Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hãy để tiếng chuông chùa ngân vang trong tâm hồn mỗi người

Thông tin bắt người quản lý trẻ ở chùa Bồ Đề khiến cộng đồng mạng “dậy sóng” những ngày qua. Trên các diễn đàn, câu chuyện chùa Bồ Đề đều được nói tới với cái lắc đầu buồn bã.

Cửa Phật bị mượn danh làm điều ác

Ai gây ra tội lỗi đều phải chịu tội và nhận quả báo về sau là quan điểm của nhiều bạn đọc về việc Công an Hà Nội bắt Nguyễn Thị Thanh Trang, người phục vụ ở chùa Bồ Đề để điều tra về hành vi buôn bán trẻ em vào ngày 3/8 vừa qua.

Cửa Phật vốn từ bi và bác ái nên nhiều người cho rằng không thể để những người xấu làm ảnh hưởng đến sự thanh tịnh nơi cửa chùa. “Không thể để cho một vết nhơ làm hoen ố màu vàng tươi tựa ánh hào quang của nhà Phật. Hãy để cho tiếng chuông chùa ngân vang sâu thẳm trong tận tâm hồn của mỗi người. Hãy chịu đau mà cắt đi khối u nhức nhối để cho cơ thể được khỏe manh và trong lành...”.

Bạn Toàn Minh viết: “Là một Phật tử trong mùa Vu Lan, tôi rất buồn khi biết vụ việc này. Rất hoan nghênh các nhà báo đã đấu tranh hết mình cho công lý. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta quy kết cho toàn bộ Đại đạo, chỉ vì một vài tà sư mà chán ghét Chánh pháp thì quả thật đáng tiếc”.

Theo quan điểm của bạn Tùy Phong, những ai vẫn hằng lui tới cửa chùa nói chung và chùa Bồ Đề nói riêng để chung tay với sư thầy chăm sóc các em nhỏ hãy tiếp tục đến để làm việc thiện với đúng tâm nguyện của mình, bởi các em nhỏ vẫn là những người đáng thương nhất. Còn những người lợi dụng cửa Phật để làm điều ác chắc chắn sẽ bị pháp luật trừng trị.

Cuộc sống của các em nhỏ bên trong chùa Bồ Đề.
Cuộc sống của các em nhỏ bên trong chùa Bồ Đề.

Nhiều mảnh đời bất hạnh vẫn cần sự chở che từ nhà chùa

Câu chuyện trẻ em bị mua bán ngay chốn cửa chùa gây sốc đến nhiều người, nhưng không thể phủ nhận tấm lòng và công sức của những người đang ngày đêm chăm sóc cho các bé bị bỏ rơi ở chùa Bồ Đề trong suốt những năm qua. Các em nhỏ có thể chết, hoặc bị buôn bán nếu không được nhà chùa cưu mang sau khi bị chính những người sinh thành bỏ rơi... Các em ở chùa có thể cơm không đủ no, tắm không đủ sạch nhưng ít ra còn có cơm để ăn, được bàn tay chắm sóc của các bảo mẫu, và được che mưa che nắng.

Ước tính, một ngôi chùa trung bình có hơn 20 người già và trẻ em và cả nước có cả nghìn cơ sở như thế này thì cũng có thể thấy các vị sư đã cứu giúp biết bao người thiếu may mắn trong cuộc sống. Vì thế, bạn Minh Trí mong mỏi, mọi người hãy nhìn nhận sự việc bảo mẫu ở chùa Bồ Đề như một “con sâu làm rầu nồi canh”, và ước mong, nhà chùa vẫn vững tâm với các công tác thiện nguyện.

Nụ cười luôn hiện trên môi các em.
Nụ cười luôn hiện trên môi các em.

Người trẻ cần phải sống có trách nhiệm hơn

Song song với việc kêu gọi mọi người tin vào điều thiện, nhiều bạn đọc cũng hy vọng, lớp thanh niên ngày nay sẽ sống có ý nghĩa hơn. Một bạn đã có nhiều hoạt động từ thiện lên tiếng: “Các bạn hãy sống có ý nghĩa hơn bằng cách quan tâm đến cộng đồng những người khó khăn, khiếm khuyết. Họ cần lắm sự hảo tâm từ các bạn. Hãy đừng chỉ làm từ thiện bằng tiền, hãy trực tiếp xắn tay đi xuống những nơi vùng sâu vùng xa, hãy tận mắt chứng kiến sự thiếu thốn của trẻ em, của những người tàn tật để từ đó giúp họ bằng chính đôi tay, sức lực và khối óc của bạn".

Sư thầy Thích Đàm Lan, trụ trì chùa Bồ Đề.
Sư thầy Thích Đàm Lan, trụ trì chùa Bồ Đề.

Một người mẹ trẻ cũng lên tiếng: “Từng làm mẹ nên tôi hiểu nuôi một đứa con vất vả, tốn kém đến nhường nào. Các ông bố bà mẹ trẻ trước khi dứt bỏ khúc ruột của mình hãy nghĩ đến tương lai của chúng. Bản thân tôi đánh giá rất cao các hoạt động như nấu cháo từ thiện ở các bệnh viện, hay những quán cơm 2000 đồng dành cho những người lao động cực khổ. Thiết thực, đơn giản, nhưng đối với những con người nghèo khó, đó là động lực, là niềm tin vào tình người, để họ phấn đấu nhiều hơn cho xã hội”.

Nhật My

Bạn có thể quan tâm