trong thời gian dài.
Triệu Hựu Đình ngụp lặn trong hồ nước cho các cảnh quay hoành tráng trên phim. |
Làm thế nào đề hoạt động dưới độ sâu 5-6m nước, cũng như đứng vững trong nước, đoàn phim đã phải gắn thêm một khối trì lớn vào người Triệu Hựu Đình cũng như Phùng Thiệu Phong. Khi diễn viên lên hoặc xuống nước, tất cả đều được hệ thống dây cáp vận hành bằng máy hỗ trợ. Nhiều khi trong quá trình quay, gặp rắc rối khiến diễn viên phải ngoi lên để lấy dưỡng khí.
Những khi diễn viên không kịp ngoi lên thở, đội thợ lặn túc trực được ra hiệu cung cấp oxy ngay dưới nước. |
Triệu Hựu Đình cười tươi rói sau phút ngoi lên lấy dưỡng khí mà không hề hay biết máu mũi ộc ra tự lúc nào. |
Với mực nước sâu 9m, phải hoạt động trong thời gian dài, vì vậy khi ngoi lên, Triệu Hựu Đình thường bị chảy máu mũi. Mỗi lần thấy tình cảnh này, đạo diễn cũng như nhân viên đoàn đều cảm thấy xót cho diễn viên, đồng thời càng thêm khâm phục tinh thần hy sinh vì nghệ thuật của một nghệ sĩ trẻ như Triệu Hựu Đình.
Diễn viên khi lên hoặc xuống nước bằng hệ thống dây cáp, cơ thể còn gắn một khối trì để tạo sức nặng và độ vững. |
Đạo diễn Từ Khắc chia sẻ, người không thể hoạt động quá lâu dưới nước, thông thường phải đeo bình oxy. Một ngày không thể quay quá lâu dưới nước, như vậy sẽ phải hít quá nhiều khí CO2. Trong khi quay phim không được phép đeo bình oxy, do vậy càng không thể quay lâu.
Để đảm bảo an toàn cho diễn viên khi tham gia phim, đặc biệt những diễn viên có cảnh quay dưới nước như Angelababy, Phùng Thiệu Phong... đều phải qua một khóa huấn luyện nín thở dưới nước vô cùng nghiêm ngặt. Hơn nữa, khi quay luôn có đội ngũ cứu hộ túc trực và sẵn sàng vào cuộc trong các tình huống bất ngờ.
Máy quay 160kg được đưa xuống nước bằng cách gia tăng trọng lượng và điều khiển dễ dàng bởi một chuyên gia quay phim người Australia. |
Diễn viên và nhân viên đoàn phim vật lộn trong hồ nước được tạo sóng y như ngoài đại dương. |
Trong phim còn xuất hiện hình ảnh những chiếc tàu chiến trong cơn cuồng phong trên biển. Đội đạo cụ đã thiết kế 2 - 3 chiếc tàu chiến có tỉ lệ 1:1, sau đó được thả vào hồ do đoàn tự đào trước đó (rộng 30m, dài 60m). Hình ảnh chân thực của những con tàu khi va chạm vào nhau và bị gẫy làm đôi, tạo cảm giác sống động cho khán giả.
Kim Bum hóa quái vật và bí mật cảnh yêu.
"Hotboy" xứ Hàn Kim Bum được giao vai Nguyên Cẩn, một thi sĩ trẻ điển trai và thư sinh. Trong phim, để thể hiện những cảnh tình tứ, Angelababy (vai Duệ Cơ) đã nghĩ đến Kim Bum đúng như những cảm xúc cô dành cho anh khi ở ngoài đời - một thần tượng điển trai, nổi tiếng của Hàn Quốc.
Đạo diễn Từ Khắc nhiều lần ôm ấp nhân viên trường quay hoặc chính Kim Bum để diễn thử cho cảnh yêu của Angelababy và Kim Bum. |
Cảm xúc này đã khiến Angelababy nhập vai khá "ngọt". Tuy vậy những màn ôm ấp, tình tự chưa phải chỉ dừng ở đó. Trong phim còn xuất hiện cảnh mây mưa giữa Nguyên công tử (Nguyên Cẩn) và nàng Duệ Cơ. Có lẽ đây là cảnh nóng duy nhất trong phim dành cho hai diễn viên trẻ. Để tạo những xúc cảm, hành động cũng như ánh mắt cho cả hai ngôi sao trẻ, đạo diễn Từ Khắc đã tự mình "lăn xả" và làm mẫu cho Kim Bum cũng như Angelababy.
Có lúc Từ Khắc ôm một nhân viên ở trường quay và làm mẫu cảnh "giường chiếu", ánh mắt mơ màng và say đắm như một cô nữ sinh. Có lúc đạo diễn lại ôm Kim Bum để giúp anh hiểu trạng thái và cảm xúc của nhân vật. Khi thì Từ Khắc cầm dải lụa và giả bộ trong vai của Angelababy với vẻ mời gọi trên giường...
Những hành động trên của đạo diễn khiến Angelababy và Kim Bum thêm hiểu nhân vật của mình, tạo thêm hưng phấn cho cả hai nhập hồn với cảnh nóng nhất của Rồng biển trỗi dậy.
Duệ Cơ kinh hãi khi phát trước quái vật rồng biển, tình cảm của nàng dành cho Long Vương vẫn không hề đổi thay. |
Cặp đôi trẻ quấn quýt và hạnh phúc không được bao lâu, Duệ Cơ mới phát hiển Nguyên Cẩn lại chính là Long Vương (rồng biển), hình thù quái gở, gớm ghiếc. Để tạo hình cho vai diễn này, Kim Bum phải ngồi liền 4 giờ đồng hồ cho các chuyên gia hóa trang "phù phép" thành một quái vật biển hung ác.
Mỗi khi khoác lên mình tầng tầng lớp lớp hóa trang, nam diễn viên sinh năm 1989 cảm thấy hết sức ngột ngạt và nóng bức. Đoàn phim đã nghĩ đến việc sử dụng diễn viên đóng thế nhưng Kim Bum nhất quyết tự mình thể hiện.
Ngôi sao Boys Over Flowers cho rằng nếu không tự mình diễn vai quái vật, Duệ Cơ sẽ khó lòng nhận ra rồng biển cũng chính là Nguyên Cẩn. Cho dù mang ngoại hình quái vật gớm ghiếc nhưng nội tâm và tình cảm của hắn vẫn là của chàng nho sinh. Có như vậy anh mới cảm nhận được tình cảm của Duệ Cơ dành cho mình vẫn sắt son, không thay đổi.
Quá trình hóa trang của Kim Bum để trở thành quái vật rồng biển trong Địch Nhân Kiệt 3D. |
Ngôi sao Boys Over Flowers tự mình đảm nhiệm vai diễn khi phải hóa trang vô cùng khó chịu, có như vậy anh mới mong người tình Duệ Cơ nhận ra bản thân, dù thân xác có là quái vật. |