Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hãy bắt đầu từ 'Quang Trung - Nguyễn Huệ là anh em'

Phóng sự mới đây của Chuyển động 24h về thực trạng học sinh thờ ơ và dốt lịch sử gây xôn xao trong dư luận suốt tuần qua.

Bỏ qua cách làm và phỏng vấn còn tranh luận của VTV, chúng ta vẫn thấy trong đó không chỉ sự thật rất bình thường nhưng rất cần nói đến, mà còn thấy sự vô tư đáng yêu của các em nữa.

Các em không hề dốt như phần đông chúng ta nghĩ.

Các em cũng không có lỗi gì cả.

Vì một lẽ đơn giản: Không chỉ vài học sinh, thậm chí nhiều người Việt thờ ơ với lịch sử.

Trong khi đó, lịch sử của ta, hay của bất kỳ dân tộc nào cũng vậy, là món ăn đầy hấp dẫn với tâm hồn và trí tuệ dành sẵn cho người dân cơ mà. Ở Mỹ và Trung Quốc rồi Hàn Quốc, lịch sử còn là nguồn cảm hứng cho các kịch bản phim của ngành công nghiệp điện ảnh trị giáo nhiều tỷ đô la.

Vậy thì đã đến lúc chúng ta phải đối diện trực tiếp và bắt tay vào thay đổi thực trạng này. 

Thậm chí phải làm ầm lên.

'Trẻ hiểu sai về Quang Trung - Nguyễn Huệ là đương nhiên'

TS Vũ Thu Hương – khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ, chuyện học sinh nhầm lẫn kiến thức Lịch sử đương nhiên sẽ xảy ra khi môn học này chỉ là phụ.

Trước khi đi sâu vào phân tích một cách học thuật, chúng tôi xin đề xuất một cách dạy về Quang Trung và Nguyễn Huệ cho học sinh ở TP HCM theo hướng: "Quang Trung và Nguyễn Huệ là... 2 anh em".

Giáo viên: Chào các em. Hôm nay, chúng ta sẽ thảo luận chủ đề lịch sử về Quang Trung và Nguyễn Huệ nhé.

Học sinh: Ngơ ngác!!!

Giáo viên: Các em đều biết đấy, ở Sài Gòn chúng ta có 2 con phố và đường tên Quang Trung và Nguyễn Huệ. Có đúng không nhỉ?

Học sinh: Dạ đúng ạ. Ai cũng biết mà.

Giáo viên: Ừ, có lẽ khi đặt tên đường phố như vậy, các nhà làm công tác quản lý đô thị của thành phố chúng ta đã cân nhắc tại sao lại đặt đường phố này là Quang Trung và đường phố kia là Nguyễn Huệ. Các em có nghĩ có lý do đó không?

Học sinh: Chúng em nghĩ là có lý do ạ.

Giáo viên: Các em đều biết đấy, giá đất ở Nguyễn Huệ chắc tiền tỷ cho từng m2 và thuộc loại đắt nhất thế giới. Không biết có phải do Nguyễn Huệ là vua trước kia không nhỉ?

Học sinh: Ô thế ông ấy là vua thật sao ạ?

Giáo viên: Đúng vậy.

Giáo viên nói đôi điều về ông vua tên Nguyễn Huệ, rồi hỏi học sinh: "Vậy tại giá nhà đất ở trên đường Quang Trung lại thua xa giá nhà đất ở đường Nguyễn Huệ các em nhỉ?

Học sinh: Có lẽ vì Quang Trung chỉ là em của Nguyễn Huệ!!!

Giáo viên: Các em có chắc không?

Học sinh:....

Sau đó giáo viên mới tiếp cận chủ đề lịch sử này bằng câu chuyện học thuật thật sự.

Chúng tôi tin rằng, có rất nhiều cách tiếp cận khác nữa cho bài học lịch sử để chúng ta dạy môn học này theo phương pháp sau đây:

1. Được dạy dưới dạng truyện kể. Giáo viên dạy sử phải là những người kể chuyện tài năng bằng cả lời nói, hình ảnh, phim và qua hình thức trải nghiệm...

2. Lịch sử phải được tiếp cận như môn khoa học thực thụ mà trong đó có đầy đủ phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu và nhất là tư duy lịch sử: Quan sát, phân tích, đặt giả thuyết, chứng minh, tổng hợp, tranh luận và phản biện.

Nhưng, rất tiếc ở Việt Nam, môn Lịch sử được tiếp cận theo cách khác và thiếu toàn bộ các thứ trên. Vì thế, mọi học sinh tốt nghiệp phổ thông đều thiếu một tư duy nền tảng quan trọng bậc nhất: Tư duy lịch sử.

Đó là một điều đáng tiếc và chua xót vô cùng cho một nền giáo dục.

Chúng ta cần phải thay đổi. Đó là điều không cần bàn cãi nữa.

Trong khuôn khổ một bài báo ngắn, chúng tôi xin được đưa ra 3 hướng đi nhằm giải quyết tình trạng trên:

1. Viết lại toàn bộ sách Lịch sử.

2. Đổi mới tận gốc cách dạy và học môn Lịch sử.

3. Đưa môn xã hội học toàn diện vào dạy cho học sinh tiểu học, trong đó Lịch sử là một bộ phận cấu thành nên môn học cùng với văn hóa, địa lý, kinh tế học, đúng như cách mà Mỹ và Nhật đã và đang làm. Trong đó, tại Nhật Bản, môn Xã hội học quan trọng thứ hai sau quốc ngữ (môn tiếng Nhật ) đối với học sinh tiểu học.

Chỉ khi nào làm được những điều đó thì chúng ta hãy ngăn cấm hay chỉ trích việc các em cho rằng Quang Trung và Nguyễn Huệ là 2 anh em.

TS Đoàn Hương: Không bất ngờ vì trẻ nhầm Quang Trung

Tình trạng 37/40 em học sinh trả lời sai về Quang Trung - Nguyễn Huệ là điều không làm TS khoa học Đoàn Hương choáng váng.


Nguyễn Tuấn Hải

Nhà sáng lập Eton Grammar School

Bạn có thể quan tâm