Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hệ quả của việc lướt mạng xã hội liên miên

Mạng xã hội là hình thức giải trí tốt nếu người dùng sử dụng có chủ đích. Ngược lại, việc lướt mạng không kiểm soát sẽ khiến tâm trạng ta tồi tệ hơn, theo WSJ.

Lướt mạng xã hội một cách vô thức khiến người dùng mệt mỏi. Ảnh: Unsplash.

Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta từng chìm đắm trong suy tư lúc lái xe, nhưng vẫn có thể dừng lại khi gặp đèn đỏ mà không cần nghĩ ngợi nhiều.

Hiện tượng trên là một ví dụ điển hình về sự phân ly (dissociation) trong tâm trí. Một nghiên cứu mới đã chỉ ra con người cũng có hành vi tương tự khi lướt mạng xã hội. Nhờ vậy, ta không bị chìm hẳn vào thế giới ảo, theo Wall Street Journal.

Sự phân ly có 2 dạng. Những hiện tượng như nằm mơ giữa ban ngày hay lái xe khi không tập trung là ví dụ của sự phân ly bị động (passive dissociation), khi chìm vào dòng suy nghĩ và ít để ý thời gian đã trôi qua.

Mặt khác, sự phân ly chủ động (active dissociation) xảy ra khi ta muốn tách rời khỏi thực tại một cách có chủ đích qua các hoạt động giúp giảm căng thẳng như xem phim hoặc nghe nhạc.

Với người dùng mạng xã hội, sự phân ly chủ động giúp họ giải lao khỏi những lo nghĩ và gánh nặng hàng ngày. Tuy nhiên, khi việc lướt mạng trở nên bị động và vô thức, người dùng sẽ cảm thấy mình đã lãng phí thời gian, xấu hổ vì nghiện mạng xã hội.

Nghiên cứu mới đưa ra một vài gợi ý để các trang mạng xã hội giúp người dùng sử dụng nền tảng một cách có chủ đích. Đồng thời, các nhà khoa học cho rằng không nên dùng từ "nghiện" để nói về việc lướt mạng liên miên.

Thay vào đó, ta có thể nhìn nhận việc sử dụng mạng xã hội là một hình thức phân ly, giống như chìm đắm trong những cuốn sách hay bộ phim.

Sự phân ly là “một quá trình phổ biến và có lợi”, theo Amanda Baughan, nghiên cứu sinh tiến sĩ và trợ lý nghiên cứu tại Đại học Washington (Mỹ). “Việc chìm đắm vào một nền tảng được thiết kế để tối đa hóa thời gian sử dụng của bạn sẽ là một vấn đề”, cô nói.

tam ly luot mang anh 1

Việc lướt mạng xã hội chỉ trở thành vấn đề khi người dùng không kiểm soát được hành vi. Ảnh: Unsplash.

Trong nghiên cứu, 43 người tham gia được yêu cầu tải một công cụ trên điện thoại mang tên Chirp, dùng cùng ứng dụng Twitter. Chirp bao gồm 4 tính năng giúp người dùng sắp xếp và theo dõi thời gian lướt mạng. Nó thông báo với người dùng về những bài đăng họ đã đọc, đồng thời hạn chế các tweet không liên quan bị chèn vào bảng tin.

Công cụ cũng đưa ra số liệu về thời gian lướt mạng và số tweet đã xem. Đồng thời, cứ 20 phút, nó nhắc người dùng về thời gian họ đã dùng ứng dụng và hỏi liệu họ có muốn tiếp tục.

Trong các bảng câu hỏi và phỏng vấn, người tham gia nói rằng cả 4 tính năng của ứng dụng này giúp họ tránh việc lướt mạng trong vô thức, dù một số cho biết họ cảm thấy khó chịu với lời nhắc liên tục.

Baughan nói rằng nghiên cứu cho thấy người dùng “có thể cải thiện mối quan hệ với mạng xã hội nếu các nền tảng giúp họ giải trí trong khuôn khổ thời gian biểu”.

Một số nền tảng như Twitter hay TikTok đã có những tính năng hỗ trợ người dùng hạn chế thời gian sử dụng.

Baughan cũng khuyến khích mọi người coi việc dùng mạng xã hội là tình trạng phân ly của não bộ, nhằm tránh định kiến rằng lướt web và không làm việc hiệu quả là đáng xấu hổ hay nghiện ngập.

“Khi coi việc dùng mạng xã hội và mong muốn được giải lao khỏi sự bận rộn là một phần của đời sống hàng ngày, ta có thể nhìn nhận những hành vi này là hoạt động bình thường”, cô nhận xét. Hiểu về bản chất của việc lướt mạng giúp ta kiểm soát hành vi của mình.

Cái giá của việc né tránh giao tiếp

Xu hướng khép mình và ngại tương tác xã hội có thể để lại những hệ quả lâu dài.

Mai Hoàng

Bạn có thể quan tâm