Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hãy thăm khám bác sĩ nếu bạn tiểu tiện giữa đêm

Tiểu đêm không phải là vấn đề khẩn cấp nhưng ảnh hưởng đến giấc ngủ, sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Những người tiểu đêm nhiều lần cần được thăm khám càng sớm càng tốt.

Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Viết Hiếu, khoa Tiết niệu dưới, Trung tâm Tiết niệu và Nam khoa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết nếu thức dậy để đi tiểu từ hai lần trở lên mỗi đêm, đó là một dấu hiệu rõ ràng của chứng tiểu đêm. Tiểu đêm làm ảnh hưởng đến giấc ngủ và chất lượng cuộc sống. Tiểu đêm là một dấu hiệu cho thấy có điều gì đó rắc rối đang xảy ra trong cơ thể. Bản thân nó không phải là một căn bệnh.

Nguyên nhân gây ra chứng tiểu đêm

Tiểu đêm có thể do thói quen như uống quá nhiều chất lỏng trước khi đi ngủ hoặc một số loại thuốc, các bệnh nền khác (như bệnh tiểu đường hoặc bệnh tim), giảm dung tích bàng quang. Các nguyên nhân khác gây ra chứng tiểu đêm như:

  • Đa niệu: Khi cơ thể bài tiết ra quá nhiều nước tiểu trong 24 tiếng.
  • Đa niệu về đêm: Khi cơ thể bài tiết ra quá nhiều nước tiểu về đêm.
  • Vấn đề chứa đựng của bàng quang: Bàng quang không lưu trữ hoặc thải nước tiểu tốt.
  • Tiểu đêm hỗn hợp: Nhiều hơn một trong những vấn đề kể trên diễn ra cùng một lúc.

Theo bác sĩ Hiếu, chúng ta có thể ngủ trong 6-8 giờ mà không cần thức dậy đi tiểu. Thức dậy để đi vệ sinh hai lần trở lên trong một đêm, sẽ khiến ảnh hưởng rõ ràng đến chất lượng giấc ngủ và chất lượng cuộc sống. Hầu hết mọi người không làm việc hiệu quả vào ban ngày mà không có giấc ngủ tốt.

Để chẩn đoán chứng tiểu đêm, các bác sĩ cần tìm hiểu nguyên nhân. Người bệnh sẽ được hỏi về các triệu chứng của mình và tiền sử sức khỏe. Để giúp chẩn đoán, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh ghi nhật ký bàng quang. Một số xét nghiệm cận lâm sàng có thể được chỉ định:

  • Cấy nước tiểu và tổng phân tích nước tiểu: Kiểm tra các dấu hiệu của nhiễm khuẩn niệu, sự xuất hiện của hồng cầu, protein hoặc các bất thường khác trong nước tiểu.
  • Xét nghiệm máu: Kiểm tra chức năng thận.
  • Siêu âm bàng quang: Đo thể tích tuyến tiền liệt (nam giới), đánh giá tình trạng bàng quang, đo lượng nước tiểu còn lại trong bàng quang sau khi đi tiểu.
  • Nội soi bàng quang: Đánh giá niệu động học (đánh giá toàn diện chức năng chứa đựng và tống xuất của bàng quang).

Điều trị tiểu đêm như thế nào?

Bác sĩ Viết Hiếu cho hay để điều trị tiểu đêm, người dân nên thay đổi lối sống bằng cách hạn chế uống nước vào ban đêm. Bạn có thể uống nhiều nước trong ngày nhưng hạn chế uống nước 2-4 giờ trước khi đi ngủ. Bên cạnh đó, bạn cần hạn chế caffein và rượu.

tieu 2-3 lan moi dem anh 1

Để chẩn đoán chứng tiểu đêm, các bác sĩ cần tìm hiểu nguyên nhân. Ảnh: New York Times.

Nếu phải sử dụng thuốc lợi tiểu, uống từ 6 giờ trở lên trước khi ngủ. Điều này sẽ giúp giảm số lần tiểu đêm. Nếu có phù 2 chân, người bệnh nên nâng cao chân khi ngủ và sử dụng tất đàn hồi có thể hữu ích.

Ngoài ra, khi bạn ngủ đêm không ngon giấc, một giấc ngủ ngắn buổi chiều có thể giúp đỡ mệt mỏi. Giấc ngủ ngắn cũng có thể cho phép dịch đi vào lòng mạch. Tuy nhiên, lưu ý, bạn đừng ngủ trưa quá nhiều.

Nếu bị tiểu dầm gây ướt giường, người bệnh nên dùng những sản phẩm hỗ trợ như nệm chống thấm, bìa, quần lót thấm hút và các sản phẩm chăm sóc da.

"Nếu thay đổi lối sống không hiệu quả, một số loại thuốc có thể giúp thận bài tiết ra ít nước tiểu hơn hay điều trị các vấn đề về cơ bàng quang, điều chỉnh việc bài tiết nước tiểu và huyết áp cao bằng thuốc lợi tiểu. Nếu bệnh lý nền dẫn đến chứng tiểu đêm, bạn cần điều trị bệnh đó ổn định, tình trạng này cũng sẽ đỡ, đặc biệt lưu ý với bệnh tiểu đường, huyết áp cao, suy tim sung huyết, phổi tắc nghẽn mạn tính…", bác sĩ Viết Hiếu nói.

Chưa đến 30 tuổi tóc đã rụng cả nắm

Mỗi lần gội đầu hay dọn nhà, Thùy Dương lại thu được một nắm tóc lớn của mình. Có lúc, cô bật khóc vì lo lắng.

Phương Anh

Bạn có thể quan tâm