Mũi Cà Mau: Đến địa đầu cực nam Tổ quốc, bạn chắc chắn không muốn bỏ lỡ địa danh Đất Mũi thuộc huyện Ngọc Hiển, cách trung tâm thành phố Cà Mau hơn 100 km. Biểu tượng của Đất Mũi là tiểu cảnh Pano hình con tàu hướng ra biển Đông, khơi dậy niềm tự hào và tình yêu quê hương trong lòng mỗi người con đất Việt. Ảnh: @hoangvy103, @vungocmai210. |
Điểm cuối đường Hồ Chí Minh: Địa danh Đất Mũi cũng đánh dấu km số 2.436 - điểm cuối cùng của đường Hồ Chí Minh. Đây là con đường bắt đầu từ Pác Bó (Cao Bằng), đi qua 28 tỉnh thành phố và kết thúc ở điểm cực nam của Tổ quốc. Nằm trong Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, cột mốc này được đánh dấu bằng tượng đài và hai bức phù điêu, trở thành điểm check-in quen thuộc của du khách tại Đất Mũi. Ảnh: @iammeo.meo,@tranthanhanhnguyet. |
Mốc tọa độ quốc gia: Bên trong khu du lịch này còn có Mốc tọa độ quốc gia GPS 0001 (cây số 0) của Việt Nam - một trong 4 điểm cực đánh dấu lãnh thổ Việt Nam trên đất liền. Ngoài cực Nam tại Cà Mau còn có cực Bắc là Cột cờ Lũng Cú (Hà Giang), cực Tây là xã Apa Chải (Điện Biên), cực Đông là Mũi Đôi (Khánh Hòa). Với nhiều bạn trẻ, việc có thể check-in đủ 4 điểm cực trên dải đất liền Việt Nam như một cách khẳng định niềm đam mê du lịch, trải nghiệm dọc ngang suốt chiều dài đất nước. Ảnh: @sam.baomyy, @tungrom90. |
Chùa Monivongsa Bopharam: Nếu thích du lịch tâm linh hay muốn tìm hiểu văn hóa địa phương, bạn có thể ghé thăm chùa Monivongsa Bopharam nằm ngay phường 1, trung tâm thành phố Cà Mau. Ngôi chùa lớn nhất thành phố này rộng khoảng 230 m2, được xây dựng theo kiến trúc đặc trưng của Phật giáo Nam Tông. Chùa lấy 2 tông màu đỏ và vàng tươi làm chủ đạo với nhiều hoa văn trạm trổ tinh xảo, kỳ công. Chùa Monivongsa Bopharam không chỉ là điểm vãn cảnh nổi tiếng của thành phố, mà còn là nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa đặc sắc vào các ngày lễ tắm Phật 30/8 và 1/9 âm lịch hàng năm, hay lễ hội của người Khmer như Chôl Chnăm Thmây, Sene Đolta, Ok Om Bo… Ảnh: @baoohoang. |
Chợ nổi Cà Mau: Sẽ là thiếu sót lớn nếu du khách khám phá Cà Mau mà không trải nghiệm bầu không khí sôi động, tấp nập của chợ nổi - nét văn hóa đặc trưng vùng sông nước Nam Bộ. Nằm trên sông Gành Hào, cách cầu Gành Hào hơn 200 m thuộc phường 8 trung tâm thành phố, chợ nổi Cà Mau có hàng trăm chiếc xuồng, ghe tàu to nhỏ chở đầy hàng hóa đến trao đổi và buôn bán. Bạn có thể dậy sớm, ghé thăm chợ từ 4h, khi ánh bình minh chưa bừng tỉnh để khám phá nét văn hóa thường nhật rất “đời” tại đây. Ảnh: Shuttlestock. |
Hòn Đá Bạc: Bỏ lại đằng sau nhịp sống sôi động của thành phố, bạn có thể thuê xe máy “phượt” đến ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời để check-in tại cụm đảo hòn Đá Bạc. Cùng với hòn Trọi, hòn Ông Ngộ, hòn Đá Bạc là một trong 3 cụm đá nhô cao, được người địa phương đặt tên là “con mắt ngọc của miền Tây”, vừa mang ý nghĩa tôn vinh vẻ đẹp, vừa khẳng định vị trí địa lý như đôi mắt khổng lồ canh giữ một vùng biển phía tây của Tổ quốc. Xung quanh hòn Đá Bạc có rất nhiều đá granit xếp chồng lên nhau, tạo nên hình thù độc đáo mà nhìn từ xa tưởng như đảo được dát bạc, lấp lánh dưới ánh nắng. Ảnh: ThamhiemMeKong. |
Rừng U Minh Hạ: Đây được được xem là điểm du lịch sinh thái lý tưởng cho những ai thích khám phá tự nhiên, ưa mạo hiểm và quan tâm đến hệ sinh thái rừng ngập nước độc đáo của Việt Nam. Sau khi mua vé vào cửa 10.000 đồng/người, bạn có thể trải nghiệm nhiều dịch vụ du lịch như tham quan cảnh rừng bằng vỏ lãi (300.000 đồng) hoặc phà (600.000 đồng), câu cá, ăn uống đặc sản giữa 4 bề sông nước nguyên sơ. Bạn cũng sẽ được trải nghiệm cuộc sống hoang dã giữa quần thể rừng quý hiếm với hơn 250 loài thực vật phong phú và nhiều loại chim quý ở nơi đây. Ảnh: Surego.vn. |
Đầm Thị Tường: Nơi được mệnh danh “biển hồ giữa đồng bằng” này nằm trên địa phận 3 huyện Cái Nước, Trần Văn Thời và Phú Tân. Trong đó, điểm dừng chân nổi tiếng nhất là Đầm Giữa. Nơi đây vẫn giữ được vẻ đẹp bình yên, nguyên sơ bởi chưa khai thác nhà hàng, khu vui chơi giải trí. Thay vào đó là những ngôi nhà sàn của dân chài lưới ngay trên mặt đầm, nơi bạn có thể nghỉ chân ăn uống, khám phá cuộc sống thường nhật của ngư dân. Ngắm hoàng hôn trên đầm Thị Tường được xem là trải nghiệm không thể nào quên khi bạn vừa có thể ngắm bầu trời đổi sắc, vừa dùng bữa tối và lắng nghe người dân kể chuyện về cuộc sống bình dị trên đầm. Ảnh: ThamhiemMeKong. |
Bình luận