Từ năm 11-14 tuổi, Ji-o, một nữ sinh Hàn Quốc, liên tục bị những gã đàn ông trên Internet đe dọa, đeo bám và gạ gẫm chụp ảnh khiêu dâm, CNN cho biết.
Năm 2015, Ji-o bắt đầu tham gia Twitter khi còn đang là học sinh tiểu học 11 tuổi. Cô bé đơn thuần chỉ muốn kết giao thêm bạn bè, theo Choi Yunu đến từ tổ chức phi chính phủ Mental Health Korea.
Tội phạm tình dục kỹ thuật số là một vấn nạn đặc biệt ở Hàn Quốc. Ảnh: Getty. |
Sau một thời gian sử dụng mạng xã hội này, một số người lạ mặt tiếp cận Ji-o. Họ sẵn lòng gửi tiền tiêu vặt cho cô bé. Đổi lại, nữ sinh tiểu học chỉ cần gửi ảnh chụp bộ ngực của mình.
Thế nhưng, cuộc đổi chác này lại là một vụ lừa đảo. Những tấm hình của Ji-o được chúng sử dụng để tống tiền chính cô bé.
Một người đàn ông tự xưng 36 tuổi đe dọa nạn nhân rằng hắn sẽ cho phụ huynh cô bé xem những bức ảnh khiêu dâm kia. Một gã khác yêu cầu Ji-o phải trả lời tin nhắn trong vòng 2 phút, nếu không hắn sẽ cử người đến tận nhà để đánh đập cô bé. Do quá sợ hãi, Ji-o luôn đeo tai nghe đi ngủ vì sợ bỏ lỡ thông báo tin nhắn.
“Cô đã làm theo lệnh của tôi chưa? Hãy nhớ rằng: Cô không phải là người, mà là đồ chơi tình dục của tôi mà thôi”, CNN trích một tin nhắn gửi đến nạn nhân.
Vì chưa đủ trưởng thành, cô không nhận thức rõ ràng những gì đang xảy ra với mình. Văn hóa đổ lỗi cho nạn nhân của xã hội Hàn Quốc đã ngăn cản nữ sinh này tìm kiếm sự giúp đỡ.
Ở tuổi 16, Ji-o vẫn phải đối mặt với hậu quả của hơn 3 năm chịu đựng những lời đe dọa và quấy rối tình dục trực tuyến. Nạn nhân cho biết cô đã thay số điện thoại 8 lần, rời khỏi nhà bố mẹ để đến sống cùng chị ở thủ đô Seoul. Cô cũng muốn đổi họ tên.
Tội phạm tình dục kỹ thuật số là vấn đề chung toàn cầu, nhưng nó là một vấn nạn đặc biệt ở Hàn Quốc - quốc gia có tỷ lệ sở hữu điện thoại thông minh cao nhất thế giới.
Vấn nạn tội phạm tình dục đặc biệt cao ở xứ kim chi - nơi có số người dùng smartphone nhiều nhất thế giới. Ảnh: Bloomberg. |
Luật pháp lỏng lẻo và chính sách yếu kém đã tạo điều kiện cho loại tội phạm này phát triển tại xứ kim chi. Thủ phạm ít khi được hệ thống tư pháp xử lý một cách nghiêm túc, dẫn đến việc nạn nhân chán nản không muốn tố cáo.
Những nhà hoạt động xã hội cho rằng Hàn Quốc cần làm nhiều hơn nữa để xử lý tội phạm tình dục nghiêm túc, giữ an toàn cho phụ nữ và các cô gái trẻ khỏi những nguy hiểm ở phía bên kia màn hình.
Nhan nhản tội phạm tình dục trên Internet
Năm 2019, Hàn Quốc chấn động với vụ án "phòng chat thứ N" trên nền tảng Telegram, nơi người dùng chia sẻ công khai những video bạo lực, khiêu dâm, xúc phạm thân thể phụ nữ.
Theo số liệu thống kê, "phòng chat thứ N" có 74 nạn nhân, trong đó có 16 người là trẻ vị thành niên. Nạn nhân nhỏ nhất là học sinh tiểu học 11 tuổi. Một người phụ nữ không chịu nổi cảnh bị những gã đàn ông làm nhục đã chọn cách tự sát để giải thoát.
Những kẻ cầm đầu nắm giữ thông tin cá nhân của nạn nhân, rồi đe dọa họ quay video bị bạo lực tình dục. Sau đó, những video này đã được bán cho khoảng 260.000 người đàn ông khác nhau với mức giá từ 199-1.235 USD thông qua Bitcoin.
Kẻ cầm đầu “phòng chat thứ N” là Cho Joo Bin (26 tuổi). Ngoài Cho, 13 đồng phạm khác đã bị cảnh sát Seoul bắt giữ. Cuối tháng 11 vừa qua, tòa án thành phố Seoul tuyên án Cho Joo Bin 40 năm tù.
Đáng chú ý, sự xuất hiện của “phòng chat thứ N” đã “truyền cảm hứng” cho nhiều nhóm kín khác mọc lên.
Kẻ chủ mưu của "phòng chat thứ N" Cho Joo Bin. Ảnh: Getty. |
Chỉ trong tháng 1, hơn 7.000 nhóm và kênh liên quan đến lạm dụng trẻ em bị cấm hoạt động, theo kênh Chấm dứt tình trạng Bạo hành trẻ em của Telegram.
Hơn 2.500 tội phạm tình dục kỹ thuật số bị bắt giữ vào năm 2020, theo cảnh sát Hàn Quốc. Trong đó, 220 người hoạt động trên Telegram, Discord và nhiều trang web ẩn mà trình duyệt thông thường không thể truy cập.
Tuy nhiên, vụ việc của Ji-o cho thấy các cô gái trẻ cũng dễ gặp nguy hiểm ngay trên các nền tảng mạng xã hội thông dụng.
Nhiều năm trước khi “phòng chat thứ N” xuất hiện, cô bé bị đe dọa bởi chính thông tin cá nhân của mình. Khi cô từ chối chụp những bức hình khiêu dâm cho gã đàn ông tự nhận 36 tuổi, hắn đã phát tán thông tin riêng tư của Ji-o trên mạng dưới dạng hình ảnh để Internet có thể lưu trữ chúng mãi mãi.
Nữ sinh nhỏ tuổi không biết làm thế nào gã đó lấy được thông tin của cô. Sau đó, rất nhiều người liên lạc với Ji-o. Một số gã bắt cô cởi hết quần áo, vài tên khác bảo cô chụp ảnh bản thân trong bộ đồng phục học sinh.
Tuy nhiên, nạn nhân không dám kể với bất kỳ ai. Cô sợ rằng nếu tố cáo, cảnh sát sẽ đưa cô bé vào trung tâm bảo vệ vị thành niên. Ji-o cũng không dám hé răng nửa lời với bố mẹ vì sợ họ không hiểu.
Năm 2018, cảnh sát yêu cầu nói chuyện với Ji-o. Họ đang điều tra một người đàn ông từng trò chuyện trực tuyến với cô và phát hiện nhiều hình ảnh của Ji-o trong hộp tin nhắn.
Vì cô bé chưa đủ tuổi, cảnh sát đã gọi cho bố mẹ Ji-o. Họ cảnh báo Ji-o về hành động gửi ảnh khiêu dâm vì chúng vi phạm luật bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên.
Nạn nhân quấy rối tình dục không dám mở lời với ai vì sợ bị đánh giá, đổ lỗi ngược. Ảnh: iStock. |
Khi biết chuyện, bố Ji-o tức giận đánh đập và hỏi lý do cô bé bán ảnh trên mạng dù gia đình chu cấp đầy đủ cho con gái. Còn mẹ cô chỉ biết im lặng và khóc. Đó cũng là lần cuối cùng họ trao đổi với Ji-o về tội phạm tình dục kỹ thuật số.
“Thời gian đó như sống ở địa ngục. Tôi tự trách bản thân rất nhiều, đến giờ vẫn vậy. Hơn hết, tôi thất vọng về bố mẹ mình”, nạn nhân chia sẻ.
Hệ thống luật pháp lỏng lẻo
Trên thế giới, sự kỳ thị của xã hội cũng như những khó khăn trong việc tiếp cận hệ thống tư pháp đã ngăn cản các nạn nhân quấy rối tình dục tố cáo với cảnh sát. Điều này lại càng rõ rệt hơn ở xứ kim chi.
Trước khi luật pháp thay đổi vào năm 2020, Hàn Quốc cho rằng một số trẻ vị thành niên tự nguyện tham gia vào tội ác gây ra cho chính họ. Cụ thể, nạn nhân từ 13-16 tuổi được coi là bên đồng ý quan hệ tình dục về mặt pháp lý nếu họ nhận tiền hoặc quà cáp từ thủ phạm.
Ngoài ra, nạn nhân có thể phải đến sống ở các trung tâm giáo dưỡng công cộng để được bảo vệ. Các nhóm hoạt động xã hội cho biết đây giống như một lời đe dọa, ngăn cản nạn nhân tố giác tội phạm tình dục. Đồng thời, những kẻ lạm dụng, hiếp dâm không nhất thiết bị trừng phạt.
Một vụ án nổi tiếng năm 2014 là minh chứng rõ ràng cho sự thiếu sót của hệ thống pháp luật Hàn Quốc. Một cô bé thiểu năng trí tuệ 13 tuổi đã bỏ nhà ra đi sau khi làm vỡ màn hình điện thoại của mẹ do sợ bị quở trách, đánh mắng.
6 người đàn ông trưởng thành lừa cô bé về nhà để “chăm sóc và cho ăn uống” nhưng lại thay nhau cưỡng hiếp nạn nhân. Một tòa án tuyên bố rằng cô bé 13 tuổi đã tự nguyện bán dâm để nhận tiền ăn và ở.
Không phải nạn nhân cứ trình báo thì vụ án sẽ được điều tra. Trước đây, cảnh sát nhận thấy “gần như không thể” điều tra tội phạm tình dục kỹ thuật số vì họ không có quyền truy cập các phương pháp nghiệp vụ trực tuyến, theo Tổng ủy viên Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc Kim Chang-yong.
Ngay khi cả điều tra, thủ phạm cũng không nhận được bản án thích đáng. Từ năm 2011-2015, chỉ có 5% số kẻ bị truy tố ở Hàn Quốc vì quay phim, phát tán và bán nội dung khiêu dâm bị tống vào tù, theo một báo cáo năm 2018 của Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc, một tổ chức tư vấn của chính phủ.
Kể từ năm 2018, phụ nữ Hàn Quốc mạnh mẽ thể hiện tiếng nói của mình thông qua chiến dịch #MeToo. Ảnh: Getty. |
Theo Viện Tội phạm học Hàn Quốc, vào năm 2018, mức án trung bình dành cho những người bị kết tội sản xuất và phát tán hình ảnh, video bóc lột tình dục trẻ vị thành niên là 2,6 năm.
Cùng tội danh này, mức án trung bình ở Mỹ là 11 năm 8 tháng, theo báo cáo năm 2019 về tội phạm tình dục liên bang.
Trong khi đó, kết quả khảo sát của Tacteen Naeil cho biết 12% học sinh trung học cơ sở và 4% học sinh tiểu học từng bị quấy rối tình dục trên Internet - một con số không hề thấp.
Chấn thương tâm lý cả đời
Luật sư Cho Eun-ho cho biết các hình phạt nặng hơn sẽ khiến mọi người nhận thức rõ ràng hơn về tội phạm tình dục kỹ thuật số và mức độ nghiêm trọng của chúng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo ngại rằng ngay cả với những biện pháp mởi, Hàn Quốc vẫn khó xử lý và kiểm soát tội phạm tình dục kỹ thuật số.
Luật sư Baek So-yoon đã phân tích hơn 200 phán quyết từ tháng 11/2018 đến tháng 7/2020 mà thủ phạm bị kết tội phát tán video bóc lột tình dục trẻ em và người chưa thành niên.
Cô nhận thấy các thẩm phán có xu hướng ít hiểu biết về tội phạm tình dục kỹ thuật số và không nắm được quy mô cũng như tác động kinh khủng của chúng tới nạn nhân. Do đó, thủ phạm được tuyên một mức án nhẹ.
Ngoài ra, Choi Yunu đến từ tổ chức Mental Health Korea cho biết các nạn nhân sợ rằng nếu họ tố cáo với cảnh sát, bố mẹ họ sẽ phát hiện ra. Do đó, cảnh sát cũng cần phải cẩn thận, tránh gây ra thêm chấn thương cho nạn nhân.
“Xin hãy coi chúng như con cháu ruột trong nhà và thấu hiểu rằng chúng đang tự chiến đấu cho bản thân khi bị truy đuổi bởi một kẻ thù vô hình”, ông nói.
Nỗi đau mà nạn nhân phải hứng chịu sẽ kéo dài cả đời. Ảnh: Jung Yeon-Je/AFP. |
Shin Jin-hee, luật sư đại diện cho 30 nạn nhân trong vụ “phòng chat thứ N”, cho biết họ không thể tiếp tục cuộc sống bình thường.
“Đối với luật sư như tôi, vụ án đã kết thúc sau khi thẩm phán tuyên án. Nhưng đối với các nạn nhân, nó vẫn còn đó. Họ tiếp tục sống trong lo sợ rằng một ngày nào đó, các hình ảnh, video nhạy cảm lại bị phát tán”, cô nói.
"Không ít nạn nhân muốn thay đổi số an sinh xã hội hoặc tên tuổi nhưng điều đó khá khó khăn. Nhiều người chưa đủ tuổi trưởng thành nên cần sự đồng ý của phụ huynh, một số khác không biết giải thích thế nào cho bạn bè, đồng nghiệp”, nữ luật sư cho biết.
Đối với Ji-o, tội ác đã kết thúc vào năm 2018, nhưng theo nhiều cách, câu chuyện của cô ấy vẫn chưa chấm dứt. Cô chưa bao giờ khiếu nại chính thức với cảnh sát về những gì đã xảy ra với mình.
Nạn nhân vẫn sợ những hậu quả mà bản thân có thể phải đối mặt. Điều đó bao gồm không truy tìm được kẻ chịu trách nhiệm, và hình ảnh, thông tin cá nhân của cô vẫn tồn tại trên Internet.
“Thông tin của tôi vẫn còn ở đâu đó trên mạng. Ai đó có thể đang theo dõi tôi. Có thể vài năm tới, họ lại đào chúng lên lần nữa. Chuyện này không có hồi kết”, Ji-o nói.