Đánh giá về việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, GS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho rằng các chiến lược trong đợt 4 phù hợp với bối cảnh dịch bệnh. Đặc biệt, hệ số lây nhiễm virus tại thành phố đang giảm.
Hệ số lây nhiễm tại TP.HCM xuống thấp sau 5 tháng
Trao đổi với Zing, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết hệ số lây truyền giảm là một trong những dữ liệu quan trọng trong việc đánh giá mức độ lây nhiễm của dịch bệnh. Nó được định nghĩa là số người trung bình bị lây nhiễm từ một F0, ký hiệu bằng R.
Thời điểm bùng phát dịch, chưa thực hiện bất cứ sự can thiệp nào để ngăn chặn sự lây lan, hệ số lây nhiễm được ký hiệu là R hoặc R0.
Còn hệ số lây truyền Rt là chỉ số trong thực tế theo thời gian, khi cộng đồng đã nhận ra sự có mặt của dịch bệnh và có những biện pháp nhất định để hạn chế sự lây lan. Ví dụ, Rt bằng 2 nghĩa một F0 lây cho 2 người.
"Nếu số ca mắc giảm dần, hệ số lây truyền Rt sẽ nhỏ hơn 1. Còn nếu tăng dần thì Rt lớn hơn một. Hiện nay, chỉ số Rt ở TP.HCM ở mức trên - dưới 1", PGS Dũng nói.
Chuyên gia Đại học Y Dược TP.HCM lý giải phép tính này có thể thay đổi theo nhiều thuật toán, giả định khác nhau nên sẽ có sự chênh lệch. "Hiện nay, chỉ số này ở thành phố ở mức tương đối ổn định nên dịch có thể kiểm soát được", ông nói.
Về hệ số lây truyền Rt, GS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết qua ước tính bằng modelling, các biện pháp can thiệp phòng chống Covid-19 áp dụng tại TP.HCM từ tháng 5 đến tháng 9 đã giúp giảm hệ số lây truyền Rt từ hơn 5 (một F0 lây cho 5 người) xuống 1,03.
Điều này có thể đã phòng ngừa được 7,4 triệu ca nhiễm, 740.000 ca nhập viện và 55.000 ca tử vong so với tình huống không áp dụng Chỉ thị 16, tỷ lệ xét nghiệm thấp và tỷ lệ tiêm mũi 1 chỉ đạt 50% người trên 18 tuổi.
Khung cảnh người dân quận Tân Phú xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm rRT-PCR hồi cuối tháng 6. Ảnh: Duy Hiệu. |
Vì sao TP.HCM có thể sẵn sàng mở cửa?
GS Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế, Đại học Công nghệ Sydney, Giáo sư kiêm nhiệm dịch tễ học và thống kê học thuộc Trường Y của Đại học Notre Dame Australia, cho biết vào năm ngoái, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dựa vào dữ liệu ở Vũ Hán, Trung Quốc - nơi đầu tiên bùng phát đại dịch, ước tính hệ số R dao động trong khoảng 1,4 đến 2,5.
"Sự thay đổi của hệ số lây lan có ý nghĩa rất quan trọng, vì nó là một trong những yếu tố để quyết định chính sách. Nếu R cao hơn 1 thì dịch còn lây lan, nếu R thấp hơn 1 thì dịch đang suy giảm và sẽ 'suy tàn' theo thời gian", GS Tuấn cho biết.
Trong đợt dịch ở Việt Nam vào tháng 4/2020, GS Tuấn là người đầu tiên công bố hệ số R lúc đó là 1,08 (xác suất 95%, dao động từ 0,87 đến 1,24). Sau đó, hệ số R dần dần giảm xuống dưới 1 và dịch đã được kiểm soát.
Biểu đồ hệ số lây nhiễm ở TP.HCM từ ngày 1/7 theo tính toán của GS Tuấn. Đường màu đỏ là R =1. Khi R thấp hơn 1 tức là dịch đang giảm. Cách ước tính dựa vào phương pháp Bayes và lag-time là 7 ngày. |
Còn tại TP.HCM, tính toán hệ số lây truyền theo ca nhiễm hàng ngày (tính từ 1/7) đến nay, GS Tuấn nhận thấy vào thời điểm đầu tháng 7, hệ số R = 1,33 (khoảng tin cậy 95%, dao động từ 1,12 đến 1,61).
Sau đó, hệ số này trồi sụt theo thời gian. Đến đầu tháng 9, hệ số lây truyền giảm xuống thấp hơn 1. Tính từ ngày 13/9, hệ số R = 0,94 (khoảng tin cậy 95%, dao động 0,89 đến 0,99).
Dựa trên sự điều chỉnh phù hợp tỷ lệ tiêm chủng vaccine, nếu tỷ lệ trên 90% (độ bao phủ mũi 1), hệ số lây lan thực tế tại TP.HCM là 0,94. Ngay cả nếu tỷ lệ tiêm chủng đủ 2 liều là 30%, hệ số này vẫn ở mức 0,63.
"Lý giải dịch tễ học trên cho thấy dịch ở TP.HCM đang suy giảm và hệ số lây lan thực tế thấp hay rất thấp. Điều này có nghĩa là thành phố nên ngừng phong tỏa và sẵn sàng mở cửa càng sớm càng tốt", GS Tuấn nhận định.
Mở cửa theo lộ trình chặt chẽ, khoa học
Dựa trên cơ sở tính toán bằng công cụ CovaSim để đánh giá diễn biến tình hình dịch tại TP.HCM, GS.TS Phan Trọng Lân cho biết sau ngày 15/9, tùy theo kịch bản nới lỏng với các biện pháp can thiệp khác nhau, diễn tiến dịch sẽ khác nhau.
Theo đó, nếu nới lỏng giãn cách toàn bộ ngay từ ngày 16/9, dịch sẽ "bùng nổ" với cấp độ lớn dù tỷ lệ tiêm vaccine có gia tăng. Hệ số lây truyền Rt nhanh chóng tăng lên 1,85 trong khoảng từ giữa đến cuối tháng 9.
Hàng trăm người chạy xe máy đổ xô về quê qua cửa ngõ phía đông sau khi TP.HCM công bố giãn cách xã hội thêm 1 tháng. Hình chụp lúc sáng 15/8. Ảnh: Chí Hùng. |
GS Lân đề xuất việc nới lỏng giãn cách phải có lộ trình từng bước, chặt chẽ, khoa học. Hiện nay, hệ số lây truyền Rt còn trên 1 (1,03). Theo ước tính, nếu nới lỏng giãn cách vào ngày 1/10 và tiếp tục thực hiện các giải pháp an toàn, Rt có thể tăng nhẹ trở lại (1,08), sau đó sẽ giảm. Nhưng nếu gia hạn nới lỏng giãn cách đến ngày 1/11, Rt sẽ giảm sâu xuống 0,91, giúp giảm số ca mắc bền vững hơn.
GS Nguyễn Văn Tuấn gợi ý lộ trình "thoát" phong tỏa ở TP.HCM có thể thực hiện qua 4 bước sau đây:
Bước đầu, các công sở và hãng xưởng nên mở cửa hoạt động lại. Những người đi làm nếu chưa tiêm vaccine thì có thể cần làm xét nghiệm nhanh. Cho phép những người đã tiêm vaccine đi chợ trong vòng 5 km. Giai đoạn này vẫn tiếp tục hạn chế sự đi lại của người cao tuổi (trên 65 tuổi) và có bệnh nền.
Bước 2, các dịch vụ công cộng (quán ăn, nhà hàng, khách sạn, khu du lịch nội địa...) có thể mở cửa. Những người đã tiêm vaccine được ưu tiên tham gia, không hạn chế đi lại.
Bước 3, bình thường hóa các hoạt động khác, nối lại hoạt động du lịch, cho phép du lịch đến một số quốc gia và nhận du khách từ các nước đã được tiêm chủng. Không hạn chế đi lại ở người cao tuổi (trên 65) và có bệnh nền.
Bước 4, xem Covid-19 như các bệnh truyền nhiễm khác, không phong tỏa, không giới hạn đi lại nước ngoài, không giới hạn du khách.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cho rằng khi đã chấp nhận sống chung với virus và thoát phong tỏa, cơ quan chức năng nên đưa ra những quy định đơn giản để giúp người dân dễ nắm bắt và thực hiện tốt.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.