Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hen suyễn vào mùa sớm

“Bệnh hen suyễn thường tăng vào mùa lạnh. Tuy nhiên, trong những ngày chuyển mùa vừa qua, đã có nhiều trẻ bị hen, trong đó không ít trẻ lên cơn nặng”.

Sai lầm nhỏ, hậu quả lớn

Xịt thuốc sai (xịt không đúng, không đủ liều, không đều đặn): Đây là sai lầm thường gặp nhất và gây hậu quả lớn nhất vì khiến việc điều trị hen kéo dài, kém hiệu quả, thậm chí không hiệu quả. Thay vì đi vào phế quản, khí quản nhằm làm giảm sưng viêm phế quản thì thuốc lại vào họng, xuống đường tiêu hóa. Điều này khiến bệnh của trẻ không thuyên giảm mà còn gây ra các tác dụng phụ như viêm họng, nhiễm nấm. Kỹ thuật sử dụng thuốc, dụng cụ xịt thuốc cần được bác sĩ (BS) huấn luyện kỹ lưỡng.

Vệ sinh quá kỹ buồng đệm bằng giẻ chùi xoong, bàn chải; cho buồng đệm vào nồi luộc… cũng là sai lầm thường gặp. Buồng đệm đã được tráng lớp sơn tĩnh điện, có độ trơn láng rất cao nhằm mục đích không cho các hạt thuốc đọng lại khi xịt. Nếu vệ sinh quá mức làm lớp tĩnh điện bên trong bị trầy xước, thuốc đọng lại trong bình một phần chứ không đi hết vào đường thở khiến thuốc bị giảm liều, việc điều trị kém hiệu quả.

Tự ý mua thuốc: BS Đặng Thị Kim Huyên, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM, cho biết. từng tiếp nhận một bé năm tuổi (Bình Dương), được mẹ đưa đi khám bệnh hen với những triệu chứng bệnh liên quan đến tác dụng phụ của thuốc như mặt bị căng, tròn xoe như quả bóng, hai bên má mọc đầy lông (hội chứng Cushing). Sau khi khám và tìm hiểu, BS xác định, do người mẹ không đưa con tái khám mà tự ý mua thuốc cho con uống trong thời gian hơn một năm theo đơn thuốc BS kê trong lần khám trước đó. Loại thuốc dạng viên uống mà chị mua có liều lượng gấp hơn 10 lần so với dạng thuốc xịt dự phòng hen. Không như thuốc dạng xịt, đi vào phế quản và ra ngoài theo đường thở, dạng thuốc uống sẽ vào máu, lên não, xuống các cơ quan nội tạng khác gây nên nhiều tác dụng phụ như mục xương, tuyến thượng thận bị ảnh hưởng.

Cấm trẻ ăn uống, vận động: Không ít bà mẹ vì sợ con bị suyễn sẽ dị ứng, lên cơn hen nên cấm không cho bé ăn bất cứ thứ gì ngoài cơm và thịt heo luộc, khiến nhiều bé đã bị suy dinh dưỡng, xanh xao. Đây là một sai lầm nghiêm trọng, bởi trẻ sẽ khó có thể phát triển, sức đề kháng kém và bệnh hen lại càng nặng hơn.

Tương tự, đừng vì sợ trẻ lên cơn hen mà cấm trẻ vận động. Vận động đúng cách sẽ giúp trẻ phát triển hài hòa và tăng cường thể lực. Nên cho trẻ chơi những môn thể dục thể thao nhẹ nhàng, có nhiều mức độ từ nhẹ đến vừa sức như đi bộ, tập thể dục nhịp điệu, yoga… Không ít phụ huynh e ngại khi cho trẻ đi bơi. Thực tế, bé vẫn có thể bơi lội với điều kiện hồ sạch, được thay nước thường xuyên.

Bỏ sót và nhầm lẫn: Bệnh hen và viêm mũi thường đồng hành với nhau, vì vậy cần được điều trị cùng lúc. Nếu chỉ điều trị hen mà bỏ sót viêm mũi thì bệnh của trẻ cũng khó thuyên giảm.

Cho trẻ nuốt vật lạ: Có người còn mắc những sai lầm nghiêm trọng khác như cho trẻ ăn, uống, nuốt những vật kỳ lạ: giun đất, thạch sùng sống, uống mật cá, nhau thai mèo, hoặc uống thuốc của các thầy lang vườn… Không ít trẻ đã phải đi cấp cứu vì cách chữa hen theo kiểu truyền miệng này.

Kiểm soát hen giúp trẻ vui sống

Theo thống kê tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, các bệnh về hô hấp nói chung chiếm đến 1/3 tổng số bệnh nhân đến khám; riêng bệnh hen suyễn chiếm 1/3 trong số đó. Hen suyễn có nhiều cấp độ khác nhau.

Suyễn sữa ở trẻ nhỏ: Bé có biểu hiện ho, khò khè như bệnh hen suyễn, nhưng nguyên nhân thực sự là do đường thở của bé ngắn, nhỏ, cơ thể bé với hệ miễn dịch chưa đủ mạnh nên dễ mắc bệnh đường hô hấp… Tình trạng này sẽ chấm dứt với đa số trẻ khi qua “đốt” ba tuổi, nếu trẻ và những người trong gia đình không có cơ địa suyễn, viêm mũi, dị ứng.

Qua ba tuổi cho đến sáu tuổi: Nếu trẻ vẫn có những cơn hen thì cần tiếp tục điều trị dự phòng. Sau khoảng mỗi ba tháng, trẻ được giảm liều một lần cho đến khi hen được kiểm soát tốt.

Từ sáu tuổi trở lên: Nếu trẻ bắt đầu cơn hen từ sáu tuổi trở lên thì nhiều khả năng trẻ đã bị suyễn thực sự. Hiện chưa có nơi nào trên thế giới có thể chữa khỏi bệnh này. Người bị bệnh cùng gia đình cần hiểu, chấp nhận thích nghi và sống chung với hen cả cuộc đời. Vì vậy, cần có sự chuẩn bị kỹ để đón nhận và có kế hoạch kiểm soát bệnh. Nhờ đó, bệnh nhân có được nhịp sống bình thường như mọi người.

Trong điều trị hen luôn dùng cùng lúc hai loại thuốc cắt cơn và dự phòng. Trong đó, thuốc cắt cơn chỉ dùng khi trẻ lên cơn hen hoặc để ngăn ngừa cơn hen khi gắng sức (luyện tập thể dục thể thao, làm việc nặng…). Việc lạm dụng thuốc hay bỏ qua, không sử dụng, đều không nên.

Thuốc điều trị dự phòng: Có tác dụng chống viêm và ngừa cơn hen, được dùng hàng ngày kể cả khi không có triệu chứng. Thuốc bắt đầu có tác dụng từ khoảng vài tháng; thông thường sẽ giảm liều sau mỗi ba tháng cho đến khi cơn hen dứt hẳn. Việc điều trị hen phải được tính bằng năm chứ không chỉ vài ngày hay vài tháng. Nếu điều trị vài đợt mà bệnh vẫn không giảm thì cần kiểm tra lại xem có mắc phải những sai lầm kể trên không.

Sau khi được điều trị hợp lý, đáp ứng thuốc tốt, người bệnh hoàn toàn không bị lên cơn hen nữa. Tuy nhiên đó chỉ là trạng thái im lặng của bệnh, hen có thể bùng phát bất ngờ. Phụ huynh không nên thất vọng khi thấy trẻ lên cơn hen trở lại, mà cần chuẩn bị để đối phó. Cụ thể, nhận biết dấu hiệu cơn hen chuyển nặng để sử dụng ngay bình xịt thuốc cắt cơn, giảm khó thở cho trẻ theo hướng dẫn của BS. Người bị bệnh hen luôn nhớ mang theo bình xịt cắt cơn và gặp BS theo dõi định kỳ.

http://phunuonline.com.vn/suc-khoe/song-khoe/hen-suyen-vao-mua-som/a145333.html

Theo An Hà/Báo Phụ Nữ TP HCM

Bạn có thể quan tâm