Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hãy lấy mảnh gương ác ra khỏi trái tim người thầy và những đứa trẻ

Phiếu khảo sát học sinh bị ép tát bạn 231 cái bộc lộ yếu kém về năng lực và nhân cách hiệu trưởng. Người lớn đã biến 23 đứa trẻ thành những kẻ tàn nhẫn, vô tri, có thể cả dối trá.

Tôi đã cố quên sự việc đau lòng giáo viên trường THCS Duy Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) bắt học sinh tát bạn 231 cái như cố quên vụ cô ép trò uống nước giẻ lau; nữ hiệu trưởng đi taxi vào sân trường làm gãy chân học trò, sau đó phát phiếu khảo sát cho cán bộ, giáo viên, học sinh khẳng định không có chuyện đó.

Mấy ngày nay, khi vụ việc khiến dư luận nhức nhối là Ban giám hiệu THCS Duy Ninh tiến hành khảo sát 23 học sinh bị ép tát bạn với 19 câu hỏi vô cảm, phản giáo dục, tôi không thể tiếp tục im lặng nữa.

Không thể chấp nhận bản điều tra học sinh tát bạn

Đọc 19 câu hỏi và sau đó là kết quả khảo sát với con số tát mạnh, tát vừa, tát nhẹ, tôi không thể không cho rằng người nghĩ ra "sáng kiến" này có vấn đề về đạo đức.

Nếu cô giáo bắt học sinh tát bạn nhận thức được sai lầm và biết phục thiện, nhiều người có thể xem xét tha thứ phần nào cho hình phạt phản giáo dục, có thể xem xét cái tát thứ 231 như giọt nước tràn ly của nữ giáo viên, và cũng có thể suy nghĩ thêm về lời cầu xin vì thành tích lố bịch, đáng xấu hổ của hiệu trưởng... Nhưng, tuyệt đối không thể chấp nhận cách hành xử của những người làm công tác giáo dục với tập thể học sinh trong và sau khi xảy ra sự việc.

co giao cho hoc sinh tat ban 231 cai anh 1
TS Trịnh Thu Tuyết - nguyên giáo viên Ngữ văn, trường THPT Chu Văn An, Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Phần lớn dư luận căm phẫn cô giáo vì lệnh trừng phạt phản giáo dục, xót thương cho em bé lớp 6 bị tổn thương đau đớn cả về thể chất và tinh thần, và nổi giận vì thái độ vô cảm của cô hiệu trưởng khi trả lời báo chí.

Trong tâm thế của người từng gắn bó gần 40 năm trong ngành giáo dục, tôi thấy sợ hãi và phẫn nộ khi hình dung tâm trạng của 23 học sinh trong lớp 6/2 trường THCS Duy Ninh bị buộc tát bạn mình. Sau đó, những em này phải điền giấy khảo sát về cô giáo, bạn bị đánh và chính mình.

Theo tâm lý mang nhân tính thông thường nhất của con người, không ai có thể bình thản hành hạ đồng loại. Hồi còn nhỏ, khi dùng que nghịch trêu đàn kiến trong nhà, bà ngoại tôi nói: "Con đừng làm đau những con kiến này, chúng cũng biết đau, biết buồn, biết sợ như con người. Nếu làm nó chết, những con kiến khác sẽ buồn lắm".

Bao năm qua, tôi vẫn nhớ lời dạy ấy để biết cảm nhận nỗi đau không chỉ của đồng loại. Lời bà giúp tôi tránh cái ác và biết phẫn nộ trước cái ác.

Nghe chuyện về 230 cái tát thật sự xót xa cho những đứa trẻ, hoặc cho sự tàn nhẫn vô cảm và đặc biệt ích kỷ được đào luyện trong cả quá trình giáo dục; hoặc cho nỗi đau ngây thơ trong lòng chúng - phải làm đau bạn mình, dù thương bạn cũng không dám nhẹ tay.

Những đứa trẻ phải ngoan ngoãn tát bạn thật lực, dù không có mặt cô giáo. Phải chăng chúng đã bị tê liệt hoàn toàn khả năng phản ứng của những nhân cách độc lập? Chúng sợ cái gì? Sợ sự tố giác của những bạn cùng lớp hay uy lực vô hình của giáo viên vẫn hiện hữu, bất chấp cô ở đâu?

Đây có phải những hạt mầm đầu tiên gieo trồng cái ác cùng tâm lý nô lệ? Và những phiếu khảo sát sau vụ việc đau lòng tiếp tục bộc lộ sự kém cỏi trong cả năng lực và nhân cách những người làm giáo dục.

Họ đã biến 23 đứa trẻ với nét chữ còn vụng về, gạch xóa, trở thành những kẻ tàn nhẫn, vô tri và có thể phải dối trá. Triết lý giáo dục nào có thể dung túng phương pháp dạy học chuyên quyền, tàn bạo và giả dối ấy?

Thành quả giáo dục là những đứa trẻ vô cảm

Tôi đã muốn khóc khi đọc hai câu trả lời của một bé chỉ hơn cháu ngoại mình vài tuổi: Câu 11: Sau khi tát, bạn N. có chảy máu không? - không biết! Câu 12: Sau khi tát, cả lớp có ai bật khóc không? - không.

co giao cho hoc sinh tat ban 231 cai anh 2
Bảng câu hỏi và "lời khai" của một học sinh trong lớp. Ảnh: Người Lao Động.

Có lẽ, những người khảo sát đã rất hài lòng với hai câu trả lời cho thấy vết thương của bé N. chắc không nghiêm trọng và không có gì khiến cả lớp phải xúc động.

Họ có nghĩ rằng hai câu trả lời "không" và “không biết” đã tái hiện bức tranh giáo dục khủng khiếp mà họ tạo nên. Thành phẩm giáo dục của họ là những đứa trẻ hoặc vô cảm (khi không hề quan tâm để biết má bạn có chảy máu sau 231 cái tát không; cũng không thấy có gì cần buồn, thương mà khóc), hoặc hèn nhát, giả dối khi chối bỏ cả sự thật các em nhìn thấy.

Đừng nghĩ rằng việc này cũng như mọi sự khác trên đời, rồi sẽ nhạt dần và biến mất trên “dòng thời gian”. Người ta sẽ quên chuyện này, đó là sự thật. Nhưng có một sự thật khác là những đứa trẻ vô tư, trong sáng đã bị gieo mầm ác, như mảnh gương rơi vào tim bé Kay trong truyện Bà chúa Tuyết.

Những mảnh gương như thế, khi không được lấy ra, cứ dày lên, băng giá dần trong trái tim trẻ thơ. Nó thành nếp sống, nếp nghĩ, thành tâm hồn và nhân cách của cả lớp người. Để một mai, con cháu ta sống trong vương quốc giá băng, không còn tình người.

Xin hãy lấy mảnh gương ác ra khỏi trái tim người thầy và những đứa trẻ!

Cô giáo bắt học sinh tát bạn 231 cái Cô Nguyễn Thị Phương Thủy, giáo viên trường THCS Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) bắt học sinh tát bạn 231 cái.

Điều tra học sinh tát bạn 231 cái, trường bị kiểm điểm

Sau khi tự ý yêu cầu 23 học sinh trả lời 18 câu hỏi trong phiếu điều tra vụ tát bạn 231 cái, Ban giám hiệu THCS Duy Ninh đã bị Phòng Giáo dục huyện yêu cầu kiểm điểm.

231 cái tát học trò và câu hỏi về chất lượng đào tạo giáo viên

Câu chuyện cô giáo ở Quảng Bình cho học sinh tát bạn khiến dư luận đặt câu hỏi về chất lượng giáo viên và việc dạy đạo đức trong đào tạo sư phạm.

TS Trịnh Thu Tuyết

Nguyên giáo viên THPT Chu Văn An, Hà Nội

Bạn có thể quan tâm